Việc triển khai IPv6 cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa từ cơ quan quản lí nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp Internet, các nhà sản xuất thiết bị cho tới các doanh nghiệp sản xuất phần mềm và nội dung số.
Đây là điều được Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông (TT&TT) Lê Nam Thắng nhấn mạnh tại cuộc hội thảo Triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phần mềm vừa diễn ra sáng nay, 9/10 tại Hà Nội.
Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động quốc gia IPv6 (2011-2012), các doanh nghiệp Internet (ISP) đều đã sẵn sàng triển khai IPv6. Trong khi đó, mức độ hưởng ứng các hoạt động về IPv6 của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CP) lại chưa thật sự rõ nét.
Theo khảo sát của VNNIC, chỉ mới có 5/27 doanh nghiệp công nghệ thông tin có kế hoạch triển khai và thành lập tổ công tác triển khai IPv6 cho doanh nghiệp mình.
Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là lưu lượng và sự hiện diện của IPv6 ở Việt Nam còn hạn chế mặc dù Việt Nam là một nước triển khai sớm IPv6. Theo số liệu của VNNIC, Việt Nam hiện mới đứng thứ 79/258 về triển khai IPv6.
Thực trạng này càng nhấn mạnh sự quan trọng của tính đồng bộ trong việc triển khai IPv6 giữa các doanh nghiệp Internet, các nhà sản xuất thiết bị cũng như các doanh nghiệp cung cấp phần mềm và nội dung số, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.
Tại hội thảo, đại diện các nhà sản xuất thiết bị, các doanh nghiệp cung cấp nội dung số cũng đưa ra những băn khoăn của mình đối với việc triển khai IPv6. Hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, việc triển khai IPv6 trong sản xuất khiến chi phí đầu ra của các thiết bị cao hơn, trong khi đó, các doanh nghiệp lại gặp phải nhiều khó khăn khi xin ưu đãi phục vụ cho việc triển khai IPv6.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, các chính sách hiện tại của nhà nước đều đã hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai IPv6 từ đầu tư, thuế, tín dụng cho tới chính sách thị trường. Thứ trưởng Thắng cũng khẳng định, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia sẽ sớm có buổi làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ cũng như Bộ Tài Chính để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp về vấn đề chính sách hỗ trợ cho triển khai IPv6.
Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra những băn khoăn về bộ tiêu chuẩn và quy chuẩn chung cho IPv6 tại Việt Nam, bởi lẽ, chưa có bộ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể đưa ra các kế hoạch sản xuất cụ thể được.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề nghị Ban công tác và Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ TT&TT sớm nghiên cứu đưa ra quy chuẩn chung cụ thể về IPv6 cho các thiết bị đầu cuối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị. “Phải làm sao sau năm 2015 các thiết bị được đưa về Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam phải hỗ trợ IPv6”, Thứ trưởng Thắng nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác đào tạo mở rộng tới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, doanh nghiệp cung cấp nội dung số và phần mềm để các doanh nghiệp này có thông tin cụ thể cũng như nắm bắt các kĩ thuật về IPv6.
Theo Vietnamnet
Bình luận