Chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng, James Clegg đã bỏ túi gần 130.000 USD từ việc xây dựng một loạt tài khoản ảo với nhiệm vụ đi theo đuôi (follow) những người nổi tiếng.
Vì sao người ta lại bỏ tiền để mua những tài khoản ảo - những "người bạn" không hề tồn tại? Những người như Clegg (không phải tên thật) nhìn thấy rõ ràng các tiềm năng: người nổi tiếng, nhất là các ngôi sao ca nhạc, cũng như các doanh nghiệp luôn mong muốn có lượng người theo đuôi hoặc lượt like lớn trên Twitter, Facebook. Càng tạo được vẻ ăn khách, họ càng dễ dàng lôi kéo được thêm lượt Follow mới. Vì thế, thị trường mua bán lượt like/follow ra đời.
Clegg chỉ là một mắt xích của thế giới ngầm nơi ngành kinh doanh tài khoản ảo trên Facebook, Instagram, YouTube... nở rộ. Tuy nhiên, anh này cho hay, chỉ Twitter mới mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Anh thuê lập trình viên Ấn Độ sản xuất ra các bot (công cụ tự động) có thể lập hàng loạt tài khoản Twitter với mục đích tăng lượng follow cho người nổi tiếng.
Để bán các tài khoản này, Clegg lập tới 13 website. Anh phải làm vậy do Google ghét chuyện buôn bán số like/follow ảo, nên mỗi site của Clegg lại sử dụng những thuật toán tối ưu công cụ tìm kiếm khác nhau để chúng có thể hiển thị trên đầu kết quả tìm kiếm.
Để tiếp cận, người mua chỉ cần gõ các từ khóa, chẳng hạn "Twitter followers", trên Google và họ sẽ được dẫn đến những trang chuyên kinh doanh "mặt hàng" này, sau đó chọn số lượng Like/Follow mà họ cần rồi thực hiện quá trình thanh toán. Trung bình 1.000 lượt theo đuôi trên Twitter (tương đương 1.000 tài khoản ảo) có giá 11 USD. Mỗi ngày Clegg nhận được trung bình 80-100 đơn hàng và giá trị phổ biến nhất là 30 USD, nhưng cũng có đơn hàng giá rất cao.
Cứ mỗi 6.000 USD doanh thu đạt được, Clegg hưởng 2.000 USD sau khi đã trừ chi phí thuê viết bot, phí thuê phát triển SEO cho website, dịch vụ chăm sóc khách hàng... Clegg hiện sống ở Cheshire (Anh), 29 tuổi và mới tham gia thị trường này chưa lâu nhưng anh cho biết đã đạt được 85.000 bảng Anh, tương đương 128.500 USD, trong 10 tháng gần đây.
Mọi chuyện nghe có vẻ đơn giản nhưng Clegg khẳng định không có gì là dễ dàng. Việc cùng lúc duy trì hơn chục website, phải đảm bảo cho chúng luôn hiển thị trên kết quả tìm kiếm khá mệt mỏi. Nhóm lập trình ở Ấn Độ sản xuất và "tô vẽ" cho tài khoản ảo. Những tài khoản này cũng có ảnh, hồ sơ, cũng chứa các thông điệp để trông như một "người dùng" thật. Chẳng hạn, tài khoản là fan của Justin Bieber sẽ đăng ảnh liên quan đến ca sĩ này, hoặc chia sẻ thông điệp từ tài khoản chính của Justin Bieber...
Clegg cũng luôn phải hỗ trợ khách hàng khi được yêu cầu. Google, Facebook và Twitter thường xuyên có những đợt "thanh trừng" lớn. Như tháng 9/2012, hàng chục nghìn lượt like trên nhiều Fan Page của Facebook bất nhờ biến mất khỏi hệ thống, trong đó trang Texas HoldEm Poker của hãng Zynga mất tới 96.000 fan.
"50 tài khoản được sinh ra từ cùng một IP trong vòng 24 giờ sẽ lập tức nằm trong tầm ngắm và bị xóa sổ chỉ trong 24 giờ tiếp theo. Vì thế chúng tôi phải luôn tìm ra cách mới để đi trước các cơ chế bảo mật của Twitter. Mua like bán fan cũng không phải là thứ bạn có thể khoe với bố mẹ người yêu. Nó là một công việc đáng xấu hổ", Clegg thừa nhận trên PC World.
Theo Số Hóa
Bình luận