Sự yếu kém về cả thiết kế lẫn tính năng khiến những cái tên như Huawei MediaPad7 Lite, Acer Iconia A110… trở thành mẫu tablet tồi của năm.
Thị trường MTB trong năm qua đã vinh danh nhiều đại diện xuất sắc như Google Nexus 7, Amazon Kindle Fire HD 7 inch hay iPad 4. Tuy nhiên, vẫn có những sản phẩm tablet mang lại thất vọng tràn trề cho người sử dụng và chính các nhà sản xuất.
Đây là những sản phẩm thể hiện sự “yếu kém” về thiết kế, tính năng và giá cả mà người dùng chắc chắn sẽ không muốn sử dụng chúng. Dưới đây là những tablet tệ nhất của năm 2012.
Huawei MediaPad 7 Lite
MediaPad 7 Lite được trang bị một màn hình IPS độ phân giải 1024×600 pixel, máy sở hữu cả camera phía trước và phía sau, bộ vi xử lí Cortex A8 tốc độ 1,2 GHz, RAM 1 GB, dung lượng bộ nhớ 8 GB và chạy hệ điều hành Android 4.0. Ngoài ra, máy còn hỗ trợ kết nối di động 3G để truy cập web và thực hiện cuộc gọi điện thoại.
Tuy nhiên, sử dụng kết nối 3G trên Huawei MediaPad 7 Lite khiến người dùng cảm thấy vô cùng bực tức vì tốc độ ì ạch và thường xuyên mất sóng. Nếu lựa chọn một MTB 3G cùng tầm giá thì người dùng hoàn toàn không nên nghĩ tới MediaPad 7 Lite.
Acer Iconia A110
Iconia Tab A110 sở hữu màn hình cảm ứng 7 inch, độ phân giải 1024 x 600 pixel và sử dụng chip lõi tứ Nvidia Tegra 3, xung nhịp 1,2 GHz, cùng với RAM 1 GB. A110 có khả năng lưu trữ chỉ 8 GB dữ liệu trên bộ nhớ trong, tuy nhiên máy hỗ trợ thẻ nhớ ngoài microSD dung lượng lên đến 32 GB.
Acer Iconia A110 có giá khoảng 229 USD và được cho là đối thủ cạnh tranh xứng tầm của Nexus 7. Tuy nhiên, nếu so sánh với chiếc tablet 7 inch của Google thì sản phẩm đến từ Acer kém xa từ thiết kế đến thời lượng pin. Bên cạnh đó, màn hình độ phân giải thấp cũng là điểm trừ lớn của Iconia A110.
Toshiba Excite 13
Hầu hết các tablet cao cấp hiện nay đều được trang bị màn hình hiển thị có kích thước 10 inch, và dung lượng lưu trữ của bộ nhớ không hề có một bước tiến vượt bậc nào cả. Toshiba dường như đã phá vỡ quy tắc bất thành văn này, khi mà hãng cho ra mắt một chiếc tablet có kích thước màn hình phổ biến của một chiếc laptop 13 inch, đó là Toshiba Excite 13. Cùng với 2 chiến hữu Excite lõi tứ khác là Excite 7.7 và Excite 10, Toshiba hi vọng dàn tablet lõi tứ của mình sẽ có thể “làm mưa làm gió” trên thị trường tablet trong tất cả các phân khúc màn hình.
Tuy nhiên, Excite 13 sở hữu màn hình lên tới 13,3 inch gây ra cảm giác cồng kềnh và bất tiện cho người sử dụng. Bên cạnh đó, mức giá của Excite 13 lên tới 650 USD cho phiên bản 32 GB dung lượng lưu trữ khiến nhiều người tỏ ra “ngán ngẩm”. Các nguyên nhân này đã làm cho doanh số của Excite 13 tương đối kém và Toshiba buộc phải ngừng hỗ trợ sản phẩm chỉ sau 2 tháng chính thức bán ra.
Samsung Galaxy Tab 2 10.1
Lí do mà Samsung Galaxy Tab 2 10.1 được đưa vào danh sách “tệ nhất của năm” chính là: Tablet này gây thất vọng lớn cho người sử dụng. Mọi người đã quá mong chờ bước tiến mới nổi bật xứng đáng với sự thành công của phiên bản gốc Galaxy Tab 10.1 nhưng rồi tất cả đều ngã ngửa khi người kế nhiệm này ra mắt.
