Dòng điện thoại Galaxy Note của Samsung đã gây được sức ảnh hưởng lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng công nghệ một phần nhờ màn hình lớn nhưng điểm nhấn chủ yếu vẫn đến từ chiếc bút S-Pen “ma thuật”.
Người dùng Note hay Note II đều phải công nhận rằng chiếc bút này mang đến cho họ rất nhiều trải nghiệm thú vị và thực sự hữu dụng. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi bút S-Pen hoạt động như thế nào hay chưa? Và tại sao không cần dùng đến pin như nhiều loại bút stylus khác mà S-Pen vẫn hoạt động một cách vô cùng chính xác?
Cấu tạo và cơ chế hoạt động của bút S-Pen
Để tạo được một sản phẩm có thể coi là mang tính sáng tạo cao như vậy, đội ngũ Samsung Mobile đã phải hợp tác với Wacom, một công ty nổi tiếng chuyên chế tạo các thiết bị tương tác cảm ứng. Bút S-Pen cũng là sản phẩm độc quyền chỉ có thể sử dụng trên điện thoại Galaxy Note, cây bút này không hoạt động trên các màn hình cảm ứng điện dung khác. Ngược lại, thử một cây bút khác cũng có đầu cứng giống S-Pen trên Note thì cũng ko có tác dụng. Điều bí mật ngoài chiếc bút còn nằm ở phần màn hình cảm ứng của Note.
Nhưng trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về cấu tạo của bút S-Pen. Ngoài phần vỏ bút và nút bấm thì chi tiết quan trọng nhất trong một chiếc bút S-Pen chính là cuộn dây nối với phần bảng mạch.
Về cơ bản thì công nghệ cảm ứng của Galaxy Note được phát triển phần nhiều dưới bàn tay của Wacom. Công nghệ trên thực chất là công nghệ màn hình 2 lớp, bao gồm: lớp cảm ứng điện dung và cảm ứng từ. Cảm ứng điện dung là một tính năng hết sức quen thuộc trên màn hình smartphone hiện nay. Nó hoạt động dựa trên sự hút điện của ngón tay khi chúng ta chạm lên màn hình. Nó sẽ làm mất điện ở các tụ điện nơi tiếp xúc kéo theo sự thay đổi giá trị điện dung để từ đó thiết bị điều khiển có thể nhận dạng, xác định được toạ độ xy của điểm cảm ứng.
Trong khi đó, phần màn hình cảm ứng từ đặc biệt hơn do nó ít xuất hiện một cách phổ biến nhưng lại không hề xa lạ với chúng ta. Đúng như tên gọi, màn hình cảm ứng từ hoạt động nhờ hiện tượng cảm ứng điện từ và có những tương tác với cuộn dây đặt bên trong bút S-Pen. Khi đưa bút đến gần màn hình, trường điện từ sẽ cung cấp năng lượng cho cây bút và dùng nguồn này để tính toán vị trí đầu bút so với màn hình nhờ bảng mạch bên trong và sau đó truyền thông tin trở lại điện thoại.
Không chỉ thế, hệ thống cảm ứng điện từ còn có thể giúp thiết bị nhận diện được cả góc, tốc độ di chuyển thậm chí là lực tác động lên đầu bút với độ nhạy cực cao. Đặc biệt, mỗi khi S-Pen chạm vào màn hình thì tính năng cảm ứng của màn hình cũng thay đổi. Lúc này màn hình sẽ tự động chuyển qua chế độ nhập liệu bằng bút chứ không phải ngón tay. Do đó, nếu bạn chẳng may chạm đồng thời cả ngón tay và bút một lúc, bút được ưu tiên hơn và thiết bị sẽ nhận tín hiệu từ S-Pen.
Thực chất công nghệ ứng dụng trên bút S-Pen đã được ra mắt cách đây hơn 2 năm với tên gọi Wacom Feel It. Sản phẩm đầu tiên sử dụng Wacom Feel It là các thiết bị cảm ứng Tablet PC của HP, còn Samsung Galaxy Note là smartphone đầu tiên được áp dụng công nghệ này.
Bút cảm ứng điện dung
Khác với S-Pen, đa phần các thiết bị hiện nay sử dụng bút cảm ứng điện dung stylus với nhiều mẫu mã cũng như có những tính năng cao cấp khác nhau còn thế hệ bút cảm ứng điện trở cũng đã đi vào dĩ vãng.
Nhìn chung, nguyên lí hoạt động chung của stylus trên màn hình cảm ứng điện dung đều dựa trên khả năng dẫn tĩnh điện từ ngón tay người dùng xuống màn hình cảm ứng thông qua đầu bút để thực hiện thao tác. Những bút stylus hiện đại đi kèm với đầu cọ dẫn từ (conductive brush) dùng để vẽ, tô màu các bức tranh từ, vỏ bút có từ tính giúp dễ dàng cất giữ và thậm chí cả kết nối Bluetooth để tăng độ nhạy áp lực.
Hiện nay trên thị trường cũng có nhiều loại bút cảm ứng chất lượng dành cho các thiết bị di động. Bạn có thể dễ dàng chọn cho mình các loại bút với kích thước đầu bút và chất liệu khác nhau.
Sự khác biệt của S-Pen với bút stylus thông thường
Tuy nhiên, cùng là bút nhưng S-Pen được đánh giá vượt trội hơn các loại bút stylus sử dụng trên màn hình cảm ứng rất nhiều.
Thực tế kiểm chứng cho thấy bút S-Pen có độ nhạy cảm ứng lực rất tốt với 1024 cấp độ áp lực khác nhau cho độ chính xác tới 0,5 mm. Quan trọng hơn, khi dùng S-Pen, bạn cũng không cần phải chạm hẳn đầu bút vào màn hình mà có thể tự do di chuyển cách màn vài mm. Tính năng này khá hữu ích và Samsung đã tận dụng nó để tạo ra Air View. Với một con chuột ảo xuất hiện trên màn hình khi đưa chiếc bút gần màn hình, S-Pen giúp người dùng xem trước nội dung email, video, hình ảnh hay S Planner mà không cần phải mở file.
Trong khi đó, một số loại bút cảm ứng điện dung có thể gây trầy hoặc tạo tiếng rít khi tiếp xúc với màn hình trong quá trình sử dụng. Thậm chí một số sản phẩm còn có độ trễ nhất định khiến cho thao tác của người dùng trở nên thiếu liền mạch. Để sử dụng được tính năng cảm ứng lực, các nhà sản xuất bút stylus thường phải trang bị thêm kết nối Bluetooth cho thiết bị. Tuy nhiên, khi hết pin, chúng sẽ trở thành một chiếc bút cảm ứng thông thường và không có khả năng cảm ứng lực nữa.
Theo Genk
Bình luận
Cây bút này hay thật.