Việc các nhà mạng tăng cước 3G khiến đông đảo người dùng đặc biệt chú ý trong mấy ngày qua. Để giải đáp những thắc mắc này, độc giả VietNamNet đang giao lưu trực tuyến với lãnh đạo Bộ TT&TT cùng các nhà mạng.
Những câu hỏi của độc giả xoay quanh vấn đề tăng cước 3G của các nhà mạng: lí do tăng cước, chất lượng dịch vụ, việc tăng cước có vi phạm luật cạnh tranh hay không , về quyền lợi của người dùng,... sẽ được Lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), lãnh đạo các mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel giải đáp trực tiếp.
Ngay từ bây giờ, độc giả đã có thể gửi các câu hỏi về hòm thư[email protected] hoặc gửi phản hồi trực tiếp vào cuối bài viết này.
Các vị khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm:
- Ông Nguyễn Đức Trung - P.Cục Trưởng - Cục Viễn thông
- Bà Nguyễn Phương Hiền - Trưởng phòng Giá cước Khuyến mại - Cục Viễn thông
- Ông Trần Anh Sơn - P.Cục Trưởng Cục Quản lí Cạnh tranh - Bộ Công thương
- Ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh - Tập đoàn Viettel
- Ông Hồ Đức Thắng - P.Giám đốc - Công ty Vinaphone
- Ông Nguyễn Đình Chiến - P. Tổng Giám đốc - Công ty Mobifone.
Mời độc giả tham gia và theo dõi nội dung giao lưu trực tuyến:
Hỏi:
Sở cứ nào để Bộ TT&&TT cho nhà mạng tăng cước 3G? (Độc giả Nguyễn Minh Hiển – Hà Nội)
Trả lời:
Ông Nguyễn Đức Trung- P.Cục Trưởng - Cục Viễn thông:
Trước kia, Bộ TT&TT chỉ yêu cầu các nhà mạng báo cáo giá cước chung chung, không phân biệt 2G hay 3G nhưng về sau Bộ yêu cầu các nhà mạng phải báo cáo giá thành và cách tính cước.
Luật Viễn thông Quy định tại Điều 55 Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38, Luật Giá quy định tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13, ... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: Giá thành, cung cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế (benchmark). Hiện nay các Doanh nghiệp đang bán dưới giá thành (các Doanh nghiệp chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành), thứ 2 là cung cầu trên thị trường, có thể trước đây khác, bây giờ khác khi mà người sử dụng nhiều data hơn, Doanh nghiệp cung chưa đủ và chưa đảm bảo chất lượng, thứ 3 là giá cước data của các nước trong khu vực và quốc tế đều thấp hơn ta trước đây.
- Việc quản lí giá cước theo đúng quy định pháp luật hiện hành, phải đăng kí giá cước và Cục đã chấp thuận.
- Các Doanh nghiệp SMP nếu bán dưới giá thành là cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 4 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP) vì các doanh nghiệp nhỏ sẽ không có khả năng vươn lên được, giá thành họ cao hơn.
- Thiết bị viễn thông hầu hết là của nước ngoài, vì vậy hầu hết chi phí hay giá thành cũng khá tương đương với các nước mặc dù thu nhập của nhân dân còn khó khăn hơn so với các nước.
Hỏi:
Các doanh nghiệp kinh doanh di động là doanh nghiệp nhà nước, thế thì mục tiêu chính hoạt động của các doanh nghiệp này là gì. Tối đa hóa lợi nhuận hay mở rộng phục vụ khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng với chi phí phải chăng và rộng rãi. Theo báo cáo tổng lãi của các doanh nghiệp này trong năm 2012 không hề nhỏ. (Viettel là 27.000 tỉ, VNPT là 8.500 tỷ). Vậy nếu cân bằng giữa hai yếu tố này thì tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu như thế nào là phù hợp cho doanh nghiệp theo mô hình này? (Huy Trương – Sài Gòn)
Trả lời:
Ông Nguyễn Đức Trung- P.Cục Trưởng - Cục Viễn thông:
Nếu xét trên toàn dịch vụ viễn thông thì hiện nay 3 doanh nghiệp điều chỉnh giá đợt này đều kinh doanh có lãi mặc dù lợi nhuận năm 2013 dự kiến sẽ giảm so với năm 2012. Đã là doanh nghiệp thì dù doanh nghiệp nhà nước, liên doanh hay cổ phần là phải kinh doanh và đều đặt mục tiêu có lợi nhuận. Nhà nước sẽ điều tiết để mục tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng dịch vụ với giá hợp lí.
