Liên tục tung ra những điện thoại multimedia mới, Samsung và LG chiếm phần lớn thị phần trên thị trường di động của Mỹ và các nước đang phát triển.
Dù Motorola đang phải vật lộn với đà trượt dốc không phanh nhưng Nokia không phải là đối thủ duy nhất khiến hãng sản xuất điện thoại một thời là biểu tượng của Mỹ đau đầu. Lo ngại trước mắt hiện nay của Nokia không đến từ Phần Lan mà từ đến từ Hàn Quốc. Năm ngoái, Samsung đã vượt mặt Motorola trở thành hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 2 trên thế giới.
Và hiện tại LG Electronics là “cơn ác mộng” thứ hai đang ập đến quật ngã Motorola, theo công ty phân tích thị trường Strategy Analytics.
Không giống như Nokia - vốn không thành công trên đất Mỹ, các hãng sản xuất điện thoại Hàn Quốc rất “được lòng” tại quê nhà của Motorola.
LG đè bẹp Sony Ericsson
Ngược lại với Nokia, số điện thoại mà Samsung và LG bán được ngang ngửa với Motorola. Trong khi hình ảnh Motorola ngày càng sụp đổ tại các thị trường ngoài Mỹ thì các “đại gia” Hàn Quốc dần chiếm được thị phần tại các nước phát triển và mới nổi nhờ những mẫu điện thoại thời trang sở hữu màn hình cảm ứng (touchscreen) và các tính năng đa phương tiện.
Thực tế, không chỉ riêng Motorola tỏ ra e ngại với các tên tuổi đến từ Hàn Quốc. Mặc dù, Nokia vẫn thống lĩnh thị trường ĐTDĐ với 40,9% thị phần di động toàn cầu nhưng Samsung đang dần thu hẹp khoảng cách với “ông vua” của Phần Lan. Trong khi đó, LG – cách đây 1 năm vẫn chỉ được xem là hãng sản xuất điện thoại cấp hai, thì năm nay đã nhảy cóc qua cả Sony Ericsson, trở thành hãng điện thoại lớn thứ 4 trên thế giới. Hai “anh em” người Hàn Quốc này cũng đang có lợi thế cạnh tranh với Apple cùng “quả bom tấn” iPhone. “Nếu 2007 là năm của các nhà sản xuất đến từ châu Âu, thì theo như triển vọng của LG và Samsung, 2008 sẽ là năm của những hãng xứ sở kim chi”.
Các nhà phân tích cũng nhận thấy LG và Samsung đã tỏ ra vượt trội trong 3 tháng đầu năm nay. Trong quý đầu tiên này, trong khi toàn ngành di động tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái thì LG đạt tốc độ 54%, xuất xưởng 24,4 triệu điện thoại; còn Samsung tăng 33% với sản lượng 46,3 triệu chiếc.
Cả hai hãng được hưởng lợi nhất từ điểm yếu của Motorola. Sản lượng Motorola đã giảm 40%, xuống còn 27,4 triệu chiếc.
Qua rồi thời trông chờ sản phẩm “đinh”
Việc Samsung và LG tung ra những điện thoại thời trang kết hợp với những công nghệ tân tiến nhất đã đẩy thời các hãng trông chờ sản phẩm “đinh” để tăng doanh số. Samsung lên kế hoạch sẽ ra mắt 30 điện thoại multimedia mới trong quý II năm nay, trong đó có một số model có màn hình cảm ứng với khả năng cảm nhận xúc giác.
“Đã qua rồi những ngày ngồi chờ đợi “quả bom tấn” tăng doanh số trên toàn cầu”, Michael Min, một chuyên gia công nghệ của quỹ quản lý vốn Tempis Capital Management có trụ sở ở Seoul, nhận định. “Có lẽ không ai có thể làm tốt hơn Samsung và LG trong việc bắt tay với các nhà phân phối để mang những sản phẩm đến với từng phân đoạn thị trường”.
