Khi màn hình phẳng truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường điện thoại thông minh hiện nay, thì màn hình cong có tạo được chỗ đứng nhờ vào sự hậu thuẫn từ LG và Samsung?
Đầu tháng 10, Samsung công bố Galaxy Round – chiếc điện thoại mang thiết kế khác biệt với màn hình cong. Sản phẩm này ra mắt chưa được bao lâu thì đã nhanh chóng tìm được “bạn đồng hành” khi LG trình làng G FLex. G Flex có thiết kế cong chạy dọc theo thân máy. Thiết bị có độ cong nhỉnh hơn Galaxy Round một chút.
Hai thiết bị này hiện chỉ dành cho thị trường Hàn Quốc và chưa có dấu hiệu mở rộng ra các nước khác. Màn hình cong được coi như một mánh lới của 2 hãng điện thoại này trong việc tiếp thị hình ảnh của mình tới khách hàng.
Do có độ cong khá rõ nên sẽ rất khó để người dùng có thể đặt vừa G Flex trong túi quần, trừ khi dùng đến chân đế và đặt nó nằm ngang. “Thích hợp cho những người có khuôn mặt nhỏ” là “chiêu bài” mà LG đã dùng để tiếp thị cho sản phẩm này. So với Galaxy Round thì G Flex có vẻ nổi bật và tạo được sự khác biệt hẳn so với hầu hết các dòng điện thoại thông minh khác.
“Hai sản phẩm trên đều mang đến những điều khác biệt, nhưng để đến tay người tiêu dùng thì khác biệt liệu đã đủ?”, Matthew Cockerill, Giám đốc thiết kế của Seymourpowell, người có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế sản phẩm và thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm TV OLED và màn hình, TV của Samsung cho biết.
"Nó không mang lại lợi ích to lớn cho người dùng", Simon Lamason, người đã từng dành hơn một thập kỉ làm việc cho Nokia và Philips. Ông hiện đang phụ trách mảng thiết kế sản phẩm cao cấp của PDD (công ty chuyên tư vấn đổi mới thiết kế dịch vụ và sản phẩm), khẳng định.
Việc LG và Samsung cùng tung ra dòng điện thoại có màn hình cong không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên hay một bất ngờ lớn. Cả hai từ lâu đã dồn sức đầu tư vào màn hình công nghệ cao OLED, thường được sử dụng trong các dòng điện thoại thông minh của Samsung, LG, Motorola, và một số thương hiệu khác. Để có được quá trình phát triển từ kiểu màn hình thường, cho đến công nghệ OLED như hiện nay, nhiều hãng đã lên kế hoạch nghiên cứu và sản xuất trong nhiều năm. LG và Samsung là hai công ty đã nhanh tay hơn.
Màn hình cong chưa đủ “lực” để tự khẳng định mình
"Nếu nhìn vào những gì điện thoại thông minh hiện nay đang có và đã làm được, bạn sẽ thấy nó thật sự biến đổi tích cực”, Cockerill nói. "Tôi không tìm ra được lí do nào để có thể chuyển từ màn hình phẳng sang màn hình cong. Hiện nó vẫn chỉ là một công nghệ mới đang được áp dụng ở một số loại sản phẩm nhất định, mà ví dụ điển hình là đồng hồ thông minh".
Mặc dù chưa tin tưởng lắm vào thế hệ đầu tiên của điện thoại thông minh sở hữu màn hình cong, nhưng Lamason và Cockerill đều đồng ý rằng công nghệ này đã làm được nhiều điều. Đầu tiên là ở lĩnh vực truyền hình, trong cùng một không gian nhất định, nhưng bạn có thể sử dụng một màn hình cong có kích thước lớn hơn một màn hình phẳng. Tuy nhiên, khi ngồi ở vị trí đối diện, màn hình phẳng lại cho phản xạ tốt hơn. Do đó, thiết kế cong cũng chỉ đơn giản là làm cho các điện thoại này trông lớn vì chúng chiếm nhiều không gian hơn.
