Thật khó nhìn thấy mọi tác động của một phát minh như Internet. Khi cha đẻ của mạng toàn cầu www là Tim Berners-Lee, một nhà vật lí người Anh của Tổ chức Hạt nhân châu Âu (CERN) vận hành máy chủ mạng toàn cầu đầu tiên trên một máy tính NeXT của Steve Jobs.
Thế giới đã thay đổi thật nhanh chóng và mạnh mẽ. Dan Noyes nhận định: “Đó là một trong những ngày lớn nhất trong lịch sử mạng toàn cầu” (web, còn gọi là w3).
Johannes Gutenberg với máy in đầu tiên của nhân loại vào năm 1455 đã thay đổi cách truyền thông thật cơ bản, Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại vào năm 1875 thực hiện việc nối mạng âm thanh, thay đổi cuộc sống và xã hội thông tin được định hình rõ nét.
Dựa trên các nghiên cứu về sóng điện từ của Maxwell, Hughes và bức xạ radio của Heinrich Rudolf Hertz, đội kĩ sư Westinghouse phát minh ra ống dò chân không, nhờ đó mà đêm Giáng sinh 1906, Reginald Fessenden đã truyền sóng radio âm thanh đầu tiên trong lịch sử từ Massachusetts với bài hát Đêm thánh vô cùng (O Holy Night) chơi đàn vĩ cầm.
Người ta cứ tưởng rằng bán điện thoại hay bán máy radio là việc chính. Theo thời gian, chính dịch vụ và quảng cáo, cùng các ứng dụng khác trong quân sự, giáo dục, thông tin, chính trị... mới đem lại lợi ích khổng lồ và đẩy sự tiến hóa của nền văn minh loài người đi xa, với một tốc độ chóng mặt, bỏ rơi các dân tộc chậm tiến.
Trở lại với Internet, mà w3 (world wide web) chỉ là một của nhiều không gian bất chấp thời gian và địa lí. Gần như mọi gia đình và mọi người đều không thể thiếu nó: Đã có 14 tỉ trang trên mạng để đọc.
Đã có Google như một hệ thống truy cập đại dữ liệu ở mọi ngôn ngữ. Đã có hệ Android, HTML5, Mozilla, Firefox OS…, sự kết nối tất yếu với điện thoại di động và nhất là đa dạng hóa tiện ích trên smartphone.
Thế giới, 20 năm Internet và Việt Nam 15 năm, đã biến thành thế giới phẳng và nhỏ lại. Trong tác phẩm Thời đại mới của kĩ thuật số (The New Digital Age), Eric Schmidt và Jared Cohen đã phải thốt lên: Chưa bao giờ trong lịch sử mà loài người, ở khắp mọi nơi, con người lại có nhiều quyền lực đến vậy ở đầu ngón tay mình.
Xét về mối quan hệ giữa hệ thống truyền thông với các hệ thống xã hội, Daniel Lerner đã viết trên Behavioral Science tháng 10/1957 như sau: Một trong những điều kiện và đặc điểm của quá trình chuyển đổi từ các xã hội cổ truyền sang các xã hội hiện đại chính là sự chuyển tiếp từ các hệ thống truyền thông truyền miệng sang các hệ thống truyền thông đại chúng (mass media).
Cách đây hơn nửa thế kỉ, triết gia người Đức Juergen Habermas đã đưa ra khái niệm Oeffentlichkeit (tính công khai, không gian công cộng, tạm dịch qua tiếng Anh là publicity hoặc public sphere) mà Immanuel Kant đã đề cập vào năm 1784, nhấn mạnh việc sử dụng lí tính trong không gian công cộng và không gian công cộng của lí tính chính là điều kiện để hình thành nên công luận, đây cũng là điều kiện để thiết lập nền tảng dân chủ.
Internet đã thu hẹp thế giới và mở rộng không gian sống, suy nghĩ và làm việc. Logic của Internet là chia sẻ quyền lực, bình đẳng trong vị thế và khác hẳn cách phát sóng từ một điểm như đài truyền thanh, truyền hình. Người sử dụng đi tìm cái mình muốn, chứ không quan tâm những gì người khác muốn mình tiếp nhận.
Vai trò trung gian chuyển tải hay xào nấu thông tin của nhà báo, nhà hoạt động chính trị… vẫn quan trọng dù chỉ còn là tương đối thôi, nhưng sự chính trực của thông tin dễ được kiểm tra hơn, vì nó là một thế giới truyền thông đa chiều, đa phương tiện.
Mới đây, tại Lễ hội ADC Hamburg, 10.000 chuyên viên quảng cáo đã tụ tập để đánh giá tác động của việc số hóa. Doerte Spengler-Ahrens đã nói: “Không ở đâu mà những ngôi sao bùng cháy và lụi tàn rất nhanh như trong vũ trụ của tương lai số hóa”. Những hiện tượng siêu đẳng như AOL, Second Life hay StudiVZ đã trở thành hoài niệm, là một minh chứng.
Trước đây không lâu, nếu muốn thưởng thức một chương trình tivi, bạn phải chạy về nhà ngồi xem. Giờ đây, bạn có thể xem nó mọi lúc mọi nơi. Bạn đã trở thành nhà tiêu dùng di động rồi. Sản phẩm, thông tin và dịch vụ sẽ bay đến bạn trong tíc tắc, sau một bấm tay hay cú nhấp chuột mà thôi.
Mass Media không bị vỡ vụn và chuyển hóa thành Media of Mass do đại chúng thực hiện. Thế giới truyền thông đang được bổ sung bởi Facebook, blog…, đã mở rộng không gian công cộng. Thuật ngữ Internet of Things (Internet kết nối sự vật) đang được nâng lên thành Internet of Everything (Internet kết nối mọi vật) và đó là khuynh hướng để loài người có nhiều tiện ích hơn và thông minh hơn.
Dĩ nhiên, Internet cũng có mặt tối của nó. Nhưng đó là một câu chuyện khác. Internet đã thể hiện trong yên lặng sự bùng nổ thông tin, sức mạnh của sự kết nối mạng. Có 2,7 tỉ người sử dụng Internet và chỉ số sử dụng Internet là một tiêu chí đánh giá trình độ xã hội và tri thức của mỗi quốc gia.
Thời đại toàn cầu hóa đang cùng với Internet thúc đẩy nhanh hơn việc hình thành thế giới công dân mạng, công dân toàn cầu. Hiện nay, hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 35% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%. Số người dùng Internet di động ở Việt Nam hiện khoảng 19 triệu người.
Web đã trở nên quan trọng hơn các công cụ truyền thông khác, xét về mặt tự do tư tưởng, và những bức tường lửa rồi cũng sẽ lụi tàn và vô nghĩa. Internet và truyền thông sẽ chẳng bao giờ tách rời nhau, cho dù ứng dụng của Internet vẫn còn nhiều ẩn số về sự đa dạng của thế giới ảo và những kĩ thuật kì bí trong tương lai.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Bình luận