Trong 2 năm qua, LG đã làm sôi động thị trường di động với những dòng điện thoại sáng tạo, như Chocolate, Shine, Prada... - là những model màn hình cảm ứng cạnh tranh với iPhone của Apple. Tuần trước, LG mới khiến giới công nghệ phát sốt với điện thoại “Secret”, được làm từ sợi carbon và vỏ kính chống xước chịu lực tốt - điện thoại đầu tiên trên thế giới có khả năng này. Ngoài thiết kế độc đáo, Secret còn có camera 5 megapixel, phần mềm Movie Maker cho phép người dùng biên tập các đoạn video thú vị.
Những sản phẩm bắt máy này đã giúp LG chiếm được không ít thị phần di động và tăng doanh thu. Lợi nhuận hoạt động trong quý I vừa qua của bộ phận di động của LG đã tăng gấp 4 lần, đạt 444 triệu USD với doanh thu đạt 3,2 tỷ USD - tăng 36%. Vì thế, rất dễ hiểu cổ phiếu của LG đã tăng 56% trong năm nay - là thương hiệu hoạt động tốt nhất trong số 5 hãng điện thoại hàng đầu thế giới.
Tăng trưởng từ làn sóng iPhone
Cả LG và Samsung đều hiểu sức hút từ giao diện toucshcreen và các tính năng đa phương tiện của iPhone. Và chính hai “anh em” này đã ít nhiều “ăn theo” từ “quả bom tấn” đến từ Mỹ này.
Nhà phân tích viễn thông Tina Teng của công ty iSuppli cho rằng iPhone đắt đỏ và sự kiên quyết không thay đổi hình thức phân phối của Apple sẽ không giúp hãng này chiếm được nhiều thị phần mặc dù ai cũng hiểu chỉnh iPhone đã có ảnh hưởng lớn trong việc tạo ra một trào lưu mới cho thị trường di động. Thị phần di động của Apple đã giảm xuống 0,6% trong quý I năm nay so với 0,7% của quý trước đó.
Trong khi iPhone luôn là tâm điểm của các bài báo thì các nhà phân tích lại cho rằng các hãng sản xuất điện thoại khác cùng những thiết bị có tính năng tương tự nhưng giá rẻ hơn sẽ được hưởng lợi. Nói cách khác, đó là các thương hiệu của Hàn Quốc. “Chắc chắn Samsung và LG đã phản xạ nhanh trong trào lưu này”, ông Teng nhấn mạnh.
Theo David Steel, Phó chủ tịch marketing của Samsung, thú nhận, Apple đã mở ra một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi có thể bắt tay với các đối tác tại Mỹ”.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu Samsung và Lg có tiếp tục tăng sức ảnh hưởng của nó đến các thị trường mới nổi nhưng phát triển mạnh mẽ - đó là những thị trường Nokia đang chiếm giữ? LG đang bắt đầu tiến vào những thị trường này. Trong 18 tháng qua, Samsung đã thành công trong con được chinh phục Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và các nước đang phát triển với sản lượng tăng 59% (năm nay) so với 39% của cách đây 2 năm. Trong quý đầu năm nay, những thị trường mới nổi này tiêu thụ 45% trong số 46,3 triệu điện thoại của Samsung.
Trở ngại lớn của Motorola
“Chúng tôi hoàn toàn lạc quan với chiến lược của mình”, ông Steel chia sẻ. Ông này chỉ dẫn năm ngoái, trong khi toàn ngành di động tăng trưởng 12% thì Samsung phát triển 42% về doanh số. “Một lần nữa, trong năm nay, mục tiêu chúng tôi là sẽ tăng gấp 3 lần so với mức tăng trưởng của ngành là 9%”.
Khả năng tăng trưởng như trên sẽ tạo ra trở ngại lớn cho Motorola và Sony Ericsson.
Theo Dân trí/BusinessWeek
Bình luận