Sony ngày càng phụ thuộc vào smartphone để phục hồi ngành kinh doanh điện tử đang gặp khó, song như thế Sony càng phải chấp nhận trở ngại lớn trên “sân nhà”: nhu cầu liên tục thay đổi smartphone của các nhà mạng Nhật Bản.
Mẫu smartphone Xperia Z của Sony vừa được bán ra tại Nhật hồi tháng 2 và ước tính đã bán được khoảng 1 triệu máy. Nhưng nhà mạng lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo sẽ ngừng bán Xperia Z. Xperia Z thậm chí còn chưa được bán ra tại Mỹ, nhưng nó sẽ trở thành “quá khứ” tại Nhật. DoCoMo lại hướng đến mẫu điện thoại mới, Sony Xperia A.
“Đã đến lúc bán điện thoại mới”, Mai Kariya, một đại diện của DoCoMo ở Nhật nói.
Sony ngày càng phụ thuộc vào smartphone để phục hồi ngành kinh doanh điện tử đang gặp khó, song như thế Sony càng phải chấp nhận trở ngại lớn trên “sân nhà”: nhu cầu liên tục thay đổi smartphone của các nhà mạng Nhật Bản.
Mướt mồ hôi chạy theo nhà mạng
Từ nhiều năm nay, 3 nhà mạng lớn nhất Nhật Bản đã gây áp lực đến các nhà sản xuất điện thoại, buộc họ phải cập nhật sản phẩm mỗi 3 hoặc 4 tháng/lần. Những mẫu điện thoại có khả năng thu phát sóng truyền hình số từng một thời tràn ngập thị trường Nhật, sau đó đến các mẫu máy có khả năng quét vân tay, xu hướng đổi mới tiếp tục với các mẫu máy có màn hình xoay, ví điện tử….
Chu kì thay đổi sản phẩm mới nhanh đến chóng mặt này rất phổ biến tại Nhật. Các nhà sản xuất phải cho ra đời những sản phẩm “theo mùa” có sự sống ngắn ngủi. Điều này không chỉ có trên thị trường điện thoại, mà ở nhiều mảng khác. Chẳng hạn hãng Pepsi Japan mỗi năm lại ra mắt một loại thức uống khác nhau, như Salty Watermelon Pepsi hay Pepsi Ice Cucumber. Kẹo KitKat của Nestle cũng liên tục thay đổi mẫu mã, màu sắc, hương vị từ trà xanh, bí ngô, đến dâu tây, đậu….
“Đây là nỗi ám ảnh tồi tệ nhất của các công ty Nhật Bản”, Yuichi Kogure, giáo sư chính sách CNTT tại trường Đại học công Aomori và là tác giả nhiều cuốn sách viết về ngành công nghiệp ĐTDĐ Nhật Bản, nói. “Các nhà sản xuất ĐTDĐ đã gần như kiệt sức”.
Việc liên tục ra mắt các mẫu smartphone mới giúp các nhà mạng thu hút khách hàng của đối thủ. Nhưng nó lại khiến các nhà sản xuất phải hứng chịu các loại phí lớn dành cho nghiên cứu và phát triển. Vì thế, các nhà sản xuất nhận thấy họ không thể đạt được cán cân kinh tế, điều chỉnh giữa chi phí phát triển đắt đỏ và tỉ suất lợi nhuận mỏng manh. Do tập trung vào cuộc đua thiết kế sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu của từng nhà mạng, rất ít nhà sản xuất điện thoại có thể phát triển một chiến lược sản phẩm toàn cầu vững chắc.
Tốc độ chạy đua sản phẩm mới cũng khiến nhà sản xuất điện thoại Nhật gặp nhiều khó khăn khi sản xuất và tiếp thị sản phẩm cho cả thị trường Nhật Bản và thị trường toàn cầu.
Không phải mọi nhà sản xuất đều chấp nhận vòng xoáy này và không ngạc nhiên khi đó là những hãng không phải của Nhật Bản. Apple đã giới thiệu mẫu điện thoại iPhone mới gần được 1 năm. iPhone 5 ra mắt vào tháng Chín và công ty vẫn chưa có dự định ra mẫu iPhone mới cho đến mùa thu. Samsung cũng tập trung vào dòng Galaxy S4, có bán từ tháng Tư, 1 năm tròn từ ngày ra Galaxy S III.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế Nhật Bản khó cạnh tranh với những sản phẩm “bom tấn” như iPhone của Apple. Ra đời từ năm 2008, iPhone đã trở thành điện thoại bán chạy nhất tại Nhật. Theo hãng nghiên cứu IDC Japan, năm 2012, iPhone dẫn đầu với thị phần 15%, dẫn trước cả các hãng kì cựu Sharp và Fujitsu.