Không phải tất cả doanh nghiệp di động đều là doanh nghiệp nhà nước như bạn hiểu có doanh nghiệp cổ phần, có doanh nghiệp liên doanh như SPT hay Hanoi Telecom.
Tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu chỉ là một trong nhưng tiêu chí doanh nghiệp mong muốn đạt được khi xây dựng phương án kinh doanh. Tỉ lệ này phụ thuộc nhiều vào khả năng của doanh nghiệp và hoàn cảnh thực tế từng thời kì ví dụ lạm phát cao, hay tốc độ biến động công nghệ nhanh thì tỉ lệ này cao ngoài tỉ lệ này còn phải tính lợi nhuận trên chi phí, vốn. Nhà nước không xây dựng tỉ lệ chung lợi nhuận trên doanh thu cho doanh nghiệp nhà nước, đó là quyền của doanh nghiệp.
Hỏi:
Đột nhiên 3 mạng di động cùng lúc tuyên bố tăng cước 3G, liệu đây có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường không ạ? (Huỳnh Ngọc Trác – Sài Gòn) "Truong Quang Thuan" <[email protected]>
Trả lời:
Đại diện MobiFone:
Thực ra MobiFone đăng kí tăng cước 3G bằng văn bản vào ngày 9/8/2013, trong đó đề xuất tăng cước từ ngày 1/9/2013. Tuy nhiên, sau khi có thẩm định, trao đổi và giải trình với Cục Viễn thông, cuối cùng ngày 4/10 chúng tôi nhận được văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông.
Để chuẩn bị cho việc tăng cước, chúng tôi phải làm rất nhiều việc. Chúng tôi phải chuẩn bị hệ thống, chuẩn bị về truyền thông, thông báo cho khách hàng, cập nhật trên web… Phải có thời gian chuẩn bị nhất định.
Cũng như các mạng khác, MobiFone có 2 chu kì tính cước là ngày 1 và 16 hàng tháng, như vậy tương ứng có 2 lựa chọn điều chỉnh cước là ngày 1 và 16/10. Từ ngày nhận văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông đã qua ngày 1/10, nên chúng tôi quyết định chọn ngày 16/10 để tăng cước, khi ấy đã đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị về kĩ thuật, cũng như truyền thông.
Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc - Công ty Vinaphone:
Như đại diện Cục Viễn thông cũng như đại diện Viettel đã phát biểu trước đó, từ cuối tháng 8 chúng tôi đã có văn bản điều chỉnh giá cước và xin tăng từ 15/9. Sau đó Bộ yêu cầu giải trình bổ sung và đầu tháng 10 Vinaphone mới nhận được sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lí.
Thường chu kì tính cước vào đầu tháng, nửa đầu tháng thì giá cước sẽ được tính tròn tháng vào ngày mùng 1, còn nửa đầu chu kì 2 (ngày 16) thì cước sẽ chỉ tính nửa tháng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì chúng tôi chọn ngày 16/10 bắt đầu tăng giá, như thế người dùng sẽ chỉ bị tính nửa chu kì cước của tháng đó.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel:
Trả lời: Thực chất ban đầu Viettel đã xin điều chỉnh giá cước từ ngày mùng 1/10. Viettel nhận được sự cho phép của cục Viễn thông trong thời gian đầu tháng 10.
