Bên trong một khách sạn tọa lạc ngay giữa trung tâm, Larry Fischer đang trò chuyện qua điện thoại với ngân hàng trong khi cộng sự của anh ta, Ari Goldberger hí húi ôm lấy cái laptop, ra chiều nghiên cứu một vấn đề gì đó. Té ra là họ đang tham gia đấu giá tên miền megayachts.com.

 
Nhưng đừng nghĩ rằng họ bị hâm hay rỗi hơi không còn việc gì làm. Cả hai thật sự mong được sở hữu tên miền này.
"110.000 USD, đồng ý không? Nhanh", Fischer sủa ăng ẳng vào đầu dây bên kia.

Bỗng dưng có ai đó nâng giá lên thành 120.000 USD. Fischer và Goldberger buộc phải đưa ra giá mới, cứ thế vài lần. Cuối cùng tên miền megayachts cũng đã thuộc về họ với giá 150.000 USD.

"Anh đã có nó", Fischer mỉm cười thông báo với đối tác bên ngân hàng.

Bùng nổ

Có thể nói, đây chính là thời điểm bùng nổ của ngành kinh doanh, mua bán tên miền. Theo ước tính, thị trường này đẻ ra không dưới 2 tỷ USD mỗi năm.

"Hãy nghĩ về nó như miền Tây hoang dã ngày xưa. Người ta không thể tưởng tượng nổi là nó đang phát triển và tăng trưởng nhanh đến mức nào", Jerry Nolte, biên tập viên của Domainer’s Magazine cho biết.

Nhiều chuyên gia tin rằng giá trị thị trường của tên miền có thể đạt tới 4 tỷ USD vào năm 2010, khi mà người dùng tiếp tục mua sắm tên miền với tốc độ 90.000 tên/ngày. Các dịch vụ đăng ký tên miền cũng mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa.

Tính đến cuối quý I/2007, đã có ít nhất 128 triệu tên miền được đăng ký trên toàn thế giới, tăng 31% so với năm trước. "Vấn đề là tên miền không chỉ là những ký tự. Nó cũng giống như bất động sản thực thụ.

Tuy thị trường non trẻ này chưa đầy 10 năm tuổi, nhưng người ta đã bắt đầu nghĩ về nó như một món hàng. Nó là những mảnh đất màu mỡ trên Web không thể thay thế được, là khoản đầu tư có giá của bạn", ông Monte Cahn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Moniker.com, một công ty chuyên quản lý tài sản tên miền giải thích.

Moniker.com chính là nơi tổ chức cuộc đấu giá tên miền mà Fischer và Goldberger vừa tham gia. Trong cuộc đấu giá này, bộ đôi đó đã chộp 4 tên miền với giá trị hơn 1,2 triệu USD. Tên miền thứ năm được họ mua hộ cho một khách hàng.

Mà đấy chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc đấu giá mà thôi. Diễn ra trong lòng một cuộc hội thảo về tên miền, vốn thu hút nhiều đại gia máu mặt nhất thị trường, cuộc đấu giá do Moniker.com chủ trì đã bán được giá trị tên miền lên tới 12,4 triệu USD.

Tên miền creditcheck.com đã được một đại gia giấu mặt mua về với giá 3 triệu USD, nhưng xem ra vẫn không là gì nếu đem so với sex.com, tên miền đắt giá kỷ lục trong lịch sử (12 triệu USD).

Nhanh chân hốt bạc

Ảnh
Larry Fischer và Ari Goldberger bên trong văn phòng của mình tại Manhattan. Nguồn: AP
Fischer, 44 tuổi và Goldberger, 46 tuổi, vào nghề từ khá sớm. Chỉ có điều, cách "vào nghề" của Goldberger thì chẳng giống ai. Năm 1996, ông từng bị Hearst Corp khởi kiện vi phạm bản quyền sau khi đăng ký mua tên miền esqwire.com, với lý do tên miền này trùng với một tờ tạp chí nổi tiếng của Hearst.

Cuối cùng hai bên đã dàn xếp được với nhau và Goldberger được phép giữ lại tên miền nói trên. Tin tức bắt đầu lan đi rằng Goldberger (vốn là một luật sư) có hiểu biết sâu sắc liên quan đến vấn đề tranh chấp tên miền - có tiếng là gai góc và xương xẩu. Người ta bắt đầu gõ cửa văn phòng Goldberger để xin tư vấn.

