Tỉ lệ nghiện smartphone ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Hàn Quốc đã tăng gấp 3 năm ngoái và chính phủ cho biết hiện đã có gần 1/5 học sinh nghiện các thiết bị này.
Không chỉ Hàn Quốc mà hiện nay tỉ lệ nghiện smartphone ở giới trẻ nhiều quốc gia châu Á cũng đang tăng lên. Học sinh trung học Hàn Quốc thích bình luận về những bức ảnh hài hước, thích nhắn tin cho bạn bè và chơi game online. Nhưng smartphone đang ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống học tập ở trường và sinh hoạt ở nhà của các em.
“Tôi ghét như thế nhưng tôi không thể không làm”, Lee Yun-soo nói.
Lee Yun-soo là một trong những học sinh mà chính phủ Hàn Quốc xác nhận là đã nghiện smartphone. Theo chính phủ Hàn Quốc, một người nghiện smartphone là họ đã dành đến hơn 7 giờ mỗi ngày để dùng điện thoại, và thường xuyên trải qua các triệu chứng như lo lắng, bồn chồn và trầm cảm khi không được dùng thiết bị.
Đầu tháng này, chính phủ Hàn cho biết họ đã có kế hoạch cung cấp chương trình tư vấn trên toàn quốc dành cho các em học sinh vào cuối năm nay, đồng thời đào tạo các giáo viên cách giao tiếp ứng xử với những học sinh bị nghiện smartphone. Các chương trình tư vấn điều trị dành cho người lớn bị nghiện smartphone đã có ở Hàn Quốc.
Hàn Quốc là quê hương của nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, Samsung Electronics, và tự hào về việc họ dẫn đầu trong các công nghệ di động tiên tiến cũng như Internet tốc độ cao. Hàn Quốc là một trong số những nước đầu tiên ứng dụng thiết bị số mới.
Với tỉ lệ thâm nhập ĐTDĐ là hơn 100% - nghĩa là một số người dân Hàn có nhiều hơn một máy điện thoại – và smartphone chiếm gần 2/3 trong số những thiết bị này, chính phủ Hàn đang đặt ra nhiều biện pháp để đối phó với những mặt trái của smartphone.
Hàn Quốc cũng là nước nổi tiếng với vấn nạn nghiện game online ở giới trẻ trong nhiều năm liền nhờ sự phổ biến rộng rãi của các dịch vụ Internet tốc độ cao. Giờ đây, tỉ lệ thâm nhập smartphone ở trẻ em và trẻ vị thành niên đang tăng với tốc độ cao hơn bất cứ nhóm tuổi nào, và các nhà phân tích nhận thấy khó giảm tốc độ này cũng như giúp các em “cai nghiện” smartphone.
Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết tỉ lệ thâm nhập smartphone ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 19 ở Hàn Quốc đã tăng gấp 3 so với năm ngoái. Trong khi đó, tỉ lệ nghiện smartphone ở trẻ vị thành niên là 18%, cao gấp đôi so với tỉ lệ nghiện 9,1% ở người trưởng thành.
“Tình thế này thực sự nghiêm trọng”, Hwang Tae-hee, một cán bộ của Bộ Gia đình và Chất lượng giới của Hàn Quốc, nói.
Không chỉ tại Hàn Quốc mà vấn đề nghiện smartphone đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản và Đài Loan. Theo khảo sát, Nhật Bản nhận thấy số người dùng smartphone ở các nữ sinh trung học đã tăng gấp 3 so với năm ngoái. Ngoài việc khiến các em học sinh sao nhãng chuyện học hành, các chuyên gia cho biết sử dụng smartphone quá nhiều còn khiến kĩ năng giao tiếp cá nhân của các em bị ảnh hưởng.
“Học sinh ngày nay kém trong biểu cảm giao tiếp”, Setsuko Tamura, giáo sư tâm lí của trường Đại học Tokyo Seitoku, nói. “Khi bạn dành nhiều thời gian để nhắn tin cho mọi người thay vì đến tận nơi và nói chuyện trực tiếp với họ, bạn không biết cách đọc và biểu hiện ngôn ngữ cử chỉ”.
Ở Đài Loan, hiện tượng học sinh thường xuyên kiểm tra email và mạng xã hội đã dẫn tới sự ra đời của “bộ lạc” với tên gọi là “bộ lạc cắm đầu”. Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Mạng lưới Đài Loan, số người truy cập Internet qua laptop, máy tính bảng và smartphone trong 6 tháng qua đã tăng ấp đôi, đạt mức kỉ lục 5,35 triệu người so với cách đây 1 năm.
Các trường học Hàn Quốc đã ra nội quy giáo viên thu hết thiết bị di động của học sinh trong giờ học. “Nhưng một số em vẫn giấu điện thoại và dùng chúng trong giờ giải lao hoặc cả trong giờ học”, Lee Kyoung-shin, một giáo viên ở Seoul nói.
Smartphone thường là vật quan trọng nhất của giới trẻ, vì đó là cầu kết nối giữa các em với bạn bè. Không sử dụng smartphone nghĩa là các em bị loại ra khỏi vòng bạn bè, vì thế trẻ thường xuyên lo lắng với việc phản hồi các tin nhắn, cuộc tán gẫu (chat) nhóm.
Thậm chí, các em học sinh ở Hàn Quốc còn đặt ra danh hiệu “vua” cho mẫu những smartphone mới ra lò, còn những mẫu cũ hơn là “nô lệ”. Lee Yun-soo, một nữ sinh 18 tuổi, nói rằng “đôi khi tôi thức suốt cả đêm để vào Facebook và chat với bạn bè. Từ ngày chuyển sang dùng smartphone, tôi đã nhanh chóng bị nghiện”.
Theo Xã Hội Thông Tin
Bình luận
Vô lý, theo như định nghĩa "nghiện smartphone" trong bài thì đối với người tuy dùng nhiều (>7 tiếng) nhưng không để bị ảnh hưởng, vẫn hoàn thành tốt các công việc khác thì vẫn bị cho là nghiện à? Mình chơi game 10 tiếng/ngày nhưng vẫn hoàn thành bài vở trước deadline mà bạn bè đâu có cho là bị nghiện game. Thật tội cho những người học tốt mà vẫn bị "sung công quỹ" smartphone
hết nghiện game giờ nghiện smartphone