Google thân thiện dưới cái nhìn của người ngoài.

Mặc dù CEO Larry Page đang kêu gọi các nhà lãnh đạo Google phải nhìn mặt bắt tay nhau để giải quyết bài toán tăng trưởng trong bối cảnh phức tạp hiện tại. Nhưng xem ra "hòa bình" tại Google vẫn còn ở nơi xa lắm.

Nhắc đến Google, cả thế giới sẽ nghĩ ngay đến một thiên đường công sở tươi vui, đầy màu sắc. Nhưng dưới lớp vỏ ngoài hào nhoáng, sau vách tường khuôn viên Google lại là một chảo lửa về sex và đấu đá nội bộ. Người ta ví đây là "trò chơi vương quyền" giữa những nhân vật tai to mặt lớn trong công ty.

Sex ở Google

Trong phim "Trò chơi vương quyền", sex là một phần thường xuyên xuất hiện, đặc biệt ở những con người quyền lực. Nếu kể một cách chân thật về lịch sử Google, không thể không đề cập đến các mối quan hệ giữa những nhân vật nắm quyền và những người khát khao quyền lực.

Douglas Edwards, nhân viên số 59 của Google, trong quyển sách kể về những ngày đầu tại đây có thuật lại:

Chúng tôi có một phòng nghỉ trưa không có cửa sổ. Một hôm, có một nhân viên đi vào và phát hiện hai kĩ sư ở trên giường, đang trong tư thế "xử lí song song".

Google đã không trừng phạt cặp đôi này.

Các mối tình khác tại Google cũng rất nhiều, đa phần không có gì đáng nói, nhưng vẫn có xì-căng-đan. Theo All Things D, đồng sáng lập Sergey Bin sau khi li thân vợ (vốn là em gái một lãnh đạo cao cấp tại Google) liền cặp kè với một nhân viên trẻ. Người này không ai khác lại chính là tình nhân cũ của Giám đốc sản phẩm Android Hugo Barra. Sau sự kiện này không lâu, Barra rời Google để về Xiaomi.

Vài năm trước, báo New York Times có phỏng vấn vợ chủ tịch Eric Schmidt về những đồn đại về thói trăng hoa của chồng. Cô trả lời: "Tôi sống khá độc lập với chồng."

Ngoài ra còn những câu chuyện về các nhân viên cao cấp giao cho trợ lí sắp lịch hẹn hò cho mình, hoặc một nhân viên khác hẹn hò ngay với nhiều nữ trợ lí. Hoặc câu chuyện hai nhân viên Google, đều đã có gia đình, bí mật quan hệ và lén lút có con với nhau...

Nhưng sex không phải là con đường chính để có quyền lực.

Phe phái

Tháng hai năm nay, các quản lí cấp cao của Google đã tụ họp trong hai ngày tại khu nghỉ mát Carneros Inn, California. Trong đoàn có Susan Wojkicki, chịu trách nhiệm kinh doanh quảng cáo; Andy Rubin, giám đốc của Android; Salar Kamangar, CEO Youtube; Sundar Pichai, đứng đầu Google Chrome và Vic Gundotra, "sếp to" của Google Plus...

Tại đây, CEO Larry Page bắt đầu bài phát biểu nhằm một phần để nhắc nhở, một phần để động viên. Page nhắc lại rằng Google đặt tham vọng vô cùng cao, nhưng mục tiêu của công ty - hay của chính ông - sẽ không bao giờ được hoàn thành nếu những người đang có mặt trong căn phòng này không ngừng đấu đá lẫn nhau. Google sẽ có chính sách "không khoan nhượng với đấu đá".

Ảnh
Hành lang ở khu nghỉ mát Carneros Inn, California.

Đúng là vào thời kì đầu, công ty từng yêu cầu các nhà lãnh đạo phải tỏ ra quyết liệt với nhau. Nhưng hồi đó mọi vấn đề còn đang đơn giản như "hàm bậc 1" - Page so sánh, khi ấy Google cần đẩy mạnh thị phần tất cả sản phẩm từ 0% lên mức cạnh tranh để giành chiến thắng. Giờ đây, Google đang đi đầu thế giới trong hầu hết các sản phẩm tham gia cạnh tranh. Công ty phải đối mặt với những vấn đề phức tạp, đa chiều mà Page ví với "hàm bậc 2". Nhiệm vụ của Google là tăng trưởng hàng chục lần, tạo thật nhiều thị trường mới và giải quyết những vấn đề hiện còn mông lung.

Để giải quyết bài toán, Page nói các nhà lãnh đạo Google phải nhìn mặt bắt tay nhau đi là vừa nếu không muốn phải cuốn gói ra đi.