"Trước đó, tôi là một doanh nhân bị mắc kẹt trong công việc văn phòng. Thế rồi một vụ kiện đã làm thay đổi tất cả. Tôi hiểu mình là ai và mình nên làm gì", Goldberger nhớ lại. Cuối cùng, Goldberger rời bỏ hãng luật Philadelphia vào năm 1997 để gia nhập một công ty nhỏ, vừa mới thành lập ở Manhattan có tên mail.com, chuyên đứng ra mua tên miền.

Goldberger bắt đầu hợp tác với Fischer từ năm 2001. Cùng với nhau, họ đã trở thành một cặp bài trùng vừa láu cá, vừa tinh ranh lại vừa quyết liệt.

2 năm sau, họ cùng lập ra một hãng có tên smartname.com. Công ty này chuyên cung cấp nội dung và đường link cho các tên miền, với điều kiện được chia chác một phần doanh thu quảng cáo. Có những thời điểm mà smartname.com đại diện cho 150 chủ sở hữu khác nhau với khoảng 150.000 tên miền các loại, thu hút 50 triệu khách truy cập/tháng.

Hầu hết các site này đều rất hấp dẫn giới quảng cáo. Lấy thí dụ, megayachts.com không phải là site đua thuyền đơn thuần. Nó có chứa vô số đường link và quảng cáo về những hãng kinh doanh thuyền buồm, thuyền gỗ và du thuyền hạng sang thứ thiệt. Chủ sở hữu của megayachts.com sẽ được trả tiền cứ mỗi khi có ai click vào một trong các đường link.

Mô hình liệu có vững bền?

Bob Parsons, Giám đốc điều hành hãng đăng ký tên miền GoDaddy.com, đã gọi mô hình kinh doanh này là "rất trực quan". "Họ kiếm tiền theo hai cách. Một là thông qua lượng truy cập và hai là mức độ đáng giá của bản thân tên miền".

"Tên miền đã trở thành bất động sản của thế kỷ 21. Sở hữu một tên miền cũng là hình thức đầu tư hấp dẫn, và tôi không nghĩ có vấn đề gì với việc đó".

Trong suốt những năm qua, Goldberger và Fischer đã gọt giũa công thức kiếm tiền của mình: mua tên miền, phát triển nội dung cho site bằng một mẫu template khá đơn giản, dựa trên nghiên cứu cụ thể và cả bản năng nữa.

Họ chuyên săn lùng những tên miền thật "đắt", ngắn gọn nhưng mô tả các sản phẩm hoặc giá trị có dịch vụ cao. Lấy thí dụ, họ đã bỏ túi những tên miền như bald.com (đầu hói.com) và cardiology.com (bệnh tim.com) thông qua các cuộc đấu giá.

Để xác định giá trị tiềm năng của một tên miền, họ kiểm tra xem nó có thể tạo ra bao nhiêu hit nhờ sử dụng công cụ Google. Tuy nhiên, quan điểm của họ là chỉ quan tâm đến đuôi ".com" mà thôi. Với họ ".com là vua", còn ".net" thì vô giá trị.

"Bạn phải kiên nhẫn và kiên định, nhưng không kém phần sấn sổ và quyết liệt. Đây không phải là cuộc dạo chơi mà là đổ xô đi đào vàng. Trâu chậm thì uống nước đục", Goldberger nói.

Giá tên miền cũng ngày một đắt. 5 năm trước, họ có thể sở hữu một tên miền tốt với giá 10.000 USD. Giờ thì mức giá tối thiểu cũng phải tầm 100.000 USD. Tên miền rẻ nhất mà họ mua được thông qua đấu giá là blogging.com (135.000USD).

Nhưng bù lại, họ có cơ hội lắc đầu từ chối trước mức giá hàng triệu USD mà người ta đưa ra để mua lại những tên miền "ngon" như stocks.com và home.com.

Mặc dù vậy, họ đủ tỉnh táo để nhận ra rằng ngành kinh doanh này khó mà dài lâu. "Khi công nghệ tiến hóa, rất có thể mô hình kinh doanh này không còn trụ lại được. Quảng cáo trả-tiền-theo-số-lượt-click bị ghẻ lạnh thì tài sản của bạn cũng đội nón ra đi theo", Fischer nhún vai.

(Theo Vietnamnet) 



Bình luận

  • TTCN (0)