Một vấn đề bức xúc trong mối quan hệ giữa các Telco và CSP suốt thời gian qua chính là tỉ lệ ăn chia trên doanh thu từ dịch vụ nhắn tin di động.

Trong đó, CSP "tố" bị nhà mạng bắt chẹt khi ngoài phí sử dụng đầu số hàng tháng, họ còn phải phân chia cả doanh thu nội dung, lên tới 55-75% cho nhà mạng. Vậy nhưng nhà mạng vẫn có thể ngừng kết nối bất cứ lúc nào hoặc có sự "ưu tiên" chất lượng kết nối cho một số CSP thân thiết.

Tỉ lệ phân chia doanh thu này, theo ông Nguyễn Thành Trung, trưởng phòng Cấp phép và Thị trường, Cục VT hiện chưa thực sự hợp lí, chưa khuyến khích được các CSP đầu tư nhiều cho những dịch vụ nội dung có chất lượng cao, thể hiện ở việc chưa dựa trên mức độ đóng góp của mỗi bên. Tình hình càng trở nên xấu đi khi một số nhà mạng còn mở các dịch vụ nội dung riêng, cạnh tranh trực tiếp với các CSP.

Chia sẻ nỗi "bức xúc" này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT VMG khẳng định, nếu nhà mạng chủ định cung cấp dịch vụ nội dung độc quyền thì thị trường sẽ không thể nào phát triển được, vì các CSP không có cửa nào để bước chân vào mạng của Telco và cạnh tranh với "gà nhà" cả. "Nhà mạng cho thì làm, không cho thì chịu". Giải pháp mà ông Hà kiến nghị là VN nên tham khảo mô hình cổng kết nối chung của Nhật Bản, khi các CSP chỉ phải phát triển và cung cấp nội dung qua cổng chung này, thay vì phải phân chia dịch vụ theo từng nội dung cụ thể.

Tuy nhiên, các Telco lại có cách nhìn khác và tố CSP đang vẽ nên bức tranh "một chiều" về thị trường.

Câu chuyện có đúng như thế không? Số lượng CSP trong những năm gần đây có tăng lên không? Doanh thu, lợi nhuận của họ có tăng không?, đại diện Viettel chất vấn. Hiện tại, trừ dịch vụ cung cấp nhạc số di động đã có trung tâm bản quyền, còn lại 99% các CSP đang cung cấp những dịch vụ tin nhắn như kết quả bóng đá, xổ số - hoàn toàn không phải trả bản quyền. Do đó, giá thành sản xuất dịch vụ của CSP cụ thể là thấp hay cao thì không ai biết. "Nhiều CSP vẫn được chia doanh thu tới 70-80% khi kí hợp đồng với Viettel đấy thôi", Viettel phản biện.

Đề xuất của Tập đoàn này là Bộ TT&TT không nên quản lí cước kết nối, hoặc nếu có quy định giá cước thì nên phân chia theo dịch vụ cụ thể chứ không nên theo đầu số như hiện nay.

Đồng tình ra mặt với Viettel là MobiFone khi đại diện VMS cho rằng, chuyện nhà mạng kiêm luôn cả cung cấp dịch vụ nội dung là thường tình, hợp xu hướng thế giới (!?).

"Các nhà mạng trên toàn thế giới đang tránh trở thành một carrier thuần túy, tức một nhà vận tải, mang vác đủ mọi dịch vụ trên vai mình, bằng cách là lấn sang cung cấp các dịch vụ nội dung, tự đầu tư những dịch vụ mà các CSP không thể đầu tư được. Do đó, Bộ chỉ nên đưa ra những nguyên tắc bảo đảm sự công bằng còn tỉ lệ ăn chia thế nào, hợp đồng mẫu ra sao thì nên để cho thị trường tự điều tiết", đại diện VMS tuyên bố tại Hội thảo về Kết nối giữa các DN viễn thông và DN cung cấp nội dung sáng 10/7.

Trước những ý kiến trái chiều này, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục Phó Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, quan điểm của Cục là DN di động sẽ phải tách riêng hoạt động cung cấp nội dung ra hạch toán độc lập và đối xử bình đẳng với các CSP. Riêng vấn đề quy định giá cước dịch vụ nội dung, bản thân trong Cục cũng chưa có được sự thống nhất.

Hiện có 2 phương án được đưa ra, một là tất cả các chi phí mà Telco phải gánh khi cung cấp dịch vụ cho CSP (từ hạ tầng, nhân sự, kĩ thuật, bảo dưỡng v...v..) đều được gộp chung hết vào "cước kết nối" và CSP sẽ chỉ phải trả duy nhất khoản cước này, hai là bên cạnh "cước kết nối" cứng nói trên, họ vẫn phải thỏa thuận phân chia doanh thu với Telco nhưng tỉ lệ tối đa mà nhà mạng được hưởng không quá 50%.

Trước đó, trong cuộc làm việc với Cục Viễn thông vào trung tuần tháng 6, Thứ trưởng Lê Nam Thắng từng nêu quan điểm rằng Bộ sẽ quy định cước kết nối giữa CSP và Telco dựa trên báo cáo giá thành của Telco. Cũng có nghĩa nhà mạng sẽ phải công khai chi phí hạ tầng, cung cấp dịch vụ "cứng" với cơ quan quản lí, để từ đó Bộ xây dựng nên một khung cước kết nối hạ tầng cố định. Tất cả các dịch vụ tin nhắn của CSP đều sẽ phải trả khoản cước cố định này.

Sau khi thanh toán xong khoản cước hạ tầng, các CSP sẽ có cơ sở để định giá gói cước nội dung thông tin cung cấp đến cho người dùng cuối, thoát khỏi tình trạng "mù mờ" như hiện nay. Phần giá trị gia tăng mà các Telco vẫn đang ăn chia với các CSP hiện nay, sau khi trừ đi giá thành, sẽ do hai bên tự thỏa thuận tiếp, nhưng Bộ sẽ quy định tối đa không được quá một tỉ lệ nhất định.

Nói cách khác, Bộ sẽ kiểm soát phần cứng còn phần "mềm" nội dung thì rõ ràng, CSP phải được hưởng nhiều hơn so với hiện nay. Các Telco sẽ không thể lập lờ, đánh lẫn trong khi đòi ăn chia được một khi nội dung và hạ tầng đã được tách bạch, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo biểu giá ăn chia của Viettel hiện nay, với mỗi tin nhắn 500 đồng, CSP phải trích lại cho nhà mạng số tiền lên tới 350 đồng, tức là 70% doanh thu. Còn đối với các dịch vụ tin nhắn có giá cước 15.000 đồng, số tiền Viettel được hưởng là 8200 đồng, tức là hơn 50%. Tỉ lệ ăn chia giữa hai nhà mạng lớn còn lại là VinaPhone và MobiFone với CSP cũng tương tự như Viettel, dao động trong ngưỡng 50-70%. Không có gì lạ khi các CSP tỏ ra bức xúc về tỉ lệ này và chỉ trích rằng nó quá cao.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)