Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng tình trạng cạnh tranh giữa các nhà mạng trong nước để điều chỉnh mạnh giá cước roaming quốc tế. Theo Cục Viễn thông, tình trạng này khiến doanh nghiệp trong nước tổn thất từ 10-100 triệu USD mỗi năm.

Tại cuộc họp Quản lí Nhà nước tháng 4, 5 của Bộ TT&TT sáng 6/6, ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trước đây, các nhà mạng trong nước tự quyết định giá cước roaming dẫn tới tình trạng chạy đua về giá để cạnh tranh với nhau. Nắm bắt được tâm lý của các nhà mạng VN, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã khoan sâu vào mâu thuẫn này để kiếm lời hàng nghìn tỉ đồng.

Trước tình trạng này, Cục đã yêu cầu các nhà mạng trong nước thống nhất một mức giá chung, sau đó báo cáo Cục để hạn chế tổn thất.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu tổ chức sớm cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp với Cục viễn thông về roaming quốc tế, dự kiến ngay trong tháng 6. Việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khiến cho nhà nước thất thoát hàng chục triệu USD "không thể để kéo dài", và phương án giá cước chung cần sớm được triển khai để bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dùng, Bộ trưởng khẳng định.

Cũng trong cuộc họp, Bộ TT&TT đã công bố một số hoạt động làm được trong thời gian qua ở lĩnh vực viễn thông. Đáng chú ý có: Hoàn thiện chủ trương cấp phép thiết lập mạng viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Xây dựng Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao, Tổng hợp kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ 3G.

Đồng thời, Cục Viễn thông đã rà soát lại tất cả các doanh nghiệp chưa triển khai các giấy phép đã được cấp trong 2 năm vừa qua, triển khai xử lí việc thu hồi hàng loạt giấy phép bao gồm giấy phép mạng di động ảo MVNO của Tổng công ty VTC, giấy phép cung cấp dịch vụ của Công ty Qtnet, kho số thuê bao cố định của Công ty Đông Dương Telecom, mã điểm báo hiệu trong nước và quốc tế của Viettel.

Bộ cũng đã đốc thúc việc nộp phí kho số viễn thông của các công ty SPT, Đông Dương Telecom và Qtnet năm 2012, phí kho số đối với các mã số viễn thông thu hồi của Viettel năm 2013. Hoàn thành việc giám sát lắp đặt tuyến cáp quang biển SJC, cấp giấy phép lắp đặt tuyến cáp quang biển APG. Công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh năm 2012.

Đầu tháng 5, Trung tâm VNNIC đã tổ chức Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam, thực hiện quy hoạch và chuyển đổi IPv6 mạng DNS quốc gia và VNIX. Riêng trong hai tháng 4, 5/2013, đã phát triển thêm 14.563 tên miền truyền thống “.vn”, tổng số tên miền “.vn” đang duy trì là 243.048 tên miền, có 11.470 tên miền tiếng Việt đăng kí mới trong tổng số tên miền tiếng Việt hiện đang tồn tại trên hệ thống là 902.122 tên miền.

Theo Vietnamnet




Bình luận

  • TTCN (0)