Nhưng một giám đốc tỏ vẻ khá ngạc nhiên vì đấu đá, cạnh tranh là chuyện bình thường vốn có ở Google từ lâu lắm.

Gà nhà bôi mặt đá nhau, có gì đâu mà lạ?

Ngay từ những ngày đầu hợp tác cuối thập kỉ 90, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin luôn chọn ra những quyết định quan trọng nhất sau khi đã tranh luận nảy lửa. Cuốn sách "I'm Feeling Lucky" của Douglas Edwards miêu tả hai vị CEO "sẽ thô lỗ thẳng thừng với nhau, gạt toẹt những ý kiến ngớ ngẩn và chửi nhau là đồ khốn".

Page và Brin còn tuyển dụng và đề bạt những nhân viên có khả năng "tranh luận" theo kiểu này. Trong buổi gặp mặt nhân viên mới, hai CEO sẽ khơi mào một cuộc tranh luận xoay quanh quyết định làm ăn hay sản phẩm. Cả hai ngồi xuống, xem và lắng nghe các lính mới hạ gục lẫn nhau. Khi cuộc tranh luận trở nên lòng vòng, Page chỉ ra người chiến thắng và châm ngòi cuộc chiến mới. Thời gian đó, công ty không có cơ cấu quản lí chính thức.

"Nếu có cấp trên thì người đó rất non tay và chẳng dẫn dắt được ai. Nhân viên ở đây không quen với cái gọi là quyền lực và chẳng thèm tuân thủ. Lực lượng lao động Google rất hăng hái, thừa năng lượng nhưng thiếu quản lý", trích lời kể của một cựu nhân viên.

Thay vì một cơ cấu quản lí bài bản, Google tồn tại hai kiểu phân quyền "ngầm".

Về phần nhân viên: các kĩ sư công ty sẽ nghiêng theo ý kiến của những coder xuất chúng nhất. Ví dụ như Jeff Dean và Urs Hölzle là những người góp phần xây nên phần lớn thành quả công nghệ của Google, kiếm được vô khối tiền bạc và được toàn công ty tín nhiệm.

Về phần các nhà quản lí, họ đánh giá lẫn nhau dựa trên việc ai là người thường xuyên chiến thắng trong mỗi cuộc họp - tranh luận của Brin và Page. Ai thắng nhiều nhất sẽ có được vị trí cao nhất tại công ty, nắm quyền kiểm soát những mảng lớn như tìm kiếm, Youtube, mạng xã hội, di động...

Hình thức họp - tranh luận của Google vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Cứ mỗi sáng thứ hai, cuộc họp lại được Larry Page tổ chức một lần và kéo dài cả ngày. Hình thức này mang lại ba tác động:

Thứ nhất, công ty hoạt động tốt hơn hẳn kể từ khi Page tái nhậm chức trong năm 2011. Năm 2010, cổ phiếu Google tụt giá, nhân viên phát hoảng về giá thực hiện quyền chọn của mình nhưng năm nay lại chạm mức kỉ lục. Hai năm trước trong giai đoạn tiền IPO, Facebook là công ty "hot" nhất tại Valley, còn bây giờ nhà nhà đổ xô về với Google.

Thứ hai, cuộc tranh luận thường kéo dài dai dẳng cho đến tận những buổi họp đánh giá chiến lược, lan sang vận động hành lang lẫn cả "email chiến".

Thứ ba, xích mích cá nhân gia tăng. Khi cần đạt tới quyết định trong công việc, hai cá nhân lại phải đấu khẩu với nhau cả ngày để rồi sau đó nhìn nhau như cái gai trong mắt.

Rồi ai người thắng kẻ thua?

Marissa Mayver vs. Salar Kamangar

Có lẽ trận chiến nổi cộm nhất trong những năm qua phải kể đến Marissa Mayer, giám đốc sản phẩm và tìm kiếm, hiện đang là CEO của Yahoo!, và Salar Kamangar, thành viên tiên phong viết nên bản kế hoạch kinh doanh đầu tiên cho Google, CEO Youtube.

Mayer là một trong những nhà hùng biệt cứng cỏi nhất Google nhờ ba kĩ năng: ghi nhớ được nhiều dữ liệu lớn; nói nhanh; và... nói vừa nhanh vừa lâu. Vì không phản bác được một tiếng nào trong suốt cuộc tranh luận, Kamagar cứ phải phát hỏa và trút hết vào bản báo cáo.

Nhưng Kamangar cũng có sở trường riêng, tỉ như lôi kéo Larry Page và Sergey Brin về phía mình. Trên thực tế Kamagar thắng rõ mồn một. Tuy là CEO Youtube, nhưng tầm ảnh hưởng của anh còn lớn hơn cả chức danh.