Về mặt thiết kế, điện thoại thông minh sử dụng màn hình cong không có bất kì điểm yếu nào. Thế nhưng, tổng thể của nó lại quá “an toàn” và không quá đặc biệt để người dùng thật sự chú ý. Theo báo cáo của Raymond M. Soneira, chủ tịch Tập đoàn Công nghệ DisplayMate, hầu hết người dùng muốn chuyển đổi từ màn hình thường sang công nghệ OLED đều không quan tâm đến khái niệm “màn hình cong”. LG và Samsung có thể chỉ đưa chất liệu nhựa vào trong màn hình phẳng truyền thống. Vì vậy, công nghệ màn hình OLED có thể uốn cong vẫn còn cần nhiều cải tiến, hay làm một cái gì để nó trở nên đặc biệt và thu hút được người dùng.
Điện thoại thông minh có thật sự cần màn hình cong?
Nếu mượn lại câu nói của Tim Cook khi nhận định về Apple TV và áp dụng trong trường hợp này, có thể thấy đồng hồ thông minh hiện đang là “một khu vực được quan tâm đặc biệt” của các hãng công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Người dùng đã có lúc “bội thực” với rất nhiều tin đồn về các sản phẩm mới của dòng này. Lamason tin thiết kế màn hình cong phù hợp với đồng hồ thông minh hơn các thiết bị di động khác. Ông cho biết thêm công nghệ màn hình này có thể "ứng dụng cho đồ trang sức và các thiết bị giám sát".
Các sản phẩm như Fuelband Nike và Fitbit Force có thể được xếp vào danh sách những thiết bị có màn hình linh hoạt. Người dùng có thể tương tác với nhiều màn hình chủ hơn chỉ với các thao tác xung quanh cổ tay của mình. Mỗi màn hình chủ sẽ hiển thị những nội dung khác nhau. Cả hai nhà thiết kế đều bày tỏ hi vọng về khả năng gập lại, hiển thị theo chế độ cuộn và một số tính năng để có thể khiến người dùng tìm mua sản phẩm này.
Nhiều thập kỉ cho một công nghệ tiềm năng
Thiết kế sản phẩm với “một màn cong và linh hoạt" đã trở thành một kế hoạch chiến lược được giới công nghệ mơ ước trong nhiều thập kỉ qua. Chỉ cần tìm kiếm trên Google, người dùng sẽ bắt gặp rất nhiều kết quả có nội dung liên quan đến công nghệ này. Bây giờ công nghệ đó đã được định hình, Cockerill cho rằng thay vì tìm ra nhiều công nghệ mới hơn nữa, các công ty và các nhà thiết kế có thể tập trung vào những lợi ích mà các sản phẩm sử dụng màn hình cong và linh hoạt này mang đến cho người dùng trong tương lai.
Cockerill chỉ ra tầm quan trọng của màn hình cong và linh hoạt trong việc thiết kế sản phẩm. "Xét về lĩnh vực kiến trúc, 50 năm trước đây, loại kính duy nhất mà các kiến trúc sư có thể sử dụng cũng chỉ là các loại có mặt phẳng. Một khi chúng ta có loại kính cong hay tạo ra thủy tinh từ nhiều hợp chất khác nhau, nó sẽ cho phép các nhà thiết kế tự do hơn khi hình thành ý tưởng và biến đổi nó theo nhiều hướng khác nhau”.
Trong 50 năm qua, có thể thấy việc phát triển công nghệ màn hình và dẻo cho thiết kế sản phẩm đã trở thành một mục tiêu lâu dài. “Cong và linh hoạt là những tính chất rất độc đáo và nhiều tiềm năng. Tiềm năng không chỉ chứa đựng trong các yếu tố hình thức của một chiếc điện thoại thông minh như hiện nay”, Cockerill nói.
Theo Tri Thức/Zing
Bình luận