Chưa chính thức ra đời nhưng Moto X đã tạo nên một cơn sốt thực sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Liệu đây chỉ là một làn sóng ảo hay là là những tín hiệu lạc quan thực sự được phát ra để hồi đáp lại những kì vọng từ phía Google.

Moto X và tham vọng của Google

Ai trong chúng ta cũng biết rằng, cùng với sự phát triển như vũ bão của iPhone, Android của Google cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc để rồi trở thành một đối trọng hiếm hoi khả dĩ đủ sức ngăn chặn và đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của Apple. Và điều đó đã biến hai công ty này trở thành những kẻ dẫn đầu trong cuộc cách mạng lớn nhất về công nghệ kể từ sau sự ra đời của hệ điều hành Windows.

Nhưng có một điều mà Google đã không thể làm được, đó chính là việc làm ra được một chiếc điện thoại của riêng mình. Chính điều này đã có tác động không nhỏ đến vị thế thống lĩnh của Apple trong thời điểm hiện tại và đưa Samsung vào vị trí của một kẻ cạnh tranh khi hãng này đã nhanh chân thay thế cái nhiệm vụ mà Google lẽ ra đã phải làm. Để rồi, thay vì ở vị trí của một kẻ cạnh tranh thực sự cho ngôi vị đế vương, cái mà Google đạt được chỉ là vị trí của một kẻ hỗ trợ và dẫn đường.

Và với việc từng bước thâu tóm lại mảng di động của Motorola, Google đang làm đúng cái việc mà họ đáng ra đã phải làm ở thời điểm vài năm trở về trước. Những quyết định nhanh chóng và không kém phần táo bạo đã được Google đưa ra kể từ sau thương vụ sát nhập này. Và sự đầu tư cực lớn của Google vào Moto X là một trong những quyết định như thế.

Đâu là lợi thế ?

Với kinh nghiệm của Motorola cùng sự chống lưng từ phía Google. Rõ ràng không khó để ta có thể nhận thấy, đâu là những lợi thế mà chiếc điện thoại này đang sở hữu.

Xét trong quá khứ, tất cả những sản phẩm gắn trên mình cái mác Google đều có vị trí nhất định so với các dòng sản phẩm khác trên thị trường. Không quá khó để nhận thấy điều đó khi mà dòng sản phẩm Nexus với sự thành công của Nexus 7 và Nexus 4 là những ví dụ cụ thể và sinh động nhất.

Điểm chung của sự thành công này đều đến từ sự kết hợp giữa cấu hình khủng, giá cả phải chăng, đi kèm với nó là sự đầu tư và có tổ chức trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu.

Với việc bỏ ra đến 500 triệu đô chỉ để quảng bá cho một chiếc điện thoại như Moto x, cũng là điều dễ hiểu khi cả chủ tịch Eric Schmidt cũng bị lôi vào chiến dịch quảng cáo rầm rộ này

Với 500 triệu đô được duyệt chi để đầu tư cho thương vụ này, chưa kể đến số tiền 12,5 tỉ đô la Mỹ đã bỏ ra để mua lại Motorola, rõ ràng bằng đó là quá đủ nếu không muốn nói là quá thừa cho một chiếc điện thoại như Moto X. Đấy là còn chưa kể đến việc, nếu so với những chiếc điện thoại của Samsung, với vị thế con đẻ của Google, Moto X nghiễm nhiên được thừa hưởng tất cả những hỗ trợ và cập nhật tốt nhất mà những chiếc điện thoại Android khác trên thị trường có nằm mơ cũngkhông thể có.

Tất nhiên, dù có sự đầu tư lớn đến mức nào, thực lực vẫn là điều quan trọng nhất quyết định cho sự thành công của một chiếc smartphone được xếp vào hàng siêu phẩm. Và nếu so với các đối thủ khác trên thị trường, có lẽ không có quá nhiều khác biệt để nói về chiếc điện thoại của Google ngoài giao diện tùy biến đi kèm với chức năng ra lệnh bằng giọng nói.

Ảnh
Moto X sở hữu lớp vỏ ngoài được giới thiệu là "tùy biến" với hơn 20 sự lựa chọn về màu sắc

“Design by you” – “Thiết kế bởi bạn”, Google đã chọn câu khẩu hiệu này với mục đích không gì khác ngoài việc chọc tức gã đối thủ khó chịu Apple, cùng với đó là việc thu hút sự chú ý và tò mò từ phía công chúng. Lớp vỏ bên ngoài được giới thiệu là tùy biến với sự xuất hiện của hơn 20 màu sắc đi kèm là một sự khác lạ của Google, nhưng chừng đó để tạo nên bản sắc thì rõ ràng là chưa đủ.

Bên cạnh lớp vỏ tùy biến, còn một điểm khác mà Google hay Motorola có thể tự hào khi nói về chiếc điện thoại của mình, đó là tính năng ra lệnh bằng giọng nói. “Tìm kiếm bằng giọng” nói dù chưa thực sự cho thấy sự hiệu quả nhưng cũng đã trở nên quá quen thuộc cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quảng cáo thương hiệu của nó mà Siri và Google Now là hai hình ảnh cụ thể nhất. Nhưng Moto X với “Ra lệnh bằng giọng nói” thì thực sự là một điều mới mẻ.

