Sự phổ biến của các ứng dụng do doanh nghiệp Trung Quốc phát triển, khiến chính phủ Ấn Độ lo ngại về nguy cơ an ninh mạng.

Mối lo lắng của Bộ Nội vụ, Bộ Viễn thông, Đội ứng phó an ninh mạng khẩn cấp Ấn Độ càng tăng cao, khi ứng dụng WeChat và trình duyệt UC Browser – đều của Trung Quốc – đang nằm trong danh sách 10 ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên Google Play.

Trao đổi với tờ Economic Times (ET), một quan chức cho biết, chính phủ đang thảo luận với nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có Bộ Viễn thông, về hoạt động của các nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc cũng như mối đe dọa về bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên, chưa có thông báo chính thức nào được gửi tới các công ty kể trên.

Tháng trước, hãng nghiên cứu thị trường StatCounter thống kê UC Browser đã vượt qua Opera, trở thành trình duyệt di động phổ biến nhất tại Ấn Độ. Trong khi WeChat của công ty Tencent đã có hơn 100 triệu người dùng bên ngoài Trung Quốc, phần lớn đến từ các thị trường smartphone phát triển nhanh như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.

Các hãng công nghệ Trung Quốc không hề xa lại với nhà chức trách Ấn Độ. Trong quá khứ, Ấn Độ từng yêu cầu hai nhà sản xuất thiết bị Huawei và ZTE tiết lộ chi tiết quyền sở hữu, vì lo ngại phần mềm độc hại lắp đặt trên các thiết bị. Nghĩ sĩ Tarun Vijay của Thượng viện Ấn Độ cho rằng, chính phủ phải thực hiện đánh giá các ứng dụng Trung Quốc, vì chúng có thể truy cập dữ liệu cá nhân như tin nhắn của hàng triệu người dùng smartphone Ấn Độ. “Thay vì hoảng sợ, Ấn Độ cần gửi thông điệp tới Trung Quốc: chúng ta đang dõi theo họ”, ông nói.

Ấn Độ là thị trường smartphone phát triển nhanh nhất thế giới với hơn 6 triệu smartphone được bán ra trong 3 tháng đầu năm 2013, theo hãng nghiên cứu IDC. J Satyanarayana, Bộ trưởng Bộ CNTT và Điện tử khẳng định sẽ xem xét kĩ lưỡng các ứng dụng nếu lo ngại gia tăng.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)