Smartphone LG G2 đã chính thức được công bố và gây nhiều ngạc nhiên cho các tín đồ. Đã lâu rồi, người yêu công nghệ trên toàn thế giới mới được chứng kiến một thiết bị điện thoại lạ lẫm như vậy. Tuy nhiên, không phải điều gì LG cũng nói toạc ra hết về chiếc điện thoại của mình.

1. Phím cứng đặt ở phía sau

Nếu như chiếc điện thoại Pantech Vega LTE-A đặt nút nguồn ở mặt sau máy thì LG thậm chí còn táo bạo hơn khi bố trí toàn bộ cụm phím cứng gồm cả nút nguồn và 2 phím âm lượng ngay dưới camera sau của G2. Đây được cho là cách thiết kế khá “dị” mà chúng ta rất ít được thấy trước đây nhưng LG đã nghĩ khác và cũng làm khác.

Những mẫu điện thoại thông minh thế hệ đầu tiên có màn hình khá nhỏ, do đó mặc dù có viền màn hình lớn nhưng kích thước chiều rộng của chúng chỉ khoảng 2,4 inch. Tuy nhiên, thế hệ smartphone ngày nay đã có sự tăng tiến nhanh chóng về độ lớn màn hình, kích thước chiều rộng vì thế cũng tăng theo lên khoảng 2,7 inch và đối với G2 là 2,79 inch (70,9 mm).

Chính vì thế, việc phải sử dụng các nút cứng như chỉnh âm lượng hay tắt màn hình máy thường đòi hỏi người dùng phải căng tay khá vất vả, thậm chí khá khó khăn nếu phải dùng máy bằng 1 tay. Theo LG, giải pháp đặt các nút này ở mặt sau máy khiến mọi việc trở nên rất dễ dàng, và cho dù kích thước điện thoại có bị đẩy lớn hơn nhiều đi chăng nữa thì người dùng vẫn làm chủ được chiếc máy của mình.

Lí do thứ 2 mà LG đưa ra xuất phát từ việc nút chụp ảnh có thể được tích hợp trực tiếp vào phím cứng ở mặt sau. Do đó, người dùng có thể chụp ảnh “tự sướng” bằng camera trước hoặc chụp từ camera sau với thao tác nhấn nút đơn giản mà máy vẫn nằm chắc chắn trong lòng bàn tay.

Nguyên nhân thứ 3 được nêu lên là giúp mang đến cảm giác tiện dụng cho người dùng khi đàm thoại. Thông thường, khi đặt máy trên tai để đàm thoại, người dùng sẽ có xu hướng đặt ngón trỏ tay ở vị trí gần giữa máy, trong trường hợp G2 là ngay chỗ camera sau. Do đó, việc bố trí các nút cứng có thể giúp bạn điều chỉnh âm lượng nhanh ngay khi đang nghe máy.

Lí do cuối cùng là việc không sở hữu các nút bấm ở 2 cạnh bên giúp nhà sản xuất không tốn thêm không gian ở cạnh bên để đặt các bảng mạch dành cho nút cứng. Các bảng mạch này thay vào đó sẽ được chuyển ra mặt sau do đó viền màn hình 2 bên của G2 dễ dàng đạt được độ mỏng lí tưởng là 2,65 mm.

Những lí giải mà LG đưa ra cũng rất có căn cứ song để biết được cách bố trí phím cứng ở mặt lưng có phù hợp hay không, chúng ta sẽ vẫn cần đến những trải nghiệm thực tế. Dù vậy, xét về tổng thể, LG G2 vẫn là một chiếc điện thoại đẹp và ăn điểm nhờ vào thiết kế khung viền màn hình siêu mỏng.

2. Viền màn hình siêu mỏng

Màn hình của LG G2 có kích thước 5,2 inch, chiếm tới 75,9% diện tích mặt trước G2. Để đạt được con số này, phần viền màn hình thiết bị đã được tối ưu với kích thước chỉ 2,65 mm mỗi bên. LG cho biết họ đã sử dụng tới 2 bảng mạch điều khiển cảm ứng để giảm kích thước viền bezel trong khi đại đa số các smartphone hiện nay chỉ dùng 1 bảng mạch cảm ứng.

3. Màn hình chất lượng sắc nét nhưng tiết kiệm pin

Tuy rằng độ phân giải Full HD trên màn hình của LG G2 cho mật độ điểm ảnh đạt 424 ppi, thấp hơn so với màn hình Full HD AMOLED của Galaxy S4 (trong buổi giới thiệu G2, LG có đề cập đến màn hình Full HD AMOLED để đưa ra so sánh và chúng ta đoán chắc nó chính là Samsung Galaxy S4) nhưng LG lại cho rằng mật độ điểm ảnh thường chỉ phản ánh một phần độ chi tiết của màn hình. Nó còn phụ thuộc nhiều vào số lượng các điểm ảnh phụ (subpixel).

Theo đó, màn hình của LG G2 có tới hơn 6 triệu điểm ảnh phụ so với hơn 4 triệu subpixel được tìm thấy trên màn hình của S4. Vì vậy, hãng sản xuất Hàn Quốc tin rằng người dùng sẽ cảm thấy hài lòng với khả năng hiển thị hình ảnh cực kì chi tiết và sống động trên G2.

Về khả năng tiêu thụ điện năng của màn hình, LG cũng tiết lộ G2 sử dụng công nghệ Graphic RAM (GRAM) giúp giảm điện năng tiêu thụ tới 26% khi sáng màn hình, nhờ vậy thời lượng sử dụng của thiết bị có thể tăng thêm 10%. Thông thường, khi hiển thị những hỉnh ảnh tĩnh, không có chuyển động như xem ebook hay lướt web, nhân đồ họa sẽ gửi yêu cầu tới màn hình của smartphone hoặc tablet chỉ cho phép hiển thị 60 khung hình/giây (thông số này sẽ cao hơn khi người dùng xem video hay chơi game). Quá trình này liên tục diễn ra và GPU liên tục phải đưa lệnh tới màn hình khi điện thoại hoặc máy tính bảng hoạt động làm tiêu tốn một phần năng lượng của pin.

Công nghệ Graphic RAM của LG tạo ra một vùng nhớ đệm nhỏ dành cho màn hình, nơi để lưu trữ những yêu cầu về số tốc độ khung hình/giây hiển thị. Từ đó, mà màn hình của điện thoại hoặc máy tính bảng sẽ không cần phải liên lạc liên tục với nhân đồ họa để nhận lệnh nữa qua đó giảm năng lượng hao phí không cần thiết.

4. Pin nhỏ nhưng dung lượng lớn

Theo cấu hình mà LG công bố, G2 được trang bị viên pin dung lượng 3000 mAh nhưng đó chỉ là bề ngoài, ít ai biết được rằng LG đã bí mật cải tiến viên pin trên điện thoại át chủ bài của mình với mong muốn đem lại thời gian sử dụng dài hơi hơn cho người dùng.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng viên pin có kích thước bé của LG G2 được thiết kế lồi lên ở giữa một chút, đó là thiết kế đặc biệt của LG để làm tăng thể tích và dung lượng pin trên điện thoại G2. Giải pháp của hãng là tăng mật độ pin lên để các thành phần lưu điện trở nên nhỏ hơn và lắp đầy vỏ pin. Bằng cách này, LG giảm được khoảng không gian chết mà trên pin thông thường vốn bị bỏ trống.

Theo Genk




Bình luận

  • TTCN (0)