Ảnh
Tính năng nhận dạng giọng nói thông minh

Thực ra, việc ra lệnh bằng giọng nói đã được nhiều hãng thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới dừng ở mức độ cơ bản với một vài câu lệnh đơn lẻ. Tìm kiếm bằng giọng nói và chụp ảnh bằng giọng nói thực chất đều là “ra lệnh bằng giọng nói” nhưng rõ ràng là nó vẫn chưa thể đáp đáp ứng được hết ý nghĩa thực sự của cụm từ này. Và dù vẫn còn chưa được kiểm chứng, nhưng Moto X với những đoạn quảng cáo mà Google đã dựng nên cho nó khiến người ta phần nào có được sự tin tưởng, rằng cuối cùng thì cũng có một chiếc điện thoại có thể làm được điều này một cách thực sự.

Nước cờ mạo hiểm

Với quyết tâm cùng sự mạo hiểm của mình, Google đã đầu tư không ít tiền của vào Moto X, giới truyền thông tiết lộ từng chút một thông tin về nó hàng ngày. Và tất nhiên, với tần xuất xuất hiện trên mặt báo dày đặc như thế, việc Moto X nhanh chóng bộc lộ ra những điểm yếu chí tử của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Điểm yếu dễ thấy nhất của Moto X chính là cấu hình. Theo những thông tin mới nhất vừa bị rò rỉ của chiếc điện thoại này, máy sẽ sở hữu vi xử lí lõi kép Snapdragon S4 Pro 1.7 GHz, RAM 2G, cùng với đó là màn hình 4,7 inch với độ phân giải chỉ ở mức độ tương đối.

Khác với Windows Phone và iOS, đối với những người sử dụng sản phẩm chạy trên nền hệ điều hành Android, khỏi phải nói thì ai cũng biết rằng, cấu hình khủng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự thành công của một chiếc smartphone cao cấp. Và rõ ràng, với cái mác siêu phẩm trên tay, những con số thống kê kể trên chưa đủ để Moto X có thể chen chân vào hàng ngũ những chiếc điện thoại như iPhone 5 hay Galaxy S4.

Vỏ ngoài được giới thiệu là “tùy biến” tuy lạ nhưng không phải là duy nhất, khi mà Nokiađã từng sử dụng phương thức này với những chiếc điện thoại như Lumia 620 và 820 từng được bán ra thị trường. Và với hơn 20 màu sắc mà Google cung cấp cho máy, nó có thể biến chiếc điện thoại của hãng này trở nên nổi bật, nhưng cũng dễ dàng làm tầm thường hóa đi chiếc điện thoại này. Khi mà lớp vỏ ngoài được “lăng xê” là tùy biến kia thực ra chẳng khác gì những tấm case mà ta có thể tìm thấy dễ dàng trên thị trường, nếu không muốn nói là có phần xấu xí và thô kệch hơn những dòng sản phẩm của các công ty chuyên sản xuất phụ kiện cho điện thoại.

Thời điểm ra đời của Moto X cũng là một bài toán đau đầu mà Google đang phải đối mặt, khi mà ngày ra mắt của những siêu phẩm như Galaxy Note 3, Lumia 1020 hay thậm chí là iPhone giá rẻ cũng đã sắp sửa cận kề. Lẽ ra Google đã không phải gặp phải những khó khăn nhiều như thế, nếu như hãng này nhanh chóng xác lập vị thế của mình với việc sớm thâu tóm một thương hiệu nào đó trong làng di động. Không phải những vị lãnh đạo cao cấp của Google không nhìn ra điều đó, nhưng có lẽ vì một lí do nào đó mà phải đến tháng 8 năm 2011, Google mới thực sự làm được điều mà đã nhiều người mong đợi từ rất lâu này.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tìm được cho mình một chỗ đứng vững chắc, khi mà thị trường điện thoại thông minh gần như đã an bài với sự thống lĩnh của Apple và Samsung là điều quá khó nếu không muốn nói là bất khả thi. Vậy nên, nếu Google chỉ coi Moto X như một con tốt thí để thăm dò thị trường thì cũng là một điều dễ hiểu.

Với việc bỏ ra đến 13 tỉ đô (trong đó 12.5 tỉ để mua lại Motorola Mobility, 500 triệu đô để quảng bá cho Moto X) để đặt cược vào một canh bạc chưa nắm chắc phần thắng trong tay, rõ ràng là Google đã quá mạo hiểm với quyết định của mình. Nhưng hãy khoan nói về tính đúng sai của quyết định này. Bởi việc đầu tư phát triển một chiếc điện thoại riêng gắn liền với thương hiệu Google là một điều cần thiết trong tiến trình phát triển của gã khổng lồ tìm kiếm.

Và chiếc điện thoại này mới chỉ là điểm khởi đầu và là vị tướng tiên phong cho việc hướng tới những mục tiêu lớn hơn phía trước. Vậy nên nếu có thất bại thì cũng đừng vội trách Google, có chăng họ đang liều mình thả con săn sắt để hòng bắt được con cá rô to bự sau này.

Theo Người Đưa tin




Bình luận

  • TTCN (0)