Tốc độ được nâng lên 10 Gbs và độ phổ biến trên thị trường tiếp tục đảm bảo vị thế thống trị của kết nối USB trước đối thủ như Thunderbolt.
Nếu là một trong những người có điều kiện sở hữu đầy đủ các thiết bị sử dụng kết nối USB, mà phiên bản mới nhất là USB 3.0, từ mainboard PC, laptop, USB flash, ổ cứng di động..v.v., chắc hẳn cho đến giờ phút này bạn vẫn đang hoàn toàn hài lòng với tốc độ sao chép dữ liệu trên các thiết bị của mình, bởi tốc độ của USB 3.0 thực sự là một bước đột phá so với phiên bản cũ 2.0. Nhưng ngay sắp tới đây thôi, chúng ta sẽ có điều kiện copy hàng gigabyte dữ liệu chỉ trong nháy mắt khi mà phiên bản hoàn thiện của USB 3.1 có tốc độ lí thuyết đạt thậm chí gấp đôi USB 3.0.
Nâng cao tốc độ
Theo công bố mới đây của tổ chức phát triển chuẩn USB 3.0 ( (The USB 3.0 Promoter Group) trong tương lai, phiên bản kế nhiệm của chuẩn này là USB 3.1 sẽ cho tốc độ truyền tải dữ liệu lên tới 10 Gb/giây, tăng từ 5 gigabits/giây của chuẩn cũ. Dùng từ “siêu tốc” trong trường hợp này không còn gì là quá đáng.
Mặc dù chúng ta hẳn nhiên sẽ phải chờ một thời gian nữa các nhà sản xuất linh kiện mới có thể hoàn thiện việc tích hợp chuẩn USB mới này lên các thiết bị đời mới của mình, và không phải ai cũng có điều kiện sở hữu ngay các thiết bị này, nhưng đây là một tín hiệu tốt cho thấy sự phát triển áp đảo của chuẩn kết nối USB. Cũng tương tự USB 3.0, những người dùng chưa có điều kiện trang bị cho mình nguyên một bộ thiết bị hỗ trợ USB 3.1 sẽ không có gì phải lo lắng bởi khả năng tương thích ngược của chuẩn mới này. Mọi cổng/thiết bị USB 3.1 sẽ làm việc hoàn toàn bình thường khi kết nối với chuẩn USB cũ.
Một trong những nhân tố quan trọng để USB 3.1 có thể nhanh chóng xâm nhập thị trường là việc các nhà sản xuất như Intel, AMD… kịp thời chế tạo các đời chip mới hỗ trợ chuẩn kết nối này. Theo như những người chịu trách nhiệm phát triển chuẩn kết nối này, các thiết bị USB 3.1 sẽ phổ biến trên thị trường vào khoảng cuối 2014.
Cuộc chiến với Thunderbolt
Thực ra, USB 3.1 không phải là chuẩn kết nối ngoài đầu tiên cán đích 10 Gbps. Thunderbolt của Intel từ lâu đã được hoàn thiện và bán ra trên thị trường, chỉ là dạng kết nối này vẫn chưa được phổ biến và ưa chuộng như USB. Thậm chí theo như những thông tin mà Intel cung cấp hồi tháng 6 vừa rồi, hãng này sắp hoàn thiện Thunderbolt 2 với tốc độ lí thuyết gấp đôi: 20 Gbps. Nghĩa là người dùng có thể vừa stream một file video chất lượng Ultra HD 4K vừa copy file đó về máy mình (từ ổ di động hoặc máy NAS chẳng hạn), trong cùng một thời điểm, thực sự vô cùng ấn tượng. Cùng với khả năng độc đáo là kết nối các thiết bị theo chuỗi mắt xích chứ không bắt buộc mọi thứ phải nối vào cùng một PC/Laptop như các chuẩn kết nối thường gặp.
Tuy vậy, Thunderbolt gặp phải khá nhiều khó khăn khi được đưa ra thị trường. Tại sao? Phát ngôn viên của hãng Acer – Ruth Rosene đã giải thích lí do tại sao hãng này quyết định tập trung vào sử dụng kết nối USB trên các sản phẩm của mình thay cho Thunderbolt như sau: "USB nhìn chung đòi hỏi chi phí thấp hơn, cung cấp băng thông truyền tải lớn và hợp lí, lại có khả năng sạc cho các thiết bị di động như smartphone, được sử dụng hết sức rộng rãi trên các thiết bị ngoại vi và phụ kiện”.
Quả thực, các loại cáp và phụ kiện hỗ trợ Thunderbolt có giá cao hơn đáng kể so với việc sử dụng USB 3.0. Chưa kể đến việc công nghệ mới này của Intel chưa xuất hiện trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Trong khi đó USB với lịch sử lâu dài và khả năng tương thích ngược luôn là lựa chọn đầu tiên mà người dùng nghĩ tới khi sử dụng phụ kiện.
Gía thành của các thiết bị Thunderbolt thực ra có thể giảm đi nếu Intel tích hợp thẳng công nghệ này vào trong các mẫu chipset cho phân khúc phổ thông của hãng. Tuy vậy, phát ngôn viên của Intel vẫn thẳng thừng tuyên bố “Đối tượng khách hàng của Thunderbolt là các hệ thống lớn, chuyên nghiệp. Chúng tôi chưa có ý định đưa công nghệ này tới gần với phân khúc phổ thông, ít nhất là trong một vài năm tới”. Và trong một vài năm “túc tắc” đó của Intel, không còn nghi ngờ gì về việc USB, với tốc độ vừa được nâng lên 10 Gbps trên USB 3.1, sẽ vẫn giữ vị thế thống trị trên thị trường các cổng kết nối dữ liệu gắn ngoài.
Theo Genk/PCWorld
Bình luận
Uh...sao không sản xuất cả 2 loại cổng trên cùng 1 mainboard (bỏ bớt 1 usb, thêm thunderbolt vào) để dần dần phổ biến hóa thunderbolt? Khi đó sẽ có nhiều thiết bị tương thích hơn, giá thành có thể giảm.