Phí gọi và nhắn tin sẽ được áp dụng ngang bằng ở tất cả các khung giờ đối với thuê bao trả trước và trả sau. Đây được xem là động thái tăng cước viễn thông sau nhiều năm đua giảm giá.
Cước viễn thông sẽ áp dụng ngang bằng cho các khung giờ trong ngày, trừ các gói đặc biệt như sinh viên, học sinh... vẫn được hưởng ưu đãi theo dịch vụ đã đăng kí.
Đại diện hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone cho biết bắt đầu dừng ưu đãi cước đối với các cuộc gọi vào giờ thấp điểm (từ 23h đến 6h các ngày từ thứ 2 đến thứ 7, cả ngày chủ nhật và ngày lễ) từ ngày 10/9, đối với cả thuê bao trả trước lẫn trả sau. Theo đó, cước cuộc gọi và nhắn tin sẽ được áp dụng theo mức cước cơ bản của các gói dịch vụ (gói cước) cho mọi ngày trong tuần.
Nhà mạng lớn còn lại là Viettel chưa có bình luận gì về việc điều chỉnh này. Tuy nhiên, một nguồn tin từ doanh nghiệp tiết lộ sẽ sớm áp dụng việc tính cước này. Nguồn tin cũng cho biết chính sách này sẽ không ảnh hưởng đến các ưu đãi của những gói đặc biệt như sinh viên, học sinh... "Các thuê bao thuộc diện ưu tiên này vẫn được đăng kí các dịch vụ giảm cước như thường".
Quyết định dừng giảm cước giờ thấp điểm đưa ra theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). "Trên thực tế nhà mạng không được lợi nhiều từ giờ thấp điểm vì thời gian này ít người thực hiện cuộc gọi. Nhưng cước lúc này do ưu đãi 50% nên xuống dưới giá thành quy định của Bộ đưa ra nên phải dừng", nhân viên một nhà mạng cho hay. Theo quy định của Bộ TT&TT, giá cước và dịch vụ đưa ra không được thấp hơn giá thành quy định nhằm giữ vững thị trường, tránh phá giá. Những doanh nghiệp có thị phần không chế như Mobifone, Vinaphone hay Viettel đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định trên.
Từ năm 2008, nhằm khuyến khích các cuộc gọi vào giờ nhàn rỗi, hạn chế nghẽn mạng, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã áp dụng chính sách giảm cước tin nhắn và cuộc gọi thực hiện vào khung giờ thấp điểm. Dù cách tính giờ khác nhau (Mobifone và Vinaphone tính từ 23h đến trước 6h, Viettel từ 23h đến 7h), nhìn chung giá cước không có sự chênh lệch đáng kể do áp dụng chung cho liên lạc phát sinh cước cả nội mạng và ngoại mạng.
Theo thống kê, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao di động (ARPU) đang giảm liên tục do sự có mặt của các dịch vụ nhắn tin gọi điện trên nền Internet (OTT), đe dọa việc kinh doanh của nhà mạng. Tính đến nửa đầu năm nay, Việt Nam có khoảng 136 triệu thuê bao di động với giá trị ARPU là 3,85 USD trên một thuê bao mỗi tháng. Cùng kì năm ngoái ARPU đạt 4,11 USD, thấp hơn đáng kể nếu so với các năm 2007 và 2008 lần lượt là 6,5 USD và 6 USD. Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh), đến năm 2015 ARPU Việt Nam còn khoảng 3,51 USD.
Động thái bỏ ưu đãi giờ thấp điểm, theo nguồn tin từ một doanh nghiệp viễn thông thì cũng là tăng cước viễn thông và thuộc một phần lộ trình đề ra. Ngoài việc điều chỉnh, dừng giảm cước, hai mạng Vinaphone và Mobifone đều cho biết sẽ áp dụng cách tính cước gói dữ liệu mới. Theo đó, tiền dữ liệu hàng tháng của thuê bao sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản chính mà không qua tài khoản khuyến mại như trước. Hồi tháng 4/2013, các nhà mạng cũng tăng nhẹ cước dữ liệu hàng tháng của thuê bao.
Theo VnExpress
Bình luận