Tại buổi Tọa đàm "Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý" do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay (5/9), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, thay vì cấm thì nên tạo một không gian cho các OTT phát triển.

Theo đó, buổi Tọa đàm được Thứ trưởng Lê Nam Thắng chủ trì. Đây là một cuộc tọa đàm "mở" nhằm tìm ra một tiếng nói chung giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động (telco) và các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng trên nền tảng Mobile Internet (OTT). Đồng thời, đề xuất những chính sách quản lí phù hợp nhằm phát triển loại hình dịch vụ mới đang có xu thế phát triển rất mạnh mẽ này, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và người dùng.

OTT khiến nhà mạng thất thu 23 tỉ USD vào năm 2012

Hiện nay, các dịch vụ OTT trở nên hết sức phổ biến với hàng nghìn ứng dụng tiện ích. Những ứng dụng này đã hấp dẫn hàng chục triệu người dùng smartphone tham gia ứng dụng OTT do các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước cung cấp như: Facebook, Google, Viber, WeChat, Kakao Talk, Line, Zalo, Skype. Mặc dù OTT được cung cấp trên nền tảng 3G nhưng các telco lại không thu được phí từ dịch vụ này. Thực tế, dịch vụ thoại và nhắn tin miễn phí trên các ứng dụng OTT đang gây thất thu lớn cho nhà mạng viễn thông.

Theo báo cáo đề dẫn của ông Võ Đăng Thiên - Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam, theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum, năm 2012 dịch vụ SMS và thoại miễn phí đã khiến các nhà mạng viễn thông trên thế giới thất thu 23 tỉ USD.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, mặc dù không thể bóc tách được một cách chính xác, song qua theo dõi, Viettel nhận thấy doanh thu trên các thuê bao 3G sử dụng smartphone có cài đặt các ứng dụng OTT thường giảm khoảng 15% -20% trên 1 thuê bao.

Bà Zin Le - Giám đốc giải pháp của Ericson Việt Nam cho rằng, OTT là một chủ đề được nhiều nước quan tâm sâu sắc trong thời điểm này, OTT đương nhiên làm ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng nhưng nếu các telco và doanh nghiệp OTT nhìn tổng thế và thấu đáo hơn thì sẽ thấy OTT mang lại nhiều lợi ích. Phía Ericson cho rằng các nhà mạng nên coi OTT là cơ hội để tăng doanh thu nếu như các nhà mạng có một mạng lưới thông minh (smart network). Nhờ OTT các nhà mạng có khả năng hiểu được người dùng và đưa ra được những gói cước data phù hợp với mức độ sử dụng của người dùng. Theo kinh nghiệm của Ericson khi phối hợp với một telco ở Indonesia để đưa ra các khói cước data đã giúp cho nhà mạng này tăng trưởng 600% thuê bao data sau 1 năm cung cấp dịch vụ, nhờ đó mà doanh thu đã tăng tới 45% sau 2 năm.

OTT là "cú huých" cho viễn thông tái sinh

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, thực tế những ứng dụng OTT tiện ích do các nhà Google, Yahoo!, Facebook, CNN cung cấp... đã tồn tại từ rất lâu nhưng các nhà mạng không phản ứng. Nhưng khi Viber, Zalo, Skype "đánh" vào mảng thoại, dùng dịch vụ data giá rẻ để cung cấp dịch vụ thoại miễn phí, gây ảnh hưởng lớn đến miếng bánh doanh thu nên các nhà mạng mới phản ứng. Tuy nhiên, Viettel không đánh giá OTT là "nguy hiểm" mà đây là một cuộc cách mạng trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông. Nhờ có OTT các telco sẽ chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ phi thoại. Bức tranh của các telco trong dài hạn chỉ còn 1/3 - 1/4 doanh thu là từ dịch vụ thoại, 1/3 là doanh thu từ data và 1/3 còn lại là doanh thu từ phát triển các dịch vụ mới như mobile banking, mobile payment, điện toán đám mây..

"OTT là thách thức nhưng lại đang tạo ra cơ hội để các nhà mạng thay đổi, tôi coi đây là cơ hội 100 năm nay mới có một lần tái sinh", ông Hùng nói. Các nhà mạng nên coi OTT là cơ hội để thu tiền, với nhiều ứng dụng và dịch vụ hơn. Nhà mạng không nên quá lo lắng vì có hạ tầng, sở hữu CSDL khách hàng lớn, có thể đẩy dịch vụ cơ bản về mặt bằng mới, có thể sáng tạo dịch vụ mới. Nhà mạng có thể tạo ra 70% doanh thu từ các dịch vụ mới và data. Nhà mạng nên học các nhà OTT sự sáng tạo và các ứng dụng phong phú (nhắn tin group, nhắn tin có hình ảnh...).

Cũng theo ông Hùng, thay vì cấm nên tạo một không gian để cho các dịch vụ OTT phát triển, nên đưa OTT vào khuôn khổ để quản lí. Hiện nay, có thể coi OTT là dịch vụ "ba không": Không hợp tác với nhà mạng, không quản lí và không biên giới. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT đang dùng dịch vụ data để cung cấp những dịch vụ cơ bản (SMS và thoại), hành vi này là lấy "miếng bánh chính" của viễn thông cung cấp miễn phí cho người dùng rồi bù chéo bằng quảng cáo. Các doanh nghiệp OTT cũng không đăng kí kinh doanh dịch vụ viễn thông, không tuân thủ quy định về quản lí dịch vụ viễn thông như: phải có giấy phép, phải đảm bảo chất lượng, bị quản lí về giá. Đặc biệt hơn là các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp OTT không biên giới, thu gián tiếp hàng tỉ USD mỗi năm từ quảng cáo đến các thuê bao ở Việt Nam nhưng lại không nộp thuế ở Việt Nam, không tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho rằng, cần có mô hình win - win để phát triển dịch vụ OTT. Thoại trên OTT hay thoại trên GSM đều giống nhau cho nên OTT cũng phải có giấy phép cung cấp dịch vụ thoại, bị quản lí giá bán, quản lí chất lượng cũng như không được phép bù chéo dịch vụ giống như các telco. "Cần phải có sân chơi rõ ràng, nếu không sẽ không có nhà mạng nào muốn đầu tư vào mạng 4G", ông Chiến phát biểu.

Ông Ngô Diên Hi - Giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ của VinaPhone cũng đồng tình với hai ý kiến trên và cho rằng, nhà nước phải có định chế quản lí các dịch vụ OTT cũng như đưa ra các mô hình hợp tác giữa các telco và doanh nghiệp OTT. Bởi nếu không có các giải pháp kĩ thuật kết nối giữa hai bên khi người dùng dịch vụ OTT tăng lên đến hàng chục triệu người, nếu có lỗi kĩ thuật sẽ có ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dùng.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (1)
bogiak4  21

Thực ra bất cứ dịch vụ nào sử dụng nền internet đều có thể gọi là OTT, nhưng chỉ có một số dịch vụ ảnh hưởng đến doanh thu (làm người dùng tối ưu được chi phí) thì mới bị các nhà mạng để ý, tính chuyện

Kính thưa các vị, nếu các vị không giở trò thì sẽ không có lỗi nào đâu ạ. Và tôi nghĩ OTT không cần sự trợ giúp của các vị để phát triển.

Muốn quản lý, kìm kẹp thì nói luôn cho nó rõ.