HTC Butterfly chính là chiếc điện thoại đầu tiên, mở ra trào lưu ra mắt dế Full HD.

Điện thoại chống nước, Full HD và những chiếc phablet màn hình ngoài sức tưởng tượng là các sản phẩm gây chú ý mạnh nhất trên thị trường nửa năm qua.

Nếu như phải tìm một lĩnh vực nào đó vẫn đang phát triển bùng nổ trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay thì đó chính là điện thoại di động. Trong khoảng 6 tháng qua, hàng trăm mẫu điện thoại mới đã được tung ra thị trường, đình đám có, tầm trung có và cả những sản phẩm giá siêu rẻ cũng có.

Nhìn chung lại, dưới đây là những xu hướng đáng chú ý nhất trên thị trường di động nửa năm qua và nhiều khả năng, nó vẫn sẽ là xu hướng chính trong khoảng thời gian còn lại của năm 2013.

Điện thoại Full HD

Nếu như nửa cuối năm ngoái, điện thoại Full HD được xem là một thứ gì đó cao siêu thì hiện tại, nó gần như là chuẩn mực cho một sản phẩm được xem là cao cấp. Galaxy S4, HTC One, Xperia Z hay hàng loạt các mẫu điện thoại đình đám đều được tích hợp màn hình Full HD. Thậm chí, người ta đã kịp sản xuất những mẫu điện thoại Full HD với giá chỉ 200 USD.

Với một sản phẩm kích cỡ khoảng 5 inch, mật độ điểm ảnh lên tới hơn 400 ppi, độ nét của nó đã vượt quá tầm quan sát thông thường của mắt người. Tuy nhiên, nét quá cũng chẳng chết ai còn nếu giữ nguyên độ phân giải cũ (HD) thì bị xem là không có cải tiến.

Rõ ràng, xu hướng thị trường ép các nhà sản xuất phải tiến thêm một bước để tích hợp loại màn hình siêu nét trên smartphone. Câu hỏi được đặt ra là, sau chuẩn Full HD, màn hình điện thoại sẽ tiến đến chuẩn nào tiếp theo? Phải chăng đó là chuẩn 4K?

Phablet ngoại cỡ

Sự thành công của các dòng phablet là điều nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia bởi họ tin tưởng vào tài dự đoán thần thánh của Apple. Hãng này từng giữ khư khư quan điểm cho rằng, một thiết bị lớn hơn 4 inch sẽ gây ra nhiều phiền toái cho người dùng hơn là sự thoải mái. Tuy nhiên, những tin đồn gần đây cho thấy, Apple có vẻ như cũng đang rất có hứng thú với phân khúcphablet bởi đơn giản, nó có rất nhiều tiềm năng.

Ảnh
Xperia Z Ultra và Samsung Galaxy Mega 6.3 - 2 trong số những mẫu phablet lớn nhất hiện nay. Ảnh Phan Tuấn.

Galaxy Note II được xem là sản phẩm có màn hình lớn nhất năm 2012 và kích thước của nó là 5,5 inch. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm lớn nhất là chiếcXperia Z Ultra của Sony đã có kích thước lên đến 6,44 inch. Chẳng ai tin, người dùng có thể sử dụng sản phẩm này như một chiếc smartphone nhưng điều đó không có nghĩa là người ta sẽ chối bỏ nó. Thậm chí, nó cùng với những sản phẩm như Galaxy Mega 6.3, Huawei Ascend Mate (6,1 inch) sẽ thu hút được sự quan tâm lớn từ phía người dùng.

Cũng giống như điện thoại Full HD, người ta đang chờ đợi xem, sau khi kích thước màn hình đã được đẩy lên cao ngoài mức tưởng tượng, các hãng sẽ cải tiến chiếc điện thoại của họ bằng cách nào?

Các phiên bản ăn theo

Ảnh
Galaxy S4 mini - phiên bản ăn theo chiếc S4 của Samsung.

Samsung tất nhiên là người đi đầu trong trào lưu này với hàng loạt các phiên bản ăn theo chiếc S4 như S4 mini, S4 Zoom hay S4 Active. Tuy nhiên, không chỉ có mình Samsung biết thực hiện điều đó, Sony cũng đang khai thác triệt để thương hiệu Xperia Z (vốn được đầu tư khá nhiều về mặt truyền thông trong năm nay) bằng các phiên bản như ZL, ZR hay chiếc Z Ultra vừa mới ra mắt. Tương tự như vậy là HTC với chiếc One mini và One Max được đồn đại là ra mắt trong quý 3 năm nay.

Có thể nói, đây là chiếc lược thông minh của các hãng bởi họ vừa tiết kiệm được một khoản ngân sách marketing kha khá, lại có thể làm mạnh thương hiệu của mình.

Điện thoại chống nước

Ảnh
Ngoài Xperia Z thì Sony cũng tung ra hàng loạt các model chống nước khác như ZR hay Z Ultra.

Nếu như những mẫu điện thoại chống nước của Sony năm 2012 như Xperia S, Acro S, Xperia Go hay V không gây được ấn tượng mạnh thì bước sang năm nay, chiếc Xperia Z đã làm rất tốt trong việc thu hút sự chú ý. Sau Xperia Z, Samsung cũng tham gia vào thị trường này với chiếc S4 Active. Do đó, không loại trừ khả năng, điện thoại có khả năng chống nước sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới cho các dòng smartphone hiện đại.

Theo Zing



Bình luận

  • TTCN (0)