Thiết bị điện tử vốn "kị" nước, nếu không chúng sẽ phải được trang bị các vỏ bọc hầm hố. Tuy nhiên một số smartphone được giới thiệu gần đây có thể chịu nước nhưng vẫn giữ được dáng vẻ mảnh mai.

Điện thoại chống nước là ý tưởng được đánh giá cao, nhưng ít được ưa chuộng vì kiểu dáng quá xấu. Casio từng sản xuất dòng máy siêu bền Gz’One vài năm trước, nhưng gây thất vọng vì tốc độ chậm chạp, màn hình tệ, phần mềm lạc hậu...

Nhưng hè này, những smartphone mới của Motorola, Sony, Samsung, Kyocera... đã khiến ấn tượng về dòng điện thoại chống nước thay đổi. Xperia Z trông không khác gì một điện thoại bình thường với thiết kế mỏng và đẹp. Galaxy S4 Active vẫn giữ được phong cách của Galaxy S4 trừ bộ vỏ dày dặn hơn, viền máy bọc cao su, nắp pin có các gioăng cao su để ngăn ngừa nước lọt vào bên trong máy.

Chúng có màn hình Full HD, chip tốc độ cao, camera tốt và nhất là giá bán không có gì khác biệt. Một vài thay đổi nhỏ có thể nhận thấy là các cổng cắm tai nghe, microUSB... phải có nắp đóng. Việc phải cậy nắp mỗi lần sạc hay nghe nhạc có thể khiến người dùng thấy phiền toái, nhưng không đến mức là một rào cản.

Vậy liệu những smartphone trên có báo trước về một thế giới nơi mọi điện thoại, máy tính bảng sẽ đều có khả năng chịu nước? Một rào cản lớn hiện nay là người sử dụng chưa thực sự tin tưởng vào khả năng chống nước của những thiết bị trông có vẻ mảnh dẻ, yếu đuối này. Trên các diễn đàn công nghệ, mọi người vẫn khuyến cáo nhau là khả năng chống nước là để giảm rủi ro khi sự cố xảy ra như dính mưa, rơi xuống bể bơi... chứ không phải là để vô tư "dìm" thiết bị trong nước.

Thực tế, Xperia Z hay S4 Active cũng không được thiết kế để "sống sót" ở mực nước sâu hay nhiệt độ đóng băng như các sản phẩm "nồi đồng cối đá". Chúng đơn giản chỉ có khả năng chịu đựng cao hơn mức thông thường là 30 phút ở độ sâu 1,5 mét.

Tuy nhiên, đa số người dùng không phải các kĩ sư xây dựng, các nhà nghiên cứu... để thường xuyên phải đem điện thoại tới những nơi có điều kiện khắc nghiệt. Họ chỉ đơn giản cần một thiết bị có thể bảo toàn khi gặp cơn mưa bất chợt, hay giúp thoải mái chụp ảnh ở bể bơi, bãi biển... Một khảo sát gần đây cho thấy, nơi nguy hiểm nhất với điện thoại chính là bồn cầu do thói quen luôn mang máy bên mình của người sử dụng.

"Nếu bạn đang vừa tắm vừa thưởng thức một bộ phim hay... và chiếc tablet này bất ngờ rơi vào bồn tắm? Nó sẽ không sao cả", Sharath Muddaiah, giám đốc sản phẩm của Sony, khẳng định khi giới thiệu máy tính bảng Xperia Tablet Z. "Chúng tôi thấy hiện nay rất nhiều người sử dụng thiết bị trong mưa, như chụp ảnh, truy cập Google Maps tìm đường, hay khi vừa bước vào một quán rượu và bị ai đó vô tình đổ nước uống lên".

Maggie Reardon, biên tập viên của CNet, cho hay như thế cũng là đủ với nhu cầu của mọi người hiện nay. "Các hãng như Kyocera hay Sony đang nhìn thấy cơ hội lớn để chinh phục người dùng. Bạn cũng thể thấy được cơ hội đó khi nhìn vào sự phát triển thịnh vượng của thị trường sản xuất vỏ và phụ kiện giúp điện thoại chống xước, chống nước".

Một hãng có tên Liquipel cũng đang giới thiệu công nghệ lớp phủ chống thấm, giúp thiết bị từ iPhone 5 cho tới Galaxy S4 có thể chịu được những cơn mưa nặng hạt. Tuy nhiên, giá của nó lên tới 60 USD và người dùng phải gửi máy đến cho Liquipel để họ phủ lớp rồi mới gửi trả lại. Quá trình này sẽ mất vài ngày.

"Tôi không chắc bao giờ Apple đưa tính năng này vào sản phẩm, nhưng sẽ không ngạc nhiên khi chỉ một vài năm nữa, chống thấm nước sẽ trở thành tính năng chuẩn trong thiết bị, như camera, Wi-Fi... hiện nay", Reardon nhận định.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)