Giáo sư Peter Higgs (phải) và giáo sư Francois Englert trong một lần gặp gỡ ở Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu năm 2012. Ảnh: AFP.

Đúng như dự đoán của giới khoa học, Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAS) đã trao giải Nobel vật lí năm 2013 cho hai nhà khoa học đã tiên đoán sự tồn tại của hạt Higgs, được mệnh danh là “hạt của Chúa”.

RSAS tuyên bố giáo sư Peter Higgs (84 tuổi, thuộc ĐH Edinburgh, Scotland) và giáo sư Francois Englert (81 tuổi, thuộc ĐH Libre de Bruxelles, Bỉ) được tôn vinh nhờ “nghiên cứu lí thuyết về nguồn gốc của khối lượng các hạt dưới nguyên tử” vào năm 1964.

Hai nhà khoa học đã tiên đoán sự tồn tại của hạt Higgs, hạt đem lại khối lượng cho vật chất cơ bản. Nhờ ánh sáng dẫn đường của lí thuyết Higgs, Englert, sau nửa thế kỉ hàng nghìn nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã thực hiện thành công thí nghiệm xác nhận sự tồn tại của hạt Higgs vào năm 2012. “Lí thuyết đoạt giải là phần trung tâm trong mô hình chuẩn của vật lí hạt, mô tả cách thế giới được tạo thành - RSAS đánh giá - Theo mô hình chuẩn này, mọi thứ từ những bông hoa, con người tới các hành tinh và ngôi sao đều được tạo thành một vài viên gạch nhỏ: những hạt vật chất”.

Nghiên cứu riêng, ý tưởng vĩ đại chung

“Hạt này bắt nguồn từ một trường vô hình tràn ngập khắp không gian. Kể cả khi vũ trụ tưởng như trống rỗng thì trường này vẫn ở đó. Nếu không có nó chúng ta không thể tồn tại. Bởi nhờ tương tác với trường này mà các hạt cơ bản mới có khối lượng. Lí thuyết của Englert và Higgs đã mô tả quá trình này” - RSAS cho biết.

Nói một cách đơn giản, sau khi vũ trụ hình thành từ vụ nổ lớn, hạt Higgs đã tương tác với các hạt cơ bản như electron và quark, khiến chúng chuyển động chậm lại và tìm thấy khối lượng của mình thông qua tương tác đó. Nếu không có hạt Higgs, electron và quark sẽ không có khối lượng, không thể hình thành vật chất có cấu trúc. Và khi đó các ngôi sao, hành tinh, thiên hà... sẽ không thể ra đời. Ngày 4/7/2012, CERN đã dùng máy gia tốc hạt LHC, cỗ máy lớn nhất và phức tạp nhất mà con người từng sản xuất, để “tóm cổ” hạt Higgs đã lẩn tránh khoa học trong suốt nửa thế kỉ. Công trình vĩ đại của gần 3.000 nhà khoa học đã xác nhận tiên đoán thiên tài của giáo sư Higgs và Englert.

RSAS khẳng định việc tìm ra hạt Higgs sẽ mở ra những nghiên cứu vật lí mới bởi mô hình chuẩn không phải là mảnh ghép cuối cùng để giải mã câu đố lớn là bản chất của vũ trụ. Mục tiêu đầu tiên sẽ là vật chất tối. Trên thực tế, giáo sư Englert và giáo sư Higgs đã nghiên cứu về nguồn gốc khối lượng hạt cơ bản một cách độc lập với nhau. Năm 1964, giáo sư Englert và người đồng nghiệp Robert Brout công bố lí thuyết này và vài tuần sau, đến lượt giáo sư Higgs đưa ra kết quả tương tự. Tuy nhiên, chính giáo sư Higgs là người đề cập trực tiếp đến loại hạt bí ẩn đem lại khối lượng cho các hạt cơ bản. Sau đó, đến lượt các chuyên gia Gerald Guralnik, C. R. Hagen và Tom Kibble công bố báo cáo khoa học với nội dung tương tự. Khi công bố giải Nobel vật lí 2013, RSAS cũng khẳng định giải thưởng này là sự tôn vinh chung đối với tất cả các nhà khoa học đã tiên đoán sự tồn tại “hạt của Chúa” cũng như công trình khám phá của CERN năm 2012.

Ảnh
Giáo sư Peter Higgs (phải) và giáo sư François Englert. Ảnh: Reuters.

“Choáng ngợp” vì vinh dự

Theo AFP, mới đây nhà vật lí hạt Canada Pauline Gagnon đánh giá công trình tìm ra hạt Higgs có ý nghĩa tương tự việc con người hiểu chính xác rằng Trái đất có hình cầu hay sự kiện con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Giám đốc CERN Rolf Heuer cũng cho rằng việc CERN tìm ra hạt Higgs, xác nhận sự chính xác của công trình mà giáo sư Englert và Higgs phát triển, đánh dấu nỗ lực trí tuệ chung của rất nhiều con người trên thế giới.

Giáo sư Higgs sinh tại Newcastle, cha là người Anh, mẹ là người Scotland. Hồi nhỏ ông bị bệnh hen suyễn, gia đình ông thường xuyên di chuyển vì công việc của cha. Do đó, ông không được đến trường và được bố mẹ dạy học ở nhà. Sau đó, cha mẹ ông sống cách xa nhau, ông ở cùng mẹ. Dù còn ít tuổi, giáo sư Higgs khi đó đã rất đam mê khoa học, đặc biệt yêu thích ngành vật lí lượng tử. Nhiều nguồn tin cho biết ông đã nảy ra những ý tưởng ban đầu về công trình nghiên cứu vĩ đại của mình sau một chuyến du ngoạn cuối tuần lỡ dở. Dù vậy, sau này giáo sư Higgs khẳng định trong nghiên cứu khoa học hiếm khi có khoảnh khắc xuất thần kiểu “eureka”.

Còn giáo sư Englert tốt nghiệp ngành kĩ sư cơ khí điện năm 1955 tại ĐH Libre de Bruxelles (ULB). Sau đó ông đến ĐH Cornell làm việc, gặp gỡ và hợp tác với chuyên gia Robert Brout. Cùng nhau, họ đã nghiên cứu và khám phá ra nguồn gốc khối lượng của các hạt. Theo AFP, mới đây ĐH Edinburg dẫn lời giáo sư Higgs tuyên bố ông cảm thấy “choáng ngợp” vì vinh dự này. Còn giáo sư Englert thì tuyên bố một cách đơn giản: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi được nhận giải thưởng này”. Hai nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá 1,25 triệu USD”.

Tập ảnh: Hạt Higgs - hạt của Chúa - là gì? (39 hình)

Theo Tuổi Trẻ




Bình luận

  • TTCN (0)