Phải đảm bảo thực hiện Đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình và tiến độ đã được vạch ra, đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nêu ra tại phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam diễn ra sáng nay, 26/7.

Đảm bảo lộ trình

Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn 1 (từ nay đến 31/12/2015) sẽ thực hiện chuyển đổi sang truyền hình số tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ).

Như vậy, việc thực hiện số hóa truyền hình tại 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương là những bước đi đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai đề án số hóa truyền hình Việt Nam tới năm 2020 theo đúng lộ trình và tiến độ.

Ban chỉ đạo đề án đã đặt ra yêu cầu chậm nhất là tháng 6 năm 2014, 5 thành phố trực thuộc trung ương phải được phủ sóng truyền hình số mặt đất truyền tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thôn tin tuyên truyền thiết yếu của trung ương và của 5 thành phố.

Trong 5 thành phố này, Đà Nẵng cũng được chọn làm thành phố đầu tiên thực hiện lộ trình số hóa truyền hình và sẽ hoàn thành 6 tháng so với kế hoạch số hóa truyền hình đã đề ra.

“Đây là những bước đi ban đầu rất khó khăn, nhưng nếu thành công sẽ tạo nên sự tin tưởng để chúng ta thực hiện những giai đoạn tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trưởng ban chỉ đạo đề án nói.

Nhiều việc phải làm

Để đảm bảo việc triển khai đề án được thực hiện đúng tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định còn nhiều vấn đề cần phải sớm giải quyết ngay.

Về việc cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép để thực hiện phát sóng truyền hình số mặt đất tại 5 thành phố trung ương.

Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu các doanh nghiệp có sẵn hạ tầng tại 5 thành phố này đồng ý tham gia lộ trình, tự nguyện phát miễn phí thì ban chỉ đạo đề án sẽ ủng hộ cấp phép chứ không cần tổ chức đấu thầu nữa.

Về việc triển khai thí điểm tại Đà Nẵng, Bộ trưởng cũng khẳng định Đà Nẵng là thành phố đang có tiềm năng kinh tế tốt, hạ tầng công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình phát triển rất nhanh và quy mô gọn hơn các thành phố khác, do vậy, đây là nơi thích hợp để triển khai đề án số hóa truyền hình.

Bộ TT&TT cũng sẽ tiến hành làm việc với thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất để đẩy nhanh việc triển khai số hóa truyền hình tại Đà Nẵng.

Về vấn đề hỗ trợ hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất và hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho nhân dân, Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số và đầu thu truyền hình số từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Về vấn đề quản lí chất lượng dịch vụ và thiết bị thu, phát truyền hình số, cần sớm hoàn thiện quy định về quản lí chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp quy đối với việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị thu, phát tín hiệu truyền hình số; nghiên cứu xem xét vấn đề quản lí chất lượng dịch vụ theo hướng hợp quy hoặc các doanh nghiệp tự công bố hợp quy.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo cần sớm triển khai đề án tuyên truyền về số hóa truyền hình và đề án điều tra phương thức thu xem truyền hình và các đối tượng cần hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng, đây là những đề án cần được triển khai trước một bước giúp người dân hiểu về những lợi ích của số hóa truyền hình cũng như giúp các địa phương triển khai đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhất trí với đề xuất kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất với phủ sóng truyền hình số vệ tinh để phủ sóng vùng sâu, vùng xa thay vì phủ sóng truyền hình số mặt đất trên phạm vi cả nước như đề xuất trước đây.

“Hiện tại, đã có 3-4 tỉnh thực hiện phát sóng truyền hình số qua vệ tinh, đây là cơ sở rất tốt để chúng ta triển khai. Ngoài ra, việc thực hiện phủ sóng truyền hình số vệ tinh sẽ giúp tiết kiệm hơn việc triển khai truyền hình số mặt đất. Đó là còn chưa kể đến việc triển khai, vận hành, bảo trì đều phải dùng tới những khoản kinh phí rất lớn. Do vậy, ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chúng ta phủ sóng truyền hình số qua vệ tinh là phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)