Chu kỳ tính cước và vận hành hệ thống kỹ thuật thường tính vào ngày đầu tháng hoặc giữa tháng, nhưng văn bản chấp thuận sau ngày mùng 1/10 (cụ thể Viettel nhận được vào ngày mùng 4/10). Vì vậy chúng tôi điều chỉnh cước để áp dụng vào chu kỳ giữa tháng.
Hỏi:
Trao đổi với báo chí ngày hôm qua, ông Hà Hải - trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) - cho rằng với việc chiếm lĩnh 97,3% thị phần, việc tăng giá cước 3G lên 40% của ba nhà mạng có dấu hiệu của sự thỏa thuận tăng giá cước, vi phạm quy định tại điều 11 của Luật cạnh tranh về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Theo ông Hải, Luật cạnh tranh cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. “Nếu đúng như đại diện của nhà mạng cho biết giá dịch vụ 3G trước ngày 16-10 chỉ bằng 50% giá thành thì trong thời gian dài vừa qua nhà mạng đã phạm luật” Vậy cơ quan quản lí nhà nước giải thích về vấn đề này như thế nào? (Minh Thư – HN).
Trả lời:
Ông Trần Anh Sơn, P.Cục Trưởng Cục Quản lí Cạnh tranh- Bộ Công thương:
Như các bạn đã xem phần trả lời của anh Trung, mãi tới cuối năm ngoái, Bộ TT&TT mới ban hành thông tư quy định về giá thành của gói cước. Cho nên như chúng tôi đã thông báo cho các bạn, chúng tôi đang trong quá trình thu thập thông tin cần thiết, căn cứ thông tin nhận được và trao đổi với Bộ TT&TT, chúng tôi mới có thể đưa ra những nhận định của mình.
Hỏi:
Bộ TT&TT chỉ có chức năng quản lí về mặt kĩ thuật chứ không được quản lí về giá. Việc Bộ cho phép tăng giá lần này có phải là trái nguyên tắc hay không?
Trả lời:
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông:
Nguyên tắc quản lí Nhà nước đưa ra là quản lí giá là phi đối xứng, hiểu theo nghĩa tất cả các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế SMP được phép bán trên giá thành. Bộ TT&TT không ấn định giá thành nhưng có ngưỡng để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ, giá bán không được dưới giá thành, còn giá cụ thể do doanh nghiệp đặt ra. Chúng tôi cho rằng như vậy là chúng tôi bảo vệ thị trường. Có những nước để tự do cạnh tranh hoàn toàn và khi đó có sụp đổ thị trường, khi đó, người ta sẽ quay lại quy kết trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lí Nhà nước về viễn thông.
Trong quản lí thị trường có nhiều vấn đề, trong đó có quản lí về giá. Nhiệm vụ của chúng tôi không để cho thị trường tự chỉ thông qua cạnh tranh mà phải có luật. Không chỉ riêng ngành viễn thông mà các ngành khác chắc cũng có vấn đề giá. Điều đặc thù của ngành viễn thông là tham gia cam kết quốc tế, theo đó, Cục Viễn thông phải tham gia quản lí giá thành. Các nước cũng như tiến hành như vậy. Nếu không làm như vậy thì dẫn đến tình trạng thế nào? Nếu các DN được phép bán dưới giá thành thì doanh nghiệp mới tham gia thị trường không có cơ hội tham gia thị trường này. Theo quy định, những doanh nghiệp mới tham gia thị trường được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành, đó là điều thuận lợi cho các doanh nghiệp mới. Quy định như vậy để DN chiếm thị phần khống chế không được phép chèn ép DN mới tham gia thị trường.
