Alan Turing

Nhà toán học và là cha đẻ máy phá mã Enigma nổi tiếng Alan Turing, từng bị chính phủ Anh xử tội về vấn đề đồng tính, có thể sẽ được xóa bỏ tội danh vào cuối năm nay nếu dự luật về việc này được thông qua.

Theo tờ The Guardian, Chính phủ Anh đang bàn thảo việc ra luật thể ân xá hoàn toàn cho bậc thiên tài quá cố này.

Trong Thế Chiến Thứ II, Alan Turing đã phát minh ra nhiều kĩ thuật có thể đọc được mật mã vô cùng tinh xảo được chuyển bằng bộ máy bí hiểm Enigma của quân đội Đức. Vào những năm 1950, máy Turing của ông là tiền đề cơ sở của những máy tính hiện đại và có ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực giải thuật, ông được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính.

Cuộc sống của ông bắt đầu biến đổi từ khi ông thừa nhận rằng ông bị đồng tính - một hành vi khiếm nhã nặng nề trong thời đại này - buộc ông phải chọn hoặc là bị ngồi tù hoặc là bị "điều trị hoocmon nữ", và cuối cùng ông đã chọn giải pháp thứ hai.

Vào năm 1954, khi mới ở tuổi 41, ông đã vĩnh viễn ra đi vì tự vẫn bằng cách ăn quả táo có tẩm xyanua, dù vậy mọi người vẫn tin rằng đây chỉ là giả thuyết.

Mãi đến năm 2009, thủ tướng Anh Gordon Brown đã thay mặt Chính phủ Anh chính thức xin lỗi và thừa nhận về việc đối xử "kinh hoàng" với Alan Turing.

Một Thượng nghị sĩ nói với tờ The Guardian rằng, ông hi vọng rằng dự luật ân xá mà chính phủ Anh dành cho Alan Turing sẽ được nhanh chóng thông qua suôn sẻ. Nếu không có gì thay đổi, Alan Turing sẽ chính thức được xóa tội hoàn toàn vào cuối năm nay.

Đây là một động thái thay đổi đáng chú ý của chính phủ Anh, trước đây họ đã từ chối xóa tội cho 49.000 người đồng tính nam (đã chết) bị kết án theo luật hình sự 1885.

Tên tuổi và công lao của Alan Turing đối với ngành khoa học máy tính đã được thừa nhận rộng rãi. Tên ông được đặt cho giải thưởng vinh dự bậc nhất của Hiệp hội Máy tính (Giải thưởng Turing), được xem là giải Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính. Cùng với đó là các Viện khoa học và ngôn ngữ lập trình mang tên ông. Vào năm 2012, kỉ niệm 100 năm ngày sinh Alan Turing, Google đã tung ra doodles để tưởng niệm trên trang chủ của mình.

Theo The Guardian




Bình luận

  • TTCN (0)