Theo Hartmut Esslinger, người đã từng thiết kế dòng máy tính Mac cho Apple, “Quả táo” đã đánh mất nét sáng tạo trong những sản phẩm của họ.
Thương hiệu Apple từ lâu đã được coi như biểu tượng của sự thành công với những bước đột phá, sáng tạo trong những sản phẩm công nghệ. Mặc dù đã chiếm được cảm tình của hàng triệu người hâm mộ trên thế giới, nhưng ngày càng có nhiều cựu nhân viên Apple bày tỏ quan điểm không hài lòng và lo ngại về định hướng phát triển của công ty này trong thời kì hậu Steve Jobs.
Cựu giám đốc của Apple, ông Larry Ellison - hiện đang là CEO của công ty phát triển phần mềm Oracle - cho rằng Apple sẽ thất bại khi không còn Steve Jobs. Trong khi Steve Wozniak – đồng sáng lập Apple – lại chọn cách “bóng gió” hơn khi bày tỏ niềm thích thú với sự mới mẻ của Android và dự đoán hệ điều hành này sẽ sớm vượt qua iOS. Và gần đây nhất là nhà thiết kế Hartmut Esslinger - người đã cùng Jobs thiết kế ra chiếc máy tính Mac đầu tiên - cũng cho rằng Apple không còn là một công ty đi đầu về sáng tạo và đột phá nữa.
Công ty thiết kế Frogdesign của Hartmut Esslinger đã từng là nhà thiết kế hình ảnh toàn cầu cho các sản phẩm của Sony cho đến khi Apple kí một thỏa thuận độc quyền trị giá 1 triệu USD vào năm 1982. Kể từ đó, Esslinger đã cùng Steve Jobs sáng tạo ra một ngôn ngữ thiết riêng, hoàn toàn mới lạ cho các dòng máy tính Mac trong khoảng một thập kỉ.
Vào thập niên 80, ngôn ngữ thiết kế Snow White do Esslinger sáng tạo đã giúp những sản phẩm của Apple trở nên thu hút, khác biệt và hoàn toàn mới lạ so với những sản phẩm công nghệ thời đó. Điển hình như chiếc Apple Snow White 3 hay còn gọi là Macphone được ra đời năm 1984 là sự kết hợp giữa điện thoại bàn, màn hình cảm ứng cùng bút cảm ứng stylus. Hay như chiếc Apple Snow White 1 ra mắt năm 1982 được coi là tiền thân của những tablet iPad ngày nay. Những ý tưởng táo bạo, có phần điên rồ của Esslinger khiến cho những sản phẩm của Apple trở nên đột phá, đặc biệt hơn và cũng là nền tảng cho sự sáng tạo của Apple trong suốt những năm qua.
Có thể nói Esslinger là một trong những người đầu tiên tạo dựng nên thành công ngày nay của Apple. Với những đóng góp cũng như sự hiểu biết về quá trình phát triển của Apple kể từ thuở ban đầu, Esslinger nhận định Apple ngày nay cũng giống như Sony ở những năm 80 của thế kỉ trước. Ông cho rằng Apple đã thay thế sự sáng tạo của Steve Jobs bằng một CEO chỉ biết lo lắng về sự cải tiến sản phẩm và gia tăng lợi nhuận hơn là tìm kiếm những điều mới mẻ cho công ty.
Esslinger cho rằng việc Apple ra mắt iPhone 5c là ví dụ điển hình cho sự thiếu sáng tạo, đột phá mà mục đích chính chỉ đơn giản là tăng lợi nhuận. Với ông, chiếc iPhone 5c là sự tụt hậu trong thiết kế của Apple khi sử dụng phần vỏ nhựa rẻ tiền và lòe loẹt. Đến cả những hãng thường sử dụng chất liệu nhựa như Nokia cũng ngay lập tức lên tiếng chế nhạo sản phẩm này. Với việc ra mắt iPhone 5c chẳng khác nào Apple đang tự thừa nhận rằng họ đã cạn kiệt ý tưởng và sự sáng tạo trong các thiết kế.
Nếu đổi lại là một sản phẩm giá rẻ đúng nghĩa, thì có lẽ iPhone 5c đã chẳng bị chê tơi tả đến thế. Song với cái giá vẫn khá “chát” trong khi tầm đó, người dùng có thể tìm đến các sản phẩm cao cấp của Samsung hay nhiều thương hiệu khác có cấu hình mạnh mẽ.
Esslinger cũng thừa nhận việc đổi mới, sáng tạo là điều không hề dễ dàng, và điều quan trọng đối với một công ty vẫn là lợi nhuận thu được từ việc bán một sản phẩm. Có thể Apple muốn “định nghĩa” lại thế nào là sản phẩm tầm trung, song không thể phủ nhận họ đã đi sau. Và nếu ngủ quá lâu trong sự ì ạch, trì trệ và rập khuôn thì cũng là lúc lợi nhuận sẽ bắt đầu phân rã và rơi rụng dần.
Mặc dù Apple vẫn đạt mức tăng trưởng lớn, song theo ZDNet, những con số đang che giấu sự yếu đuối của Apple. Việc cổ phiếu Apple mất giá ngay sau khi 5c ra mắt trong khi không được người dùng Trung Quốc - thị trường mới nổi tiêu biểu mà Apple đang hướng đến - đón nhận như dự kiến chính là tín hiệu cảnh báo rõ ràng nhất cho trái táo khuyết: Đổi mới giờ chỉ còn là lịch sử, và một chiếc “iPhone” có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu!
Theo Sống Mới/Quartz
Bình luận
Sặc, hi vọng là không phải thế, mà là Apple đang tập trung các sáng tạo mới lên cùng 1 thiết bị mới trong tương lai nào đó để "go all out" giống như HTC đã làm với HTC One.