Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm cần cân nhắc bỏ giấy phép thẩm định nội dung game. Ảnh: Lê Mỹ.

Nhiều ý kiến đang đề nghị Bộ TT&TT bỏ giấy phép thẩm định nội dung game. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cũng cho rằng, thẩm định nội dung có thể là một rào cản và nên cân nhắc lại việc tiếp tục áp dụng cơ chế này.

Một số ý kiến đưa ra tại Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lí trò chơi trực tuyến do Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 3/7/2013 cho rằng, nhà nước cần xem xét hạn chế giấy phép "con" hoặc là bỏ cấp phép thẩm định nội dung từng game online như hiện nay. Thay vào đó là quy định những tiêu chí về nội dung game thật rõ ràng, những hành vi nào bị cấm cần nêu cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện.

Sở dĩ các doanh nghiệp đưa ra ý kiến này vì trên thế giới chỉ còn duy nhất Việt Nam có chính sách cấp phép thẩm định nội dung từng game, gây nhiều rào cản cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến. Theo ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG, nghịch lí là Việt Nam đang quản lí ngành game "chặt" nhất nhưng lại không hiệu quả. Chính sách quản lí game của ta thực sự chỉ có tác dụng "trói tay, trói chân" doanh nghiệp trong nước mà không thể đạt được mục tiêu quản lí.

Ông Minh chia sẻ, duy nhất chỉ có ở Việt Nam có quy định thẩm định nội dung và cấp phép từng game. Các quốc gia khác quản lí theo cách nhà nước đưa ra những tiêu chuẩn để doanh nghiệp tự nguyện thực hiện và chủ yếu mang tính cảnh báo. Một số nước ban hành quy định cấm hẳn game có nội dung nhạy cảm như tôn giáo, bạo lực, kích động chính trị. Nước quản lí game khá nghiêm ngặt (chỉ sau Việt Nam) là Trung Quốc nhưng việc quản lí này nhằm bảo hộ doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy thị trường game nội địa phát triển thành công rực rỡ. Đáng chú ý là Trung Quốc cũng không cấp phép nội dung game. Hàn Quốc và Trung Quốc có chính sách quản lí trẻ em chơi game thông qua hệ thống CMND điện tử. Hay như Indonesia là quốc gia đạo Hồi, có tiêu chuẩn đạo đức khắt khe hơn Việt Nam khá nhiều nhưng cũng không cấp phép nội dung mà để thị trường game tự vận động.

Ông Minh đề xuất, Việt Nam nên học cách quản lí game theo các mô hình của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Singgapore. Cụ thể, nên quản lí nội dung theo chuẩn tự nguyện (ERSB), chủ yếu mang tính chất cảnh báo mà một số nước như Mỹ, Canada và châu Âu đang áp dụng. Những tiêu chuẩn bị cấm cần được đưa ra rõ ràng ngay từ đầu, nếu để như hiện nay doanh nghiệp bỏ tiền mua game về mới biết là bị cấm sẽ gây ra thiệt hại lớn.

"Nên bỏ giấy phép con, bởi nhà nước sẽ không thể thẩm định và cấp phép kịp thời khi thị trường game đang phát triển cực nhanh. Ước tính 1 năm có khoảng 1.000 game mới ra đời. Với quy trình thẩm định như hiện nay, 1 năm chỉ có thể thẩm định cấp phép tối đa 100 game, 900 game còn lại sẽ là không phép", ông Minh nói.

ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng, ngành công nghiệp game đang bế tắc về phương hướng và nếu không hành động ngay sẽ có nhiều hạn chế lớn. Cơ chế xin - cho là một đặc thù quản lí của Việt Nam nhưng đôi khi lại gây cản trở cho những hoạt động đang có đà phát triển mạnh mẽ. Khâu thẩm định cấp phép có thể là một rào cản cho sự phát triển, vì thế nhà nước cần xem xét lại cơ chế này.

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng thư kí Hội Truyền thông số Việt Nam cũng đồng ý với những ý kiến này và đề nghị bỏ cấp phép thẩm định nội dung game. Thay vào đó là đưa ra các quy định cụ thể: doanh nghiệp game online được làm gì, bị cấm làm gì. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao và nếu gây hậu quả phải bồi thường thế nào. Ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc điều hành FPT Online cũng đề nghị nhà nước hạn chế hoặc loại bỏ giấy phép con trong ngành game.

Việt Nam đang đứng số 1 trong ASEAN về doanh thu và quy mô phát triển dịch vụ game. Năm 2012, doanh thu của các doanh nghiệp trong nước đạt khoảng 5.000 tỉ đồng đối với game online và 1.000 tỉ đồng cho game mobile. Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp phát hành game và 20 công ty phát triển game, với 7.500 lao động. Ngành game Việt Nam còn gián tiếp tạo ra 20.000 tỉ đồng từ việc phân phối các thiết bị máy tính, điện thoại, máy chủ, smartphone, smartTV...

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (1)
Thích Linux  175

Tất cả chỉ là bản nháp, viết nháp, nói nháp nhưng vẫn chưa thấy hành động mạnh mẽ, quyết liệt.