Với việc mảng ĐTDĐ bị thâu tóm bởi Microsoft, chắc hẳn nhiều người thắc mắc rằng Nokia sẽ kinh doanh gì trong thời gian tới?
Lâu nay, người dùng trên toàn thế giới hầu như chỉ biết đến Nokia như là một nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu, từ những chiếc điện thoại "nồi đồng cối đá"cho tới smartphone. Tuy nhiên ít ai biết rằng, Nokia còn kinh doanh thiết bị mạng, bán bằng sáng chế, chuyển giao công nghệ và dịch vụ bản đồ Nokia Here.
Đầu tiên có thể nhắc đến đó là dịch vụ bản đồ Nokia Here. Đây là dịch vụ được Nokia tung ra cho nhiều HĐH khác nhau trong đó có cả các thiết bị di động của hãng. Bên cạnh đó, đã có một số thông tin cho thấy, có thể Nokia sẽ tung ra một ứng dụng bản đồ cho smartphone, MTB hay các hệ thống định vị cho xe ô tô sau thương vụ bán bộ phận ĐTDĐ với Microsoft hoàn tất.
Hiện tại, theo thỏa thuận, Nokia sẽ cho phép Microsoft sử dụng các sáng chế của mình trong vòng 10 năm tính từ thời điểm thỏa thuận có hiệu lực. Ngược lại, Nokia cũng được quyền sử dụng các bằng sáng chế của Microsoft cho dịch vụ bản đồ Here. Do vậy, sắp tới dịch vụ bản đồ này sẽ mang tới người dùng nhiều tính năng hơn so với hiện tại, có thể "đối đầu" với dịch vụ bản đồ của Google.
Bộ phận thứ hai quen thuộc hơn, đó chính là Nokia Solutions & Networks (NSN). Hiện tại, bộ phận này đang cung cấp các thiết bị mạng viễn thông cho hơn 600 nhà khai thác tại 120 quốc gia khác nhau.
Bộ phận thứ ba với tên gọi Advanced Technologies sẽ phụ trách bán các sáng chế và sở hữu trí tuệ. Trong một cuộc họp vào hôm nay 9/3, CEO tạm quyền Risto Siilasmaa nhấn mạnh rằng sáng chế cũng là một phần quan trọng trong kinh doanh của Nokia. Việc bán bộ phận ĐTDĐ cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều bởi một nửa số sáng chế là của nhóm nghiên cứu của hãng chứ không phải của nhóm nghiên cứu đến từ bộ phận di động.
"Danh mục sáng chế của chúng tôi vẫn sẽ có giá trị to lớn trong tương lai, chúng tôi đang có thế mạnh về điều đó", Risto Siilasmaa cho biết.
Hiện tại, các sáng chế của Nokia đang "phủ" khắp, bao gồm kết nối, cảm biến, vật liệu, công nghệ web và cả điện toán đám mây.
Như vậy mới biết, mất bộ phận ĐTDĐ không phải là mất tất cả đối với Nokia. Nên nhớ hãng đi lên từ một doanh nghiệp giấy (1865), rồi đến sản xuất kinh doanh lốp xe (1898), nhà cung cấp điện (1910), phát thanh (1963) trước khi được biết tới như là một nhà sản xuất ĐTDĐ hàng đầu.
Cũng lưu ý thêm, thương vụ Nokia - Microsoft vẫn chưa hoàn tất công đoạn cuối cùng, và nếu tình huống xấu nhất xảy ra, gã khổng lồ phần mềm phải trả lại cho Nokia một khoản phí 750 triệu USD.
Theo CNET
Bình luận
hi vọng có gì đó thay đổi, dù chỉ là tia hi vọng le lói