Sự gia tăng số lượng và độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty, khiến các công ty đẩy mạnh chi tiêu cho công nghệ bảo mật, giá trị thị trường bảo mật toàn cầu sẽ tăng 8,7% trong năm 2013, lên mức 67,2 tỉ USD.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ 4, ngày 12/6, Gartner dự báo thị trường công nghệ và dịch vụ bảo mật sẽ tăng lên 86 tỉ USD vào năm 2016. Các nhà phân tích chỉ ra 3 phân khúc sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường gồm: bảo mật di động, dữ liệu lớn và các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quan trọng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị cầm tay (BYOD) khiến cho không gian bảo mật được mở rộng, các công ty phải mở rộng phạm vi đảm bảo an ninh cho các thiết bị, các ứng dụng di động và dữ liệu. Các công ty cũng phải tăng cường hiểu biết cho nhân viên của mình về các thiết bị và ứng dụng được phép truy cập vào hệ thống của doanh nghiệp.
Ruggero Contu, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, cho biết: sự gia tăng số lượng và độ phức tạp của các cuộc tấn công có chủ đích, cùng với nhu cầu đảm bảo các yêu cầu về thủ tục pháp lí của các công ty đã thúc đẩy thị trường bảo mật tăng mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu về bảo mật và nhu cầu kinh doanh, việc bảo mật dữ liệu là yếu tố quan trọng hơn cả, sau đó mới là việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công. Gartner cũng lưu ý rằng, thách thức lớn nhất trong bảo mật dữ liệu là phát hiện các dấu hiệu của rủi ro tiềm tàng trong môi trường mà các nguồn dữ liệu ngày càng đa dạng.
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của quá trình phân tích an ninh, cập nhật các kĩ năng bảo mật, công nghệ bảo mật mới, và quy trình phân tích bảo mật dữ liệu của kho dữ liệu. Gartner cũng nói thêm rằng, các hacker ngày nay có thể duy trì sự hiện diện của mình trong hệ thống của nạn nhân sau khi đã tần công thành công một lần, và tìm ra cách để thâm nhập vào hệ thống. Các hacker thường thực hiện điều đó bằng phần mềm độc hại hoặc sản phẩm của các phần mềm độc hại, những phần mềm này sẽ thu thập thông tin người dùng, và sử dụng chúng để tạo ra các lỗ hổng an ninh, giúp cho hacker thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo.
Lawrence Pingree, giám đốc nghiên cứu của Gartner, cho biết: các doanh nghiệp nên xây dựng một hệ thống phòng thủ có chiều sâu, xây dựng mô hình bảo mật với nhiều lớp phòng thủ đạt và vượt các chỉ tiêu an ninh hiện có. Cách tiếp cận này khá phổ biến trong các doanh nghiệp, và các lớp an ninh được quản lí một cách độc lập để thực hiện những mục tiêu an ninh quy định như phát triển, ngăn chặn, trả lời, loại bỏ.
Theo ZDNet
Bình luận