Scandal theo dõi thông tin người dùng đang gây xôn xao thế giới.

Sau tròn một tuần chương trình do thám quy mô lớn của Mỹ được đăng trên Guardian và Washington Post, các cuộc tranh cãi xung quanh việc PRISM là gì và thực sự hoạt động ra sao vẫn diễn ra dù nhiều bên liên quan đã lên tiếng.

Ngày 6/6, hai tờ báo lớn của Anh và Mỹ tuyên bố đang nắm trong tay tài liệu mật được trình bày dưới dạng slide thuyết trình dài 41 trang về một dự án mang tên PRISM, trong đó Cơ quan Anh ninh Quốc gia (NSA) và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) có khả năng truy cập trực tiếp vào máy chủ để lấy các đoạn chat, e-mail, ảnh, video... của người dùng từ 9 công ty Internet và công nghệ hàng đầu là Yahoo!, Apple, Microsoft, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube.

PRISM là gì?

PRISM là một hệ thống được NSA sử dụng để tiếp cận các nội dung giao tiếp trên mạng của người dùng dịch vụ Internet. Tài liệu rò rỉ đã ghi rõ PRISM có thể "thu thập thông tin trực tiếp từ máy chủ" của các công ty trên. Tổng thống Mỹ BarackObama và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã thừa nhận sự tồn tại của dự án, nhưng khẳng định đây là chương trình "quan trọng và hoàn toàn hợp pháp", được Quốc hội cho phép và được tòa án kiểm soát chặt chẽ. "Thông tin thu thập được từ chương trình này là những tin tức tình báo quan trọng nhất, có giá trị nhất, được sử dụng để bảo vệ đất nước trước nguy cơ tấn công khủng bố", ông Clapper tuyên bố.

9 công ty Internet trên có tham gia vào chương trình này?

Hiện chưa rõ việc truy cập vào máy chủ của Apple, Google, Facebook... là hoạt động đã nhận được sự chấp thuận từ các hãng, hay do NSA âm thầm thực hiện mà không thông báo với các bên liên quan.

Ảnh
Những công ty Internet được nhắc đến trong chương trình PRISM.

Trong bài viết với tiêu đề: "What the...?" (Cái quái quỷ gì thế?), Larry Page, CEO của Google, bày tỏ sự tức giận trước những nghi ngờ rằng họ bắt tay với chính phủ Mỹ để theo dõi người dùng. Ông khẳng định "mọi nhận định Google đã mở 'cổng hậu' và tiết lộ thông tin cá nhân cho chính phủ là hoàn toàn sai sự thật".

Tất cả các hãng nằm trong danh sách bị nghi vấn cũng trả lời rõ ràng rằng họ không thỏa hiệp với chính phủ mà chỉ chia sẻ thông tin trong từng trường hợp cụ thể khi có lệnh từ các cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí, Steve Dowling, phát ngôn viên của Apple, cho hay: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến PRISM. Không tổ chức nào được quyền truy cập vào máy chủ của chúng tôi, còn muốn được cung cấp dữ liệu thì phải mang theo lệnh của tòa".

Chưa thể xác định các công ty nói dối hay không, nhưng phản ứng quyết liệt của họ khiến nhiều người tin họ "vô tội". Tuy nhiên, các hãng cũng chỉ phủ nhận việc cho phép chính phủ truy cập "trực tiếp" vào server chứ vẫn cung cấp thông tin khi có lệnh. Theo New York Times, "trong một số trường hợp, dữ liệu được gửi đến chính phủ qua mạng từ máy chủ của công ty đó". Các dữ liệu "được chia sẻ sau khi luật sư công ty nhận được yêu cầu của FISA (Foreign Intelligence Surveillance Act - Cơ quan Giám sát tình báo nước ngoài) chứ không được gửi đi hay truy cập tự động".

Một nguồn tin khác cũng khẳng định với trang CNet rằng PRISM "là một quá trình hợp pháp và các công ty phải tuân theo". Nói cách khác, cụm từ "truy cập trực tiếp" không có nghĩa các công ty mở cửa máy chủ cho NSA vào lục lọi tự do, mà chỉ thể hiện là NSA sẽ nhận được thông tin như ảnh, video, chat... của một cá nhân hay một nhóm (chẳng hạn kẻ bị tình nghi là khủng bố) từ Facebook, Google sau khi họ này nhận được lệnh yêu cầu.

Ai là người tiết lộ chương trình tuyệt mật PRISM

Đó là Edward Snowden, cựu nhân viên CIA 29 tuổi và được cho là đang ở Hong Kong từ ngày 20/5. Lí do anh này quyết định tiết lộ thông tin về PRISM là để bảo vệ "sự tự do cơ bản của mọi người trên khắp thế giới". Anh này đang được coi như người hùng nhưng cũng bị gán tội danh "kẻ phản bội". Đáng chú ý là Snowden đề nghị công khai danh tính của mình.

Ảnh
Edward Snowden, người cung cấp thông tin về PRISM cho báo chí.

Snowden từng làm về an ninh mạng cho CIA đến năm 2007 và có cơ hội tiếp cận một loạt tài liệu mật. Năm 2009, Snowden bắt đầu làm cho Booz Allen Hamilton, một nhà thầu của NSA, ở Hawaii. Anh này cho hay còn nhiều thông tin bí mật khác sẽ tiếp tục được công bố thời gian tới.

PRISM nhắm đến những nước nào?

Một công cụ mang tên Boundless Informant bị rò rỉ cho thấy NSA đã thu thập tới gần 100 tỉ mẫu dữ liệu (data report) trên toàn cầu, trong đó Mỹ chiếm khoảng 3 tỉ, trong giai đoạn kéo dài 30 ngày kết thúc vào tháng 3/2013. Iran đứng đầu với 14 tỉ, theo sát là Pakistan với 13,5 tỉ dữ liệu. Jordan, Ai Cập và Ấn Độ cũng nằm trong diện bị theo dõi sát sao. Mức độ do thám được chia theo màu sắc, trong đó xanh lá cây nhẹ nhất, tăng dần lên là vàng, cam và cao nhất là đỏ.

Ảnh
Bản đồ về mức độ thu thập thông tin ở các nước của Mỹ.

Trong số khoảng 61.000 mục tiêu của NSA, Snowden cho hay có hàng nghìn máy tính nằm ở Trung Quốc. Báo South China Morning Post nói đã nhìn thấy những tài liệu Snowden cung cấp nhưng không thể kiểm chứng tính xác thực của chúng.

Vụ kiện 20 tỉ USD

Trong khi mọi việc còn gây tranh cãi, bốn nhà hoạt động Larry Clayman, Charles Strange, Matt Garrison và Michael Ferrari đã kiện các bên liên quan vì xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. 12 công ty trong danh sách bị kiện gồm Sprint, T-Mobile, AT&T, Facebook, Google, Microsoft, Skype, YouTube, Apple, PalTalk, AOL và Yahoo!. Ngoài CEO của các hãng này, đơn kiện cũng liệt kê cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Bộ tư pháp Eric Holder và Giám đốc NSA Keith Alexander.

Vụ kiện tìm kiếm khoản bồi thường lên đến 20 tỉ USD cho những thiệt hại gây ra cho người dùng cũng như phí tòa án. Bên cạnh đó, tổ chức phi lợi nhuận American Civil Liberties Union cũng đang lên kế hoạch kiện chính phủ Mỹ vì do thám công dân trên Internet.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)