5 phút sau khi chiếm đoạt được SIM số, kẻ gian bắt đầu thực hiện giao dịch online và tiêu tổng cộng 74,8 triệu đồng để mua thẻ cào điện thoại, game.
Vụ việc xảy ra hôm 15/7, năm ngày sau trường hợp đầu tiên gây chấn động cộng đồng sử dụng các dịch vụ giao dịch online. Nạn nhân thứ hai là một khách hàng của Mobifone ở Hà Nội. Hai vụ việc có một số điểm chung, nạn nhân cùng sử dụng dịch vụ ngân hàng online, sống ở Hà Nội và TP HCM nhưng cùng bị làm giả SIM tại Thanh Hóa và các giao dịch gian lận đều thực hiện trên cổng thanh toán online với series POS (điểm chấp nhận thẻ) khá giống nhau.
Trong thư khiếu kiện gửi tới VnExpress ngày 18/7, anh Vũ Minh Nhật (Hà Nội) cho biết thuê bao của anh đang hoạt động bình thường, bỗng dưng bị khóa. Khi anh tìm hiểu vụ việc thì được biết vào 13h43 ngày 15/7, ai đó đã dùng bản sao công chứng giả chứng minh thư nhân dân của anh tới đại lí Mobifone ở Thanh Hóa để đăng kí thay đổi thông tin thuê bao, cấp lại SIM mới. Phiếu đăng kí thay đổi dịch vụ mà anh có được từ Mobifone cho thấy nhiều điểm không khớp, ngay cả với chính chứng minh thư giả mạo.
Thông tin trên phiếu cũng không trùng khớp với chứng minh thư của anh Nhật, ngoại trừ tên và ngày sinh. Kẻ gian khai báo thông tin từ một chứng minh thư cấp ngày 19/8/2007 tại Thanh Hóa và quê quán là Hà Nội. "Giấy tờ của tôi cấp 24/4/2010, nơi cấp Hà Nội, quê Hưng Yên", chủ thuê bao cho biết.
5 phút sau khi được cấp SIM số, kẻ gian bắt đầu tiến hành các giao dịch online trên chính tài khoản của anh Nhật. Tài khoản này có liên kết với số điện thoại anh Nhật bị cướp, mật khẩu xác thực OTP được ngân hàng gửi về số điện thoại này cho mỗi lần giao dịch. Tổng cộng 4 giao dịch mua hàng trực tuyến đã được thực hiện trong vòng 70 phút, với tổng giá trị 74,8 triệu đồng.
"Trong khi tôi đang tìm cách liên hệ với Mobifone để tìm hiểu sự việc thì kẻ gian đã kịp thời chuyển số tiền từ tài khoản cá nhân tới 2 trang web bán thẻ cào trực tuyến để mua hết 74,8 triệu đồng thẻ cào nạp tiền di động, game", anh Nhật kể lại.
Anh Nhật khẳng định thông tin cá nhân của mình đều được giữ kín, anh cũng không làm mất điện thoại, SIM, ví, thẻ hay bất kì vật gì có liên quan. "Tôi không cho rằng đây là người quen biết. Mọi nghi ngờ của mình tôi cũng trình bày rõ khi làm việc với cơ quan điều tra". Anh cũng đã làm việc với phía ngân hàng nơi mình mở tài khoản và được hứa hẹn giải quyết.
Trao đổi với VnExpress, đại diện ngân hàng xác nhận có xảy ra trường hợp nêu trên. Ông cho biết đơn vị đã phối hợp với cơ quan công an để điều tra, thời điểm này chưa thể khẳng định có hay không chuyện lộ thông tin của khách hàng từ nội bộ ngân hàng hay bất kì nguồn nào khác. "Vụ việc có nhiều bên liên quan nên cần phải xem xét kĩ trách nhiệm của từng đơn vị", ông nói.
Nhân viên tại đại lí Thanh Hóa đã làm sai quy trình khi cấp lại SIM cho khách hàng không có chứng minh thư gốc, cũng không yêu cầu khai báo các số liên lạc.
"Chúng tôi đang thu thập thông tin liên quan và sẽ chuyển sang cơ quan công an để điều tra rõ nguyên nhân, tìm hướng xử lí thích hợp", vị đại diện nói.sẽ sớm có phản hồi về trường hợp của anh Minh Nhật.
Hôm 10/7, anh Đặng Thanh Hải, thuê bao Viettel tại TP HCM cũng gặp trường hợp tương tự. Anh bị khóa SIM và trong vòng một tiếng sau đó, kẻ gian đã tiêu 30 triệu đồng trong tài khoản của anh. Cả hai trường hợp, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Vụ việc khiến nhiều người nghi ngại về quy trình cấp lại SIM số của nhà mạng, cũng như sự thông thoáng trong giao dịch online nhất là khi các giao dịch đó thực hiện trên các trang bán hàng trực tuyến nằm ngoài ngân ngân hàng.
Các chuyên gia thanh toán online khuyến cáo ngay khi biết SIM số của mình bị tấn công, việc đầu tiên khách hàng cần làm là thông báo với ngân hàng nơi mở tài khoản đề nghị khóa giao dịch với số điện thoại đó. Cả hai trường hợp vừa xảy ra, anh Đặng Thanh Hải và anh Vũ Minh Nhật đều lo làm việc với nhà mạng trước để đòi SIM. Trong thời gian đó, kẻ gian đã nhanh tay hơn, thực hiện các giao dịch trộm tiền từ tài khoản.
Theo VnExpress
Bình luận