Thời kì đầu của di động thực sự là “mỏ vàng” cho các nhà mạng di động. Nhiều nhà mạng từng nghĩ rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm khi họ đấu thầu khai thác mạng 3G. Tuy nhiên, khi tiến vào kỉ nguyên di động thứ ba, điều đó hoàn toàn khác.
Câu chuyện bắt đầu bằng chuyến công tác của một doanh nhân Mỹ tới Phần Lan, nơi có biểu tượng Nokia vang bóng một thời, nhất là giai đoạn cuối những năm 90 đến đầu 2000. Doanh nhân này đã không thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán tiền taxi, như ông vẫn từng làm khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua di động Uber, do thiết bị đọc trên xe không có kết nối di động. Trong khi đó, Phần Lan vẫn luôn tự hào bởi họ có khá nhiều các công ty kinh doanh phần mềm di động thành công.
Câu chuyện trên gợi mở cho chúng ta về thực trạng ứng dụng di động cho hoạt động kinh doanh hiện nay. Để dễ hình dung, chúng ta có thể chia các dịch vụ di động thành 3 thời kì:
- Gọi và nhắn tin và các dịch vụ kèm theo.
- Lướt web di động và các ứng dụng/dịch vụ truyền thông.
- Các ứng dụng và nền tảng hỗ trợ bất cứ doanh nghiệp hay công ty nào có thể sử dụng Internet di động cho bán hàng, kinh doanh và quản lí.
Có thể có những cách khác để phân chia nhưng nhìn chung thông qua cách chia này có thể thấy được tầm ảnh hưởng và cơ hội đối với nhiều loại hình doanh nghiệp liên quan.
Thời kì đầu của di động thực sự là “mỏ vàng” cho các nhà mạng di động. Những năm 90 của thế kỉ trước, tần số di động được coi là cánh cửa dẫn tới “núi” tiền. Nhiều nhà mạng từng nghĩ rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm khi họ đấu thầu khai thác mạng 3G. Thế nhưng thị trường luôn thay đổi và các nhà mạng không phải cứ ngồi đó vơ được tiền. Rồi iPhone xuất hiện và nó đã tạo ra nhiều nguồn doanh thu mới. Kể từ đây, chúng ta tiến vào kỉ nguyên ứng dụng, nội dung và kho ứng dụng.
Còn giờ đây, chúng ta đang tiếp cận kỉ nguyên thứ ba của di động. Các dịch vụ taxi như Uber tuy là những ví dụ đơn giản nhưng nó cho thấy cách thức người ta không chỉ đọc hay làm thứ gì đó với di động mà còn là cách thức sử dụng một dịch vụ cụ thể. Chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng vào các ứng dụng doanh nghiệp đủ năng lực xử lí công việc di động, thực hiện nhiều loại hình thanh toán chẳng hạn như thẻ Starbucks hay nhiều dịch vụ khác trong tương lai khi di động được coi là công cụ giải quyết vấn đề. Các loại hình này có thể bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế, định danh người dùng, thanh toán, hay dịch vụ hậu cần xử lí các công việc từ xa.
Tất nhiên không thể trong một sớm một chiều có thể đưa vào vận hành trơn tru các dịch vụ này. Có thể chúng ta đã nghe nói nhiều tới chúng nhưng thực sự việc thực hiện cần được tiến hành từng bước. Đó không đơn giản chỉ là viết và tung ra một phần mềm nào đó hay có thêm dịch vụ Internet di động, quan trọng hơn cần định hình lại cả quy trình và hiệu chỉnh cả các dịch vụ và thiết bị vật lí.
Chúng ta đã từng được chứng kiến việc kinh doanh phát triển ứng dụng di động mang tính chất toàn cầu hơn là một thị trường Internet truyền thống mà Silicon Valley thống trị. Bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết của tác giả Flurry với tiêu đề: "Kỉ nguyên hậu PC: Liệu ngành công nghiệp phần mềm có đang tuột khỏi tay người Mỹ?" Theo đó, người Mỹ đang khá lo lắng về vị thế của họ trong ngành kinh doanh phần mềm di động, trong khi các công ty Phần Lan lại làm rất tốt việc kinh doanh này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách nhìn nhận một chiều về giá trị của di động đối với nền kinh tế.
Kỉ nguyên di động thứ ba đang trở nên khá quan trọng. Nhưng làm thế nào để thực sự có thể ứng dụng di động cho cơ sở hạ tầng và các loại hình kinh doanh giúp chúng hiệu quả hơn và tạo ra những tác động tích cực với nền kinh tế mới là vấn đề cần bàn. Trong báo cáo mang tên “Disruptive Technologies”, công ty tư vấn McKinsey từng dự báo rằng, Internet di động sẽ có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vào năm 2025, mang lại doanh thu khoảng 3,7 – 10,8 nghìn tỉ USD mỗi năm. Và điều này sẽ thực sự giúp thay đổi thế giới này.
Trở lại với câu chuyện taxi ở Phần Lan. Nó nhắc chúng ta một thử thách rằng không dễ có thể “bán” các khái niệm Internet di động cho các doanh nghiệp và doanh nhân truyền thống. Sẽ là không đủ nếu chỉ một nhúm người nào đó viết ra các phần mềm hay ứng dụng hay ho, mà quan trọng ở kỉ nguyên di động thứ ba này là những ứng dụng và phần mềm đó được triển khai như thế nào trong các loại hình kinh doanh và dịch vụ truyền thống.
Có thể có một số doanh nghiệp không hiểu được cách thức ứng dụng di động như thế nào nhưng không phải đơn vị nào cũng như vậy. Kỉ nguyên thứ ba của di động thực sự có thể là một nhân tố làm nên thành công, qua đó khẳng định vị thế của doanh nghiệp, hay nói rộng ra là cả một quốc gia. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về những cơ hội từ việc ứng dụng di động cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.
Bình luận