Khi Google giới thiệu dự án Project Loon - sử dụng khinh khí cầu mang Internet đến mọi nơi xa xôi trên thế giới, điều mọi người băn khoăn nhất là làm sao hãng này giữ được bóng bay không trôi quá xa và không bị nổ hay xịt hơi.

Khinh khí cầu của Google hoạt động bằng nguồn năng lượng mặt trời và có thể điều khiển từ xa sẽ di chuyển trong gió ở độ cao 20 km so với bề mặt trái đất và kết nối với ăng-ten và trạm tiếp nhận trên mặt đất. Vậy Google làm thế nào duy trì chúng không bị nổ - một vấn đề mà các bóng bay thời tiết thường gặp phải?.

Keith Bonawitz, chuyên gia máy tính tại phòng thí nghiệm Google X Lab, cho hay thời gian tồn tại của một bóng bay thời tiết trong bầu khí quyển rất hạn chế, do đó họ gắn các thiết bị định vị GPS trên khí cầu để thu thập thông tin về các đường di chuyển của gió.

"Chúng tôi gắn cả microphone trong bóng bay và nó rất yên tĩnh khi bay trong bầu khí quyển bởi không có gió mạnh và vì khinh khí cầu duy trì tốc độ bay bằng tốc độ của gió", Bonawitz nói.

Bằng việc phân tích dữ liệu GPS cung cấp, Google điều chỉnh vị trí của khinh khí cầu, như biết khi nào nên tăng hoặc giảm độ cao, từ đó kéo dài thời gian tồn tại. Bonawitz cũng cho biết hiện Google mới triển khai thử nghiệm vài khinh khí cầu, nhưng thời gian tới sẽ có cả một "đội quân bóng bay". Từng khinh khí cầu sẽ luôn dịch chuyển vòng quanh thế giới từ tây sang đông, nhưng vị trí của nó luôn được lấp chỗ trống bởi các khí cầu khác, nên việc kết nối Internet ở từng khu vực luôn được duy trì ổn định.

Project Loon là dự án được Google công bố giữa tháng 6, dùng khinh khí cầu bay vòng quanh trái đất bằng sức gió để cung cấp khả năng truy cập Internet cho 2/3 tổng số người dân trên thế giới và đặc biệt hữu ích với những người ở khu vực hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Trong tháng 7, Google đã thử nghiệm ở New Zealand, một số nơi tại châu Phi và tại Mỹ. Dự án thu hút sự quan tâm rất lớn của giới công nghệ, tuy nhiên, không nhiều người tin rằng ý tưởng có phần "hoang đường" này sẽ thành sự thực.

Theo VnExpress




Bình luận

  • TTCN (0)