Người dùng có thể truy cập Wi-Fi ở mọi nơi tại TP Đà Nẵng

Phần lớn các quán cà phê, khách sạn, doanh nghiệp, cơ quan… đều trang bị mạng không dây (Wi-Fi). Việc đầu tư mạng Wi-Fi phủ toàn thành phố, thị xã có cần thiết?

Đầu năm 2012, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam; đảo Cô Tô, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và mới đây TP Đà Nẵng, TP Huế đã phủ sóng mạng Wi-Fi công cộng. Có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của xu hướng đầu tư này.

Hai mô hình Wi-Fi khác nhau

Có thể thấy ngay rằng trong số các mạng Wi-Fi kể trên, chỉ mạng của TP Đà Nẵng có chủ đầu tư là UBND TP. Các mạng còn lại do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và các đơn vị trực thuộc đầu tư.

Mục đích và cách thức xây dựng các mạng Wi-Fi này cũng khác nhau. TP Đà Nẵng xây dựng mạng Wi-Fi công cộng như một thành phần của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông tiêu chuẩn quốc tế hoàn chỉnh, gồm: mạng đô thị, hệ thống Wi-Fi, trung tâm dữ liệu, trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng CNTT.

Hệ thống hạ tầng này phục vụ người dân sử dụng các dịch vụ công của cơ quan chính quyền thông qua Dự án Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ (trị giá 13 triệu USD). Ở đây, mạng Wi-Fi đóng vai trò là phần bù của mạng đô thị, phủ kín những nơi mà mạng đô thị chưa vươn tới.

Những mạng Wi-Fi công cộng còn lại là các mạng dịch vụ, kết nối tới cổng internet của nhà cung cấp. Chúng cung cấp dịch vụ kết nối internet cho người dân và du khách.

Được và chưa được

TP Đà Nẵng xây dựng hệ thống Wi-Fi như thành phần hạ tầng của dự án CQĐT, còn VNPT xây dựng theo chiến lược kinh doanh của mình . Vì vậy, tôi cho rằng không nhất thiết đề cập nên hay không nên đầu tư xây dựng “thành phố Wi-Fi” mà hãy chia sẻ về những cái được - chưa được của các mạng này để mang lại giá trị thiết thực cho người dùng và nhà đầu tư.

Trước hết là việc đáp ứng nhu cầu kết nối. Gần như mọi người (đặc biệt là du khách) đều có nhu cầu kết nối internet hằng ngày để trao đổi thư từ, đọc tin tức, tìm kiếm thông tin hay giải trí. Vì thế, Wi-Fi công cộng là hữu ích. Vấn đề cần cân nhắc thêm là khảo sát về nhu cầu sử dụng trên địa bàn để bố trí các trạm phát sóng hợp lí. Thông thường, người ta ít kết nối khi di chuyển nên lắp Wi-Fi trên đường phố chắc không hữu dụng bằng ở các tụ điểm đông người như nhà ga, sân bay, bến cảng, bến xe, siêu thị, công viên…

Mạng Wi-Fi của TP Đà Nẵng kết nối vào mạng đô thị để cung cấp các dịch vụ của CQĐT nên có mức độ bảo mật cao. Những mạng còn lại không đảm bảo mức độ an ninh tương tự. Vì vậy, người sử dụng mạng Wi-Fi công cộng nên thận trọng trước nguy cơ bị mất thông tin cá nhân, nhất là mật khẩu và số tài khoản.

Mạng Wi-Fi ở Đà Nẵng kết nối trực tiếp đến trung tâm dữ liệu, trung tâm thông tin hành chính, cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng. Những nơi đó có sẵn lượng thông tin lớn, phong phú và được cập nhật để phục vụ người truy cập. Các mạng khác gần như không có nội dung hoặc nội dung còn sơ sài. Đây là điểm yếu của các mô hình “thành phố Wi-Fi” vì người dùng chủ yếu vào mạng để tìm kiếm các nội dung thông tin.

Về vấn đề ai sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng chính người dân tại chỗ chứ không phải là du khách. Trong vùng phủ sóng của mạng Wi-Fi công cộng miễn phí, người dùng đủ các thành phần đều có thể truy cập. Như thế sẽ lo nhiều hơn mừng vì trong số những người thường xuyên lướt web sẽ có cả trẻ em và những thành phần có thể gây nguy hại cho xã hội. Rõ ràng khi chưa đạt tới độ cân bằng về dân trí - thu nhập - văn hóa, những hệ lụy đến từ mảng tối trên internet là đáng quan ngại.

Để giải quyết những vấn đề xã hội, nhiều ngành cùng tham gia chắc chắn hiệu quả hơn là một ngành. Bởi thế, khi xây dựng mạng Wi-Fi công cộng phục vụ du khách trên số liệu báo cáo thống kê chính xác của ngành du lịch về mức độ hài lòng của người dùng, có lẽ các dự án phát triển thành phố Wi-Fi sẽ hấp dẫn hơn.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nếu có một nghiên cứu về những yếu tố thúc đẩy mạnh nhất sự phát triển của nước ta thì chắn chắn CNTT đứng hàng đầu. Như thế, mọi nỗ lực hướng đến phổ cập CNTT đều đáng trân trọng. Wi-Fi là phương tiện phổ thông nhất để thực hiện điều đó. Cùng với mạng Wi-Fi, giá trị thông tin là điều mà người dân kì vọng. Hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp theo bước các nhà đầu tư kiến tạo một môi trường thông tin số ngày càng phong phú cho toàn xã hội.

Chú trọng xây dựng nội dung

Nội dung thông tin là yếu tố quan trọng thu hút người dùng truy cập. Xây dựng kho dữ liệu tốt sẽ tạo ra cuộc cách mạng về thông tin số làm thay đổi xã hội. Ở Việt Nam, không thể nói là đã có đầy đủ nội dung. Ngay mảng được xem là sẵn sàng nhất - thông tin hành chính - không phải ở đâu người dân cũng được cung cấp đầy đủ. Những nội dung khác - về kinh tế, văn hóa, giáo dục, hướng dẫn y tế, du lịch… - đang được xây dựng và còn nhiều lúng túng. Thực tế cho thấy không có nhiều chương trình, dự án chuyên về phát triển nội dung.

Theo Người Lao Động

 



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Trong vùng phủ sóng của mạng Wi-Fi công cộng miễn phí, người dùng đủ các thành phần đều có thể truy cập. Như thế sẽ lo nhiều hơn mừng vì trong số những người thường xuyên lướt web sẽ có cả trẻ em và những thành phần có thể gây nguy hại cho xã hội.

Lướt sơ qua thấy dòng này thôi khỏi đọc tiếp. Ngoài ra người ta xây dựng dựa vào ngân sách riêng (của TP), người dân ở đó thấy tốt là được rồi.