Nếu nhìn vào mảng smartphone, sự thống trị của Apple tại Nhật còn mạnh hơn. Trong 3 tháng đầu năm 2013, thị phần di động của Apple tại đây lên 49,2%, còn Android là 45,8%. Sony Xperia Z chạy hệ điều hành Android được thiết kế để làm đối thủ lớn nhất của Nhật đấu với iPhone và dòng Galaxy của Samsung. Xperia Z đã nhận được nhiều lời khen nhờ vỏ nhôm sang trọng, màn hình 5 inch, camera chụp nhanh và video độ nét cao. Xperia Z cũng đã đứng đầu bảng điện thoại bán chạy, với ít nhất 630.000 máy bán ra tại Nhật trong 10 tuần đầu tiên. Tổng giám đốc Kazuo Hirai của Sony liên tục nhắc đến doanh số mạnh mẽ của Xperia Z tại Nhật như một trong những điểm sáng hiếm hoi trong mảng kinh doanh hàng điện tử đang thua lỗ của hãng.
Nhưng Xperia Z cũng đã “hết số” tại Nhật. Cả Sony và NTT DoCoMo đều nói rằng Xperia Z sẽ không còn bán ở Nhật nữa sau khi bán hết lô hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ trên cả nước.
Không thể chỉ dựa vào Nhật Bản
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Sony có thể phát triển một chiến lược smartphone toàn cầu chặt chẽ mà không bị phân tâm vào việc đáp ứng nhu cầu thay đổi chóng mặt trên thị trường trong nước. Sony bắt đầu chuyển hướng tập trung ra ngoài thị trường Nhật Bản. Vừa qua, tại Trung Quốc, Sony đã công bố mẫu điện thoại Xperia Z Ultra mà hãng gọi là smartphone màn hình lớn mỏng nhất thế giới. Sony còn cho biết họ chưa chắc chắn liệu mẫu máy này có bán tại Nhật hay không.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Sony có thể gặt hái thành công từ các thị trường nước ngoài và tăng thị phần, hãng có thể sẽ bắt đầu tạo được áp lực với các nhà mạng Nhật Bản. Cách đây 5 năm, Nhật Bản có 11 nhà sản xuất điện thoại nhưng làn sóng hợp nhất giúp các hãng sống sót đã khiến Nhật chỉ còn lại 5 nhà sản xuất. Trong khi đó, NTT DoCoMo còn có chính sách ưu đãi dành cho những hãng smartphone hàng đầu như Sony và Samsung, phá vỡ sự đối xử cân bằng và buộc các hãng sản xuất phải cạnh tranh lẫn nhau.
Ngoài các “yêu sách”, sự hỗ trợ của DoCoMo, nhà mạng lớn với hơn 60 triệu thuê bao trong một đất nước có 127 triệu người dân, có thể là một lợi ích. DoCoMo bán chiết khấu lớn với mẫu Xperia A, và đang quảng cáo rầm rộ cho mẫu máy này tại Nhật. Điều đó giúp Sony tăng gấp đôi thị phần lên 36% vào đầu tháng Sáu, đánh bại 13% thị phần của Samsung và thậm chí thị phần của Apple cũng tụt xuống còn 25%.
Tuy vậy, Sony vẫn thua xa Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu. Theo số liệu của Bloomberg, năm ngoái, Sony đã bán ra 30 triệu smartphone, trong khi Samsung là 218 triệu máy, Apple bán khoảng 137 triệu iPhone.
“Tôi nghĩ mọi người bắt đầu nhận ra cách thị trường ĐTDĐ vận hành tại Nhật là không bền vững. Các nhà sản xuất như Sony từ lâu đã nhận ra họ không thể duy trì sức mạnh nếu chỉ dựa vào thị trường Nhật Bản”, Kogure nói.
Theo ICTNews
Bình luận
thị trường Nhật Bản vồn vẫn được biết đến là thị trường khó tính mà, xu hướng luôn thay đổi nhưng cũng ko đến nỗi quá nhanh như một mùi hương thoảng qua chưa kịp "ngửi" như thế
Nếu Sony thật sự gặp khó khăn nghiêm trọng, mình và hàng chục triệu gamer khắp thế giới sẽ đổ xô đi mua Xperia liền, bởi vì nếu Sony mà "ra đi" thì dòng Playstation với hàng trăm game đỉnh sẽ chấm dứt..., để lại một vết thương vô cùng to lớn không bao giờ khỏi trong lòng gamer khắp toàn cầu.
Ủng hộ Sony bằng tinh thần.