Có tới 12% số người dùng tại Anh và Mỹ tỏ ra vô tư khi "xài ké" các mạng Wi-Fi công cộng, kể cả khi biết rõ hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật.
Theo cuộc nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn Accenture, những người dùng trong độ tuổi từ 18-34 là "có khả năng vi phạm" cao nhất, với gần một phần ba số người được hỏi thừa nhận từng "mượn tạm kết nối Wi-Fi" gần mình.
Tuy nhiên, giữa người Anh và người Mỹ thì các cư dân Internet của xứ sở tượng thần tự do có xu hướng dùng trộm Wi-Fi cao hơn.
Cứ 7 người được hỏi thì có 1 người Mỹ thừa nhận đã làm việc này, trong khi tỷ lệ ở Anh là 1/11.
"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như hacker cố tình dựng lên một hotspot hiểm độc? Nếu người dùng kết nối với mạng Wi-Fi này, mọi hoạt động của họ sẽ bị hacker ghi lại hết", Accenture cho biết.
"Hành động này không khác gì việc bạn vứt chìa khóa nhà của mình giữa đường rồi hy vọng không một ai nhặt được nó".
Tệ hơn nữa, đại đa số những người được hỏi đều chưa cập nhật phần mềm bảo mật mới nhất cho laptop của mình, khiến cho nguy cơ sập bẫy hacker càng cao.
Xài lặp mật khẩu
Một cuộc nghiên cứu khác mới đây của Accenture cũng cho thấy người dùng rất hớ hênh về chuyện tạo mật khẩu, bất chấp những lời cảnh báo liên tiếp của giới bảo mật.
Có non nửa số người được hỏi cho biết họ xài cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau, với lý do là... sợ quên.
Chỉ có 25% số người được hỏi từng mã hóa một file dữ liệu quan trọng trong máy tính, và chưa đến 10% xây dựng cho mình thói quen thay đổi mật khẩu thường xuyên, hoặc sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu.
"Người dùng đã đánh giá quá thấp nguy cơ từ bọn tội phạm mạng. Chỉ cần truy cập được vào một tài khoản, bọn chúng sẽ dễ dàng đột nhập vào tất cả các tài khoản còn lại của nạn nhân", Accenture cảnh báo.
Một thói quen không tốt nữa của người dùng là viết mật khẩu ra giấy để tiện ghi nhớ. Có tới 48% số người dùng tại Mỹ thừa nhận đã làm việc này, so với tỷ lệ 30% tại xứ sở sương mù.
(Theo Vietnamnet/VNUnet)
Bình luận
Cũng có người tạo mật khẩu truy cập, nhưng mà vẫn chẳng ăn thua bởi có tool dò ra được.
Vậy chỉ có lọc MAC là có vẻ ổn.
Lọc MAC vẫn không ổn, fake tốt, chưa kể khá bất tiện nên nó mới bị tắt mặc định.
Một mật khẩu tốt thì không thể dò ra nổi. Đang dùng PSK của WPA, key dài 20 kí tự a-z0-9 (128 bit), ai thích dò thử xem