Công nghệ là một lĩnh vực rất rộng và đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, và nếu không tìm hiểu kĩ ta sẽ dễ mắc phải một số lầm tưởng làm lãng phí thời gian. Dưới đây là 9 sai lầm khá phổ biến trong thế giới công nghệ và trên Internet.
Lầm tưởng 1: Cấu hình càng cao càng tốt
Desktop Core i7, điện thoại 4 nhân, RAM chục GB... thường hay làm cho chúng ta phải mờ mắt, phải dài cổ chờ đợi và móc ví tiền ra mua... Nhưng liệu chúng có thật sự cần thiết, liệu ta có tận dụng hết nguồn tài nguyên mạnh mẽ nhưng đắt đỏ ấy hay không?
Sự thật là: Những bộ vi xử lí ngày nay có nhiều sức mạnh hơn hầu hết nhu cầu của chúng ta ngày nay. Trừ khi bạn là một game thủ chuyên ép xung (Overclock), một người biên tập muốn vắt kiệt toàn bộ sức mạnh của hệ thống để xử lí multimedia... thì bạn không cần phải quá chú trọng cấu hình của mình phải là mạnh nhất.
Chưa hết, có một xu thế cũng khá phổ biến đó là: chờ máy mới ra rồi mua. Máy mới có màn hình Retina, mạnh hơn, mỏng hơn, đẹp hơn... nhưng khi cái máy đó ra mắt thì cái mới hơn nữa cũng sắp ra mắt luôn. Lúc đó bạn sẽ lại muốn chờ tiếp và kết quả là bạn sẽ chẳng bao giờ mua máy được. Tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay rất nhanh, sản phẩm mới ra liên tục, nếu bạn thích một cái máy nào đó, đáp ứng tốt nhu cầu của mình, có đủ điều kiện tài chính thì tốt hơn hết là bạn nên mua ngay đi.
Lầm tưởng 2: nhạc Lossless nghe hay hơn MP3
Mặc dù bitrate có liên quan rất lớn đến chất lượng âm thanh nhưng nếu không có một đôi tai cực kì tốt và bộ loa cao cấp thì bạn khó lòng mà nhận ra sự khác biệt giữa một bài nhạc lossless và một bài MP3. Việc sưu tầm nhạc lossless tốn rất nhiều thời gian, tốn dung lượng ổ cứng và lại tốn cả thời gian convert sang MP3 chất lượng cao nếu máy bạn không hỗ trợ định dạng này. Các bài nhạc MP3 có bitrate từ 256 Kbps trở lên nghe khá ổn đối với phần đông chúng ta rồi, khắc khe hơn nữa thì có thể chọn 320kbps.
Lầm tưởng 3: dùng Task Killer để Android chạy nhanh hơn
Task Killer dùng để tắt một số tiến trình chạy ngầm trong máy, mục đích là để giải phóng bộ nhớ RAM, tiết kiệm pin và làm cho máy chạy nhanh hơn. Tuy nhiên trên Android thì hoàn toàn ngược lại, việc tắt bớt một số tiến trình có thể khiến máy chạy chậm lại, khởi động ứng dụng lâu và làm máy không ổn định, nguyên nhân là do Android có cấu trúc khác so với các hệ điều hành khác.
Lầm tưởng 4: Jailbreak điện thoại là phạm pháp
Mặc dù jailbreak có thể làm máy bạn mất bảo hành nhưng nói nó phạm pháp là điều hoàn toàn sai. Văn phòng Bản quyền Mỹ đã chính thức lên tiếng rằng jailbreak là hợp pháp, trừ khi bạn dùng phần mềm lậu. Jailbreak một chiếc điện thoại không phải chỉ để cài phần mềm lậu, bạn có thể áp dụng được nhiều thủ thuật trên máy hơn sau khi jailbreak. Đặc biệt đối với iOS thì bạn còn có thêm một kho ứng dụng rất lớn nữa đó là Cydia.
Lầm tưởng 5: dùng máy Mac là khỏi lo vi rút, malware
Nhiều người cho rằng máy tính Mac an toàn hơn Windows, điều này đúng, nhưng nói Mac không bao giờ nhiễm vi rút hay malware là hoàn toàn sai. Một số ý kiến cho rằng vì Mac được xây dựng trên kiến trúc UNIX nên nó khá bảo mật, một số khác nói Mac không phải là mục tiêu lớn của những tay viết vi rút. Dù cho nguyên nhân là gì đi chăng nữa thì Mac vẫn không phải là miễn nhiễm trước vi rút đâu. Điển hình gần đây nhất là vụ 600.000 máy Mac dính botnet Flashback trên toàn cầu.
Lầm tưởng 6: nên mua các gói kéo dài thời gian bảo hành
Ngày nay có khá nhiều hãng đưa ra các gói bảo hành dài hạn dành cho sản phẩm của mình. Sau khi sản phẩm hết bảo hành, bạn có thể mua thêm các gói bảo hành 6 tháng, 1 năm... Tuy nhiên, bạn nên xem kĩ các trường hợp được bảo hành, có thể chúng sẽ không bao gồm tất cả các trường hợp hỏng hóc như bạn nghĩ. Thay vì mua các gói bảo hành đắt đỏ đó thì bạn có thể tự dành ra một số tiền gọi là "tiền tự bảo hành" và xem nó như một khoản tiền chỉ dùng để sửa chữa máy của mình khi bị hư.
Lầm tưởng 7: nên xài cạn pin laptop để xài pin lâu
Có thể bạn từng nghe ai đó nói rằng thỉnh thoảng nên xả cạn pin của laptop để dùng được lâu. Điều này chỉ đúng với những loại pin Nickel cũ. Hầu hết sản phẩm ngày nay đều dùng loại pin Lithium đã khắc phục được nhược điểm đó nên chúng ta không cần phải khổ sở quan tâm đến điều này.
Lầm tưởng 8: mạng Wi-Fi có password là sẽ an toàn
Nhiều người nghĩ rằng mạng Wi-Fi công cộng rất nguy hiểm, tràn ngập các hacker, còn Wi-Fi có bảo vệ bằng mật khẩu sẽ an toàn hơn. Điều này đúng nhưng chưa chính xác. Vì mặc dù các quán ăn và cafe ngày nay đều đặt mật khẩu cho Wi-Fi nhưng ai vào quán đều có thể hỏi pass dễ dàng, như vậy gần như ai cũng có thể truy cập vào mạng Wi-Fi đó là theo dõi những người dùng cùng mạng nếu họ là một hacker.
Lầm tưởng 9: dùng phần mềm PeerBlock để được an toàn trên BitTorrent
Một số người dùng BitTorrent bật tính năng mã hóa và sử dụng phần mềm PeerBlock để không bị người khác theo dõi mình download những gì. Tuy nhiên, nó không thể giúp bạn lướt torrent một cách ẩn danh được. Mã hóa chỉ giúp bạn không bị nhà mạng (ISP) hạn chế tốc độ mà thôi. Nếu muốn ẩn danh thì bạn phải dùng VPN kết hợp Proxy ví dụ như phần mềm BTGuard.
Theo Người Đưa Tin
Bình luận