Người điện tử Frank đầu tiên trên thế giới có tim, hệ tuần hoàn nhân tạo - Ảnh: Daily Mail.

Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Zurich, Thụy Sĩ vừa trình làng sản phẩm người điện tử đầu tiên trên thế giới có tim, hệ tuần hoàn nhân tạo và có thể thực hiện những chức năng đi bộ, nói chuyện.

Người điện tử Frank cao 2 mét, được tạo thành từ các cơ quan nội tạng, máu, chân tay nhân tạo. Nhờ sự hỗ trợ của máy di chuyển Rex, Frank có thể đứng, ngồi và đi. Ngoài ra, Frank có trái tim nhân tạo hoạt động nhờ sử dụng một máy bơm điện tử, đập và luân chuyển máu nhân tạo chứa oxy như máu người.

Frank được trang bị khoảng 200 bộ xử lí, thông qua 70 bảng mạch và 26 động cơ riêng lẻ. Da của nó được bao phủ hơn một triệu bộ cảm biến, giúp Frank có thể nhận biết va chạm hay sự thay đổi nhiệt độ.

Khuôn mặt của Frank được làm từ silicon có hình dạng được mô phỏng giống khuôn mặt tiến sĩ tâm lí xã hội học Bertolt Meyer, thuộc nhóm nghiên cứu Đại học Zurich, Thụy Sĩ.

Mặc dù vậy, người điện tử vẫn thiếu một số bộ phận trọng yếu của một người bằng xương bằng thịt như: không có hệ tiêu hóa, gan, đặc biệt là bộ não. Frank có thể đi bộ, trò chuyện và trả lời các câu hỏi thông qua sự điều khiển của một máy tính kết nối Bluetooth. Các nhà khoa học phải tốn khoảng 1 triệu USD để tạo ra Frank.

Frank là sản phẩm minh chứng rõ ràng nhất về trình độ công nghệ điện tử - sinh học của chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây.

Theo Tuổi Trẻ Online



Bình luận

  • TTCN (0)