Đại sứ game giờ đây không còn là những người nổi tiếng mà phải tai tiếng, càng tai tiếng thì càng dễ được lựa chọn.
Cách đây vài năm, khi nhắc tới đại sứ game, người ta thường nghĩ tới đặc điểm thuộc về tính cách mà người đó truyền tải cho game. Còn ngày nay, nhắc tới từ đại sứ, người ta nghĩ ngay tới "ngực bự", "hở hang", "scandal"… Đại sứ game dường như đang ngày càng bị "nhọ hóa", sự xuất hiện của họ trong vai trò đại diện thương hiệu như bong bóng nổi trên mặt nước và vỡ tan chỉ sau vài giây mở đầu.
Đại sứ game - Trước đây họ là ai?
Đại sứ game được hiểu nôm na như một người đại diện cho thương hiệu, hỗ trợ NPH game quảng bá game song song. Họ sẽ đồng hành và sát cánh cùng NPH trong các hoạt động quảng bá game. Họ xuất hiện trong các buổi offline để chia sẻ sự trải nghiệm và kêu gọi cộng đồng ủng hộ cho sản phẩm. Các NPH game trước đây khi chọn đại sứ game, họ thường nghĩ tới điều gì đó tương đồng giữa sản phẩm của họ và vị đại sứ đó.
Có thể nói VNG là NPH thành công nhất khi mời được hoa hậu Mai Phương Thúy làm đại sứ thương hiệu Thuận Thiên Kiếm. Mai Phương Thúy khi đó là đại diện cho mẫu hình người phụ nữ Việt Nam đẹp, thuần khiết, điều này rất phù hợp cho một game thuần Việt như Thuận Thiên Kiếm. Hình ảnh của cô xuất hiện luôn đẹp và trong sáng. Không chỉ xuất hiện trong các mẫu shot hình quảng bá, cô còn gắn liền với các hoạt động trong game khi hóa thân thành nàng tiên nhân ái, quyên góp từ thiện cho game…
Ngoài ra, sản phẩm Linh Vương mời Hoàng Thùy Linh làm đại sứ cũng mang lại kết quả tốt cho sản phẩm. Tên gọi Hoàng Thùy Linh cũng khiến cho người ta dễ liên tưởng tới tên game là Linh Vương (Vương quốc của Linh). Hoàng Thùy Linh đã liên tục xuất hiện không chỉ trong các chiến dịch hình ảnh mà còn trong các buổi offline giao lưu cùng cộng đồng game thủ. Cô mang lại dấu ấn khá rõ nét và gần gũi với người chơi.
Sự "nhọ hóa" hình ảnh đại sứ game theo thời gian
Theo thời gian, các game ra mắt ngày càng nhiều. Sự tăng trưởng về số lượng những tưởng sẽ đi đôi với chất lượng, nhưng thời gian đã chứng minh điều này hoàn toàn ngược lại. Trong cả rừng game ra mắt và mọc như nấm, các NPH tranh thủ giật khách hàng lúc nào hay lúc đó. Họ làm game với quan điểm "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt". Mọi chiêu trò đều đổ dồn hết trước khi ra game. Các hot girl mới nổi như Linh Miu, Mai Thỏ, Hà Lade… được khai thác triệt để. Những bộ ảnh tung ra khoe mọi tư thế trên giường nóng bỏng. Họ xuất hiện không có một thông điệp gì hơn ngoài "show hàng".
Thời gian gần đây, thảm họa "Quân Kun" hay "bà Tưng" và gần đây nhất là chàng ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh cũng được các NPH mời về cộng tác. Theo nhận định chung của nhiều người, những hình ảnh đại diện này không hề liên quan gì hết tới sản phẩm. Họ cũng ít hoạt động gắn liền với sản phẩm trừ một vài ba tấm hình chụp để quảng bá cho game. Mà chụp cũng không ăn nhập gì với sản phẩm ngoài việc vẫn tái diễn "show hàng".
Lời kết cho số phận cụm từ "Đại sứ game"
Việc đi tìm đại sứ game đang ngày càng dễ dãi và khiến cho công việc này trở nên "tai tiếng" hơn là có tiếng. Có lẽ, đã tới lúc, thị trường game Việt nên dẹp đi khái niệm đại sứ game. Không nên để cụm từ này bị bóp méo và bôi nhọ như hiện nay. Hãy cứ gọi là nhân vật A chào mừng game B. Nhân vật C sexy trên giường chơi game D. Thế là đẹp!
Theo Game Thủ
Bình luận