Bên cạnh bộ óc phân tích khôn ngoan, con mắt chiến lược sắc sảo, Kamagar còn có một vũ khí bí mật khác là mối quan hệ khăng khí với Larry Page. Mọi lời thì thầm của Kamagar đều đến tai Page. CEO trẻ tuổi này còn chịu khó nâng cao bản thân trong suốt nhiều năm qua bằng cách tìm cho mình một huấn luyện viên toàn diện, đó chính là Shishir Mehrortra.

Chính Kamagar là người đề xuất ý tưởng mua lại Youtube vào năm 2006. Sau đó, khi Youtube chảy máu tiền mặt, Kamagar đã bảo vệ công ty khỏi bị thâu tóm. Cuối cùng, mọi việc cũng đâu vào đấy và Kamagar ghi được thành tích sáng chói.

Vic Gundotra và chiêu "giữ của"

Là giám đốc Google+, Gundotra mài dũa kĩ năng cạnh tranh trong môi trường Microsoft khốc liệt. Lợi thế của Gundora là khả năng tán chuyện, EQ cực cao, biết đồng cảm và nói chuyện với từng kiểu người. Một mánh Gundotra học được từ Microsoft được đồng nghiệp gọi là "liếm bánh giữ của". Cụm từ này xuất phát từ hành động một cậu bé giành lấy hai chiếc bánh và liếm cả hai để không đứa bạn nào của nó dám đụng vào.

Và như vậy, Gundotra cũng chơi trò "liếm bánh" tại Google bằng cách nhồi nhét đủ mọi tính năng, sản phẩm vào bài thuyết trình về Google + ngay từ khi đội ngũ của mình còn chưa đủ khả năng hiện thực hóa. Ứng dụng trò chuyện Google Hangouts đáng ra là sản phẩm của Youtube, nhưng Gundotra đã nhanh chân hơn.

Chiến thắng lẫy lừng nhất của Gundotra nằm ở chỗ: vài năm trước, Google+ chưa ra đời. Bây giờ nó được tích hợp vào mọi sản phẩm của công ty, còn có muốn dùng hay không là... việc của khách hàng.

Sếp Android bước xuống từ "ngai vàng"

Sau vụ sáp nhập năm 2005, Rubin trở thành người của Google và xây dựng nên hệ điều hành Android phổ biến trên toàn thế giới. Andy Rubin thành công vì đã thuyết phục được các "ông lớn" như Samsung sử dụng hệ điều hành. Theo Rubin, để mời gọi được Samsung hay các hãng khác, ông phải thuyết phục họ rằng tại Google, Android hoạt động hoàn toàn độc lập. Bản thân ông cũng bảo vệ sự độc lập đó quyết liệt. Thị phần Android tăng vút, Rubin đạt được mọi thứ mình muốn từ Larry Page.

Rubin không mấy hài lòng với quyền lực của mình. Nếu Kamagar là một kẻ thì thào tai sếp, Gundotra là một người hay chuyện thì Rubin là một tay nóng nảy thích khiêu chiến. Có người nói rằng "Đôi khi đàm phán với Apple còn dễ thở hơn với Android". Dần dần, phong cách hiếu chiến này đã khiến Rubin phải mất nhiều thứ. Sau buổi nói chuyện của Page vài tuần, Rubin đã không còn là nhà điều hành của Android. Ông tuyên bố sẽ tham gia R&D tại Google X nhưng đến nay nhiều người trong công ty đang tự hỏi không biết ông có còn làm việc ở đó hay không.

Để thế chỗ cho Rubin, Page đề bạt một người khác là Sundar Pichai.

Pichai lập công nhờ thuyết phục các nhà sản xuất máy tính cài đặt Google Toolbar, nhờ đó cửa sổ tìm kiếm Google có mặt trên màn hình hàng trăm triệu chiếc máy tính. Pichai là một nhà thỏa thuận với thái độ xây dựng, hợp tác. Pichai lên năm quyền, người ta sẽ được thấy một Google mới bớt "thô bạo" hơn chăng?

Chưa có gì khẳng định "hòa bình" đã quay trở về với Google. Công ty mới chỉ chỉ thay đổi phần nào. Một vài người cho rằng: "Ý của Larry Page khi nói "không khoan nhượng với đấu đá" có nghĩa đừng chạy đua quá đà là được". Liệu cuộc chiến ngai vàng còn tiếp tục tại Google bao lâu nữa? Thời gian sẽ trả lời.

Tổng hợp Trí Thức Trẻ/Business Insider



Bình luận

  • TTCN (0)