Ngành điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 20% đến 30%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện tử gặp không ít khó khăn, vấn đề chính là thiếu vốn để phát triển công nghệ cũng như sản xuất. Phóng viên của VTC News đã có cuộc phỏng vấn T.S Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN về vấn đề này.
- Xin ông cho biết về thực trạng hiện nay của ngành điện tử Việt Nam?
- Đó là bức tranh tương phản. Ngành công nghiệp điện tử có mức tăng trưởng rất nhanh. Nhưng các sản phẩm điện tử xuất khẩu chủ yếu lại là của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn các DN trong nước, do nhiều yếu tố, nên chưa thể chiếm lĩnh được thị trường. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi tắt để đón đầu. Đây cũng là quy luật chung và các nước phát triển đều theo con đường này.
- Ông dự đoán khi nào các DN điện tử trong nước có thể tự sản xuất được, thưa ông?
- So với các nước trong khu vực thì tôi dự đoán từ 5 đến 10 năm nữa. Nhưng để bắt kịp với các nước trên thế giới thì còn tương đối lâu.
- Theo ông, để có thể phát triển được, hiện các DN đang gặp phải khó khăn gì?
- Có nhiều khó khăn nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vốn. Công nghiệp điện tử đòi hỏi vốn rất lớn. Có vốn thì mới có công nghệ, mới tuyển được người giỏi. Đó là yếu tố mà các DN VN còn rất yếu. Có 2 nguồn có thể huy động vốn. Đó là đầu tư nước ngoài và kêu gọi vốn nhàn rỗi trong dân.
Để huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, chúng ta phải cho người dân thấy được đầu tư vào điện tử hấp dẫn hơn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán,… Muốn được như vậy, các DN điện tử cần phải có thương hiệu để người dân tin tưởng, yên tâm đầu tư.
Ngoài 2 nguồn chính này thì còn có các nguồn khác, nhưng nhỏ hơn. Đến nay, chúng tôi khẳng định rằng công nghiệp điện tử VN muốn phát triển thì cần phải phát triển theo quy luật chung.
- Nhiều người cho rằng các sản phẩm điện tử VN lép vế ngay trên chính sân nhà. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đó là sự thật. Các sản phẩm điện tử của VN chưa được quan tâm đúng mức. Cách phát triển ngành công nghiệp điện tử không thể theo kiểu cũ, sản xuất dàn trải.
Hiện nay, trong chuỗi toàn cầu, công nghiệp điện tử VN cần phải chọn một hoặc một vài khâu nào đó làm mũi nhọn để tập trung phát triển. Tuy nhiên, lựa chọn khâu nào để đầu tư thì cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng.
Bước đầu, chúng ta đã xác định được 2 khâu mà có thể thực hiện được tốt là thiết kế nghiên cứu sản phẩm mới và sản xuất phụ tùng – linh kiện. Đây là 2 khâu rất quan trọng. Còn ngoài ra thì khó.
Nhưng cũng cần công nhận rằng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã thu hút được những dự án rất lớn.
- Theo ông, về chính sách đã đáp ứng được yêu cầu để phát triển cho các DN điện tử chưa?
- Chính sách chưa đáp ứng được. Chúng ta chưa thực sự thực hiện tốt các cam kết. Có thể chỉ đạo ở trên thì tốt, nhưng trong thực thi, các DN nước ngoài và các DN trong nước đều gặp phải những vướng mắc. Nhất là trong vấn đề đầu tư, thuế, hải quan,…
- Vậy thì phải làm thế nào để tháo gỡ được tình trạng này, thưa ông?
- Muốn tháo gỡ, các cơ quan quản lí nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN, Hội Tự động hóa VN hay Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam,… để nắm rõ được những khó khăn của DN và đưa ra các chính sách giúp đỡ các DN. Có như vây, ngành công nghiệp điện tử VN mới có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ cần có sự chú ý đầu tư phát triển. Trong khi các nước khu vực Asian đều lấy điện tử là ngành số 1 thì nó lại chưa được chú tâm lắm tại Việt Nam. Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, các chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước là nhân tố quan trọng để ngành phát triển bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VTCnews
Bình luận