Lucas Duplan, vừa tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford, đã lôi kéo được các nhà đầu tư chi tới 25 triệu USD vốn ban đầu (seed fund) cho ứng dụng thanh toán mà anh này phát triển dù còn chưa được công bố.
Seed fund là nguồn vốn đầu tiên, hay cấp độ đầu tiên trong các hình thức đầu tư mạo hiểm và thường có giá trị nhỏ là vài trăm nghìn USD trở xuống. Thế nhưng, số triệu đô mà Duplan có được cho ứng dụng Clinkle còn nhiều hơn cả tuổi của anh. "Đây là khoản seed fund lớn nhất trong lịch sử Thung lũng Silicon (Mỹ). Điều này đã được xác nhận", nhóm phát triển Clinkle khẳng định.
Duplan đã dành thời gian xây dựng ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động trong 2 năm qua và nhanh chóng chinh phục được một loạt nhà đầu tư lớn, trong đó có Intel, CEO của Salesforce là Marc Benioff, cựu COO Facebook Owen Van Natta, Peter Thiel - đồng sáng lập PayPal, các nhà sáng lập của Qualcomm và VMware...
Tuy nhiên, điểm gây chú ý là Clinkle ra đời khi Duplan vẫn còn là sinh viên, ứng dụng hiện mới trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được công bố và sẽ chỉ trình làng sau vài tháng nữa. Duplan cho hay khi anh giới thiệu ý tưởng, các nhà đầu tư đã lập tức đồng ý hỗ trợ. Anh cũng đã tiến hành đăng kí sở hữu trí tuệ cho công nghệ của mình.
Vậy Clinkle tuyệt vời như thế nào mà khiến hàng loạt nhà đầu tư phải mở ví tiền? Đây vẫn còn là một ẩn số.
Duplan từ chối chia sẻ chi tiết về ứng dụng trước ngày ra mắt mà chỉ khẳng định đã tìm ra cách thanh toán cho các món đồ mua ở cửa hàng mà không cần trả tiền mặt, dùng thẻ tín dụng cũng như không đòi hỏi phải lắp đặt thêm phần cứng nào (như thiết bị đọc thẻ di động...). "Chưa ai có được một giải pháp như thế. Clinkle là chiếc ví nằm trong điện thoại của bạn. Mục tiêu của chúng tôi là hiện đại hóa hoàn toàn quá trình thanh toán", chàng trai 21 tuổi nhấn mạnh.
Cái tên Clinkle lấy cảm hứng từ clink - âm thanh mô tả tiếng xủng xẻng của các đồng xu trong túi.
Thông tin Clinkle thu hút 25 triệu USD được đánh giá là gây sốc vì Duplan gia nhập khi thị trường thanh toán trực tuyến đã đông đúc với sự nổi trội của Square hay PayPal. Thứ hai, những sản phẩm chưa ra đời thường được các nhà đầu tư chi vài chục đến vài trăm nghìn đô nhằm giúp đỡ trước khi bỏ ra khoản tiền lớn hơn. Thứ ba, đây là công ty đầu tiên của Duplan, tức anh chưa có được những bài học về thành công và thất bại khi khởi nghiệp trước đó.
Báo AllThingsD tỏ ra lo ngại cho Clinkle bởi vầng hào quang bao quanh nó quá sớm khi mà chưa ai biết nó hoạt động ra sao. Họ hi vọng ứng dụng này sẽ không thành "bom xịt" giống như Color của Bill Nguyen.
"Hãy đợi tới khi bạn nhìn thấy công nghệ phía sau nó. Với tôi, rõ ràng nhóm của Duplan đã tạo ra được bước đột phá công nghệ ấn tượng. Chúng tôi rất hào hứng với tiềm năng của Clinkle", Brad Smith, CEO Intuit, một trong những nhà đầu tư vào Clinkle, giải thích.
Theo Số Hóa
Bình luận