Hãng bảo mật danh tiếng Dr Web của Nga vừa phát hiện hàng loạt ứng dụng độc hại xuất hiện trên kho ứng dụng Google Play dành cho Android.
Đáng chú ý, những ứng dụng độc hại này có xuất xứ từ Việt Nam và “mạo danh” những ứng dụng “sạch” khác để lừa người dùng.
Theo hãng bảo mật Dr.Web của Nga cho biết hãng vừa phát hiện ra hàng loạt các ứng dụng độc hại trên kho ứng dụng Google Play dành cho thiết bị chạy Android, tất cả đều là các sản phẩm của nhà phát triển ứng dụng AppStore JSC, có nguồn gốc từ Việt Nam. Trong danh sách các ứng dụng do AppStore JSC cung cấp có 2 ứng dụng chuyên về “nội dung người lớn” và một ứng dụng về nghe nhạc trực tuyến.
Tuy nhiên, trên thực tế đây là những ứng dụng giả mạo, sau khi cài đặt vào thiết bị người dùng sẽ tự động bí mật gửi các tin nhắn đến tổng đài có thu phí đã được khai báo từ trước, khiến cho tài khoản trong điện thoại người dùng bị trừ đi mà họ không hề hay biết.
Đáng chú ý trong số các ứng dụng do AppStore JSC cung cấp có một ứng dụng giả mạo ứng dụng nghe nhạc Zing MP3, là ứng dụng khá phổ biến trên các thiết bị di động tại Việt Nam, khiến người dùng cài đặt vào thiết bị mà không hay biết rằng đây chỉ là ứng dụng giả mạo.
Hiện các ứng dụng của AppStore JSC đã bị Google xóa bỏ khỏi Google Play, tuy nhiên vẫn được phát tán thông qua những kho ứng dụng không chính thống.
Theo Dr.Web thì đây là xu thế mới của tin tặc trong việc phát tán mã độc vào thiết bị người dùng.
Các tin tặc sẽ xây dựng các ứng dụng giả mạo các ứng dụng “sạch”, với giao diện, tên gọi và biểu tượng giống hệt các ứng dụng “sạch”. Thậm chí nhiều ứng dụng cũng có chức năng và cách thức hoạt động như bình thường, nhưng được bí mật chèn vào đó những chức năng ẩn mà cho phép tin tặc có thể đánh cắp thông tin người dùng, theo dõi hoạt động của thiết bị hoặc thậm chí trừ tiền tài khoản điện thoại của người dùng như trường hợp kể trên.
Điều đáng lo ngại là bản thân người dùng không hay biết rằng mình đã cài đặt các ứng dụng giả mạo và vẫn tiếp tục sử dụng mà không có sự đề phòng. Còn các ứng dụng giả mạo vẫn tiếp tục được phát tán trên kho ứng dụng Google Play cho đến khi Google phát hiện ra chúng và loại bỏ.
Trên thực tế Google đã được cảnh báo và ghi nhận về sự hiện diện của các ứng dụng độc hại mạo danh các ứng “sạch”, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cách thức khắc phục hiệu quả, ngoại trừ việc quét và xóa bỏ các ứng dụng này ra khỏi Google Play. Tuy nhiên đến thời điểm các ứng dụng đã bị xóa bỏ, số lượng người dùng bị lừa và cài đặt lên thiết bị của mình đã là khá nhiều.
Điều này càng trở nên đáng ngại hơn bởi lẽ ngay cả Google Play, nơi được xem là an toàn nhất để tải và cài đặt các ứng dụng cho Android, cũng đã trở nên thiếu an toàn và không còn tin cậy. Đây là điều mà người dùng Android phải đối mặt và chấp nhận bởi Android là một nền tảng mở và ngay cả kho ứng dụng của nền tảng này cũng theo tiêu chí mở.
Dr.Web ước tính hiện có khoảng 25.000 thiết bị bị ảnh hưởng bởi các ứng dụng giả mạo do AppStore JSC phát tán và chủ yếu là người dùng tại Việt Nam. Dr.Web cũng ước tính khoảng 1.000.000 ứng dụng giả mạo như vậy đang được phân phát rộng rãi trên khắp Internet.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách xem kĩ các nguồn download ứng dụng và xem xét quyền hạn của các ứng dụng trước khi quyết định cài đặt chúng lên thiết bị. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cài đặt các ứng dụng bảo mật để giúp tăng cường độ an toàn cho thiết bị của mình.
Theo Dân Trí
Bình luận
lol VN: "Không hơn được bọn nó thì...phá!"