Những người đang sở hữu Galaxy Tab 10.1 hoàn toàn không có lí do gì để nâng cấp lên bản 2. Với cái giá lên tới 450 USD mà Galaxy Tab 2 10.1 không có mấy thay đổi đáng chú ý. Samsung đang tỏ ra quá thiếu ý tưởng cũng như thiếu thận trọng khi đưa một sản phẩm Android tệ như vậy xuất hiện trên thị trường.
Ematic eGlide XL Pro II
Ematic eGlide XL Pro 2 được trang bị màn hình 10 inch, bộ vi xử lí đơn nhân xung nhịp 1 GHz, RAM 1 GB và bộ nhớ trong 4 GB với khả năng mở rộng tối đa 32 GB qua thẻ microSD. Máy được cài sẵn hệ điều hành Android 4.0 với mức giá chỉ 174 USD.
Điểm trừ trên eGlide XL Pro 2 đó là màn hình độ phân giải thấp và không thể truy cập vào Google Play, người dùng vẫn có thể tải về các ứng dụng thông qua Ematic App Shop nhưng với số lượng cực kì ít ỏi. Hầu như không có nhiều thứ để “vọc vạch” hay khám phá trên chiếc tablet này.
Sony Tablet P
Tablet P có chiều dài 7 inch với 2 màn hình “sinh đôi” cỡ nhỏ. Khi mở ra, người dùng có một MTB kích cỡ 7 inch như thường thấy. Nội dung có thể hiển thị ở một trong 2 màn hình hoặc hiển thị trên cả 2 màn hình. Thiết bị này có thể kết nối qua Wi-Fi hay mạng di động thông thường.
Nghe có vẻ hay, nhưng theo Wall Street Journal, Tablet P bộc lộ một số nhược điểm. Đáng chú ý nhất đó là để sử dụng cả 2 màn hình như một thể thống nhất, người dùng sẽ phải chấp nhận thực tế là sẽ có một thanh nhựa màu đen vắt ngang giữa màn hình, giữa bất cứ phần nội dung nào bạn đang xem.
Cũng có một vài ứng dụng có thể tránh được thực tế khó chịu này bằng cách chuyển tất cả nội dung sang một phía màn hình. Nhưng với kích cỡ quá nhỏ của Tablet P, khu vực hiển thị chẳng lớn hơn một chiếc smartphone là mấy. Bạn cũng không thể chạy 2 ứng dụng khác nhau trên mỗi màn hình, chỉ là chạy các phần khác nhau của cùng 1 ứng dụng mà thôi.
Ngoài ra, thời gian dùng pin của thiết bị không được đánh giá cao, mặc dù pin của Tablet P có thể tháo rời và thay thế. Khi xem phim với độ sáng màn hình 75%, ở chế độ bật sóng di động và Wi-Fi, Tablet P chạy được trong thời gian 5 tiếng 16 phút, chỉ bằng nửa thời gian hoạt động của iPad.
Arnova Childpad
Arnova Childpad ra mắt vào cuối tháng 5 với giá bán 130 USD. Tại Việt Nam, máy được đề mức 2,99 triệu, nằm cùng nhóm với nhiều chiếc tablet xuất xứ từ Trung Quốc khác. Thiết bị này có màn hình 7 inch, độ phân giải 800×480 pixel.
Trong thiết bị, nhà sản xuất đã cài đặt các ứng dụng hướng tới trẻ em như trò chơi, giải trí, học tập. Ngoài ra, Arnova Childpad cũng có phần mềm để cha mẹ biết những website truy cập và quản lí việc cài đặt thêm phần mềm. Máy được trang bị bộ xử lí ARM Cortex A8 tốc độ 1 GHz, bộ nhớ RAM 1 GB. Model này cho phép duyệt web qua Wi-Fi. Archos cũng hỗ trợ sẵn nhiều nội dung phim cho trẻ em trong bộ nhớ 4 GB của máy.
Tuy nhiên, với hiệu năng rất kém, tuổi thọ pin ngắn và màn hình chất lượng thấp, Arnova Childpad thậm chí thua kém nhiều dòng tablet Trung Quốc có mức giá rẻ hơn. Ngoài ra, kho ứng dụng hạn chế và loa ngoài tệ hại khiến chiếc tablet này sớm bị rơi vào “quên lãng”.
Theo Người Đưa Tin
Bình luận