Hỏi:
Tăng cước 3G có phải là để hạn chế dịch vụ OTT hay không? (Báo Người Lao động– Hà Nội) và nhiều khách hàng
Trả lời:
Trước đây dịch vụ truy nhập internet trên mạng di động cạnh tranh với dịch vụ truy nhập internet qua mạng cố định nên các doanh nghiệp đã ban hành các gói có giá cước rất thấp để thu hút khách hàng. Với giá cước truy nhập internet thấp là môi trường thuận lợi cho dịch vụ OTT phát triển đã càng làm cho doanh nghiệp di động kinh doanh càng khó khăn. Doanh nghiệp không thu thêm được giá cước khi khách hàng sử dụng dịch vụ OTT, trong khi lưu lượng sử dụng dịch vụ truy nhập tăng cao gây tắc nghẽn mạng truy nhập đó là chưa kể 1 lượng không nhỏ lưu lượng thoại bị chuyển sang dịch vụ OTT làm cho doanh thu của doanh nghiệp càng sụt giảm.
Điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ truy nhập internet của di động chỉ để doanh nghiệp thu lại đúng hơn phí bỏ ra, tiến tới việc đảm bảo cung cấp dịch vụ không dưới giá thành. Dịch vụ sử dụng mạng của di động sẽ phải trả đầy đủ chi phí cho nhà mạng đầu tư đây không phải là hạn chế dịch vụ OTT.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel:
Viettel không phải gói cước nào cũng tăng giá, như gói MI10 đang giảm 40%. Bản thân Viettel cũng có những đề xuất riêng về quản lý OTT gửi Bộ TT&TT. Chúng tôi khẳng định việc điều chỉnh cước 3G không liên quan đến OTT do việc sử dụng OTT tiêu tốn dung lượng data rất ít.
Hỏi:
Nhà mạng tăng cước 3G nhưng vấn đề chất lượng khách hàng luôn quan tâm. Tăng cước nhưng không có bất kì cam kết chất lượng nào? (Độc giả Thanh Nga – Hà Tĩnh).
Độc giả có nick Facebook Ếch Xanh cũng phản ánh: Chất lượng 3G hiện quá kém, đi ngoại tỉnh nhiều lúc phát khùng với mạng mẽo. Vậy nhà mạng có cam kết gì về chất lượng dịch vụ 3G sau khi tăng cước hay không?
Trả lời:
Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc - Công ty Vinaphone:
Cảm ơn độc giả đã đặt câu hỏi này và chúng tôi rất đồng cảm với các khách hàng khi đã bỏ tiền ra mua dịch vụ thì bao giờ cũng muốn dịch vụ được cung cấp là tốt nhất, tương xứng với giá tiền đã chi trả. Cũng như các nhà mạng Viettel, MobiFone, sau khi được cấp phép cung cấp dịch vụ 3G thì Vinaphone đã có cam kết xây dựng dịch vụ theo lộ trình. Sau 3 năm cung cấp dịch vụ này thì Vinaphone đều thực hiện đúng cam kết Bộ đưa ra. Hàng năm Bộ cũng có đợt kiểm tra, đo kiểm tại khu vực Bộ chỉ định và Vinaphone đều đảm bảo chất lượng cung cấp, thậm chí còn cao hơn chất lượng của Bộ quy định.
Tuy nhiên, khi xây dựng mạng thì phải theo lộ trình chứ trong một thời điểm không thể một lúc có thể xây dựng mạng hoàn chỉnh ngay, vừa xây dựng vừa tìm hiểu kĩ thuật để tối ưu hóa mạng lưới; điều chỉnh trạm phát sóng để phù hợp nhu cầu người dân. Trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới như vậy cũng có nơi, thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu khách hàng, các nhà mạng phải cố gắng.
Chúng tôi hiểu là nhu cầu của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngày càng tăng, do đó nhà mạng đã và đang hết sức cố gắng để tăng chất lượng dịch vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong độc giả có sự chia sẻ với nhà mạng. Nếu chúng tôi đầu tư mạng không có hiệu quả đầu tư thì khó có điều kiện nâng cao chất lượng lưới, tái đầu tư mạng lưới. Vừa rồi Vinaphone xin điều chỉnh tăng giá cước theo gói cũng là để nâng cao chất lượng mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Đại diện MobiFone:
Cảm ơn độc giả đã quan tâm. Về câu hỏi này, tôi xin trả lời, MobiFone là mạng luôn cam kết có chất lượng tốt nhất, và cũng được người tiêu dùng đánh giá là mạng có chất lượng tốt nhất so với các mạng khác cả về mạng 2G, 3G.
Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng tốt nhất cho khách hàng khi có thể. Cũng như Viettel, so với cam kết ban đầu khi xin giấy phép, chúng tôi đã tăng số trạm phát sóng lên 4, 5 lần.
Về chất lượng trạm, chúng ta có 2 câu chuyện để nói là: Vùng phủ sóng và chất lượng sóng tại trung tâm các thành phố lớn. Về vùng phủ sóng, năm 2013 chúng tôi tăng 3000 trạm và đến 2014, dự kiến xây dựng lên 4000 trạm.
Thứ hai là chất lượng sóng trong thành phố, chúng tôi liên tục đo kiểm để tối ưu hóa mạng lưới. Sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ nâng cấp tất cả các trạm lên tốc độ 21Mbps, cao hơn rất nhiều so với tốc độ cam kết trước đây trong giấy phép (7,2Mbps).
Đồng thời chúng tôi dự kiến lắp thêm 1000 trạm micro cell, small cell đảm bảo phủ vùng lõm trong thành phố vì đây là khu vực nhà cửa nhiều, nhiều khi bị mất sóng.
Việc mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng sóng trong thành phố để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Đó là vài con số chúng tôi muốn chia sẻ với độc giả.
Khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Mong bạn đọc hiểu, thông cảm và chia sẻ với các nhà mạng.
Hỏi:
Tôi muốn hỏi là tại sao khi hết lưu lượng tốc độ cao nhà mạng lại hạ băng thông xuống còn 4 KB/s (32 kbps) mà không phải là con số khác, tôi thấy tốc độ này là quá chậm để lướt web hay check mail đc. (Tuấn Phong - [email protected]). Tốc độ 3G ngoài gói chỉ có 32 K quá thấp không dùng được gì, vì sao?
Đại diện MobiFone:
Có lẽ chúng ta nên quay lại câu chuyện nguyên tắc của việc xây dựng giá, đó là không được bán dưới giá thành. Đấy là lí do tại sao về cơ bản, các gói cước không giới hạn trên thế giới các nước đã bỏ gần hết như: Tiên phong là Mỹ 2 năm đã bỏ, tiếp theo là các nước châu Âu, các nước châu Á xung quanh chúng ta không còn gói cước không giới hạn vì lí do là tài nguyên vô tuyến của chúng ta hữu hạn.
Việc thứ 2, khi cung cấp xây dựng giá cước phải đảm bảo không được dưới giá thành, khi băng thông trước đây để tốc độ cao có sự khác nhau về lưu lượng sử dụng, có khách hàng dùng rất nhiều, có khách hàng lại dùng rất ít, điều này không đảm bảo công bằng giữa các khách hàng.
Trước đây, trong quá trình làm việc, Cục Viễn thông yêu cầu phải tính toán, giải trình và khuyến nghị chúng tôi là bỏ gói cước không giới hạn. Tuy nhiên, khi dùng smartphone việc kiểm soát chi phí sử dụng 3G rất quan trọng với khách hàng. Khi người dùng không để ý, máy tự động cập nhật phần mềm, và có thể phát sinh lưu lượng lớn.
Do đó, chúng tôi đã thuyết phục Bộ TT&TT và Cục Viễn thông cho duy trì gói cước không giới hạn nhằm giúp khách hàng kiểm soát chi phí sử dụng 3G, tất nhiên chúng tôi phải đảm bảo kiểm soát lưu lượng phát sinh sau khi hạ băng thông không quá nhiều.
Theo Vietnamnet
Bình luận
haizz
Các ông trả lời lan man quá,chả ăn nhập gì với câu hỏi. Trả lời dài lòng thòng chả hiểu cái gì