Không chỉ dừng lại ở vị trí quán quân với hơn 40% thị phần viễn thông ở Việt Nam, Viettel còn đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam cả về viễn thông và CNTT vào năm 2015.
Viễn thông đã bão hòa
Ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông (CNTT-VT) đã đóng góp trực tiếp 5 - 6% vào GDP quốc gia. Mức tăng trưởng trung bình của ngành này vào khoảng 20-15%/năm. Bản thân CNTT-VT là một ngành công nghiệp lớn, là nền tảng và đòn bẩy để thúc đẩy các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, hiện nay, nghề kinh doanh chính của các công ty VT là cung cấp các dịch vụ về điện thoại – dịch vụ đã gần như bão hòa khi mà mật độ sử dụng ở Việt Nam đã đạt ngưỡng 60 -70%.
Như vậy, để tiếp tục kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, thách thức đặt ra với tất cả các công ty VT không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế là phải mở rộng, thay đổi ngành nghề kinh doanh hiện nay của mình.
VT hiện nay phải được phát triển sang khái niệm mới là mạng thông tin quốc gia. Kinh doanh VT trong xu thế mới phải được định hướng, định vị theo tầm rộng hơn, đó là việc ứng dụng các dịch vụ đó vào tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, chứ không chỉ là câu chuyện sử dụng điện thoại cố định, di động, đường truyền…
Đầu tư phát triển CNTT
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel chia sẻ, dù thị trường của VT đã gần đạt tới mức độ bão hòa, nhưng nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng đã hội tụ CNTT-VT thành một lĩnh vực không thể tách rời.
Giải pháp để phát triển ngành của Viettel giờ đây không chỉ dừng lại ở việc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ như đường truyền, thiết bị, kết nối, đàm thoại hay phần mềm… mà phải kết hợp tổng thể các dịch vụ nói trên thành một dịch vụ thống nhất, hoàn chỉnh cho khách hàng.
Theo đó, Viettel sẽ tập trung vào các khâu nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm là thiết bị đầu cuối của dịch vụ VT. Tạo ra các danh mục sản phẩm “Made in Viettel” cho phép bao phủ hầu hết các lĩnh vực điều hành sản xuất của Viettel bao gồm phần mềm, thiết bị dân sự như: USB 3G, máy tính bảng, máy tính All-in-one, máy điện thoại, thiết bị cảnh báo sóng thần, thiết bị giám sát mực nước hồ chứa nước... và thiết bị quân sự.
Ông Tống Viết Trung cho biết, hiện tại Viettel đã đạt được một số nền móng vững chắc cho mục tiêu trở thành tập đoàn số 1 về CNTT-VT của Việt Nam.
Đó là, việc hình thành các bộ phận R&D (Research and Development - nghiên cứu và phát triển) của Tập đoàn về CNTT với hơn 1.000 kỹ sư phần mềm; hàng trăm kỹ sư thiết kế, sản xuất phần cứng. Xây dựng Viện nghiên cứu phát triển chuyên thiết kế, chế tạo thiết bị CNTT, sản xuất phần mềm.
Đồng thời, cho ra đời Trung tâm Tích hợp giải pháp nhằm cung cấp dịch vụ tích hợp cho doanh nghiệp, dịch vụ Datacenter; Trung tâm CNTT toàn cầu đảm nhận việc quản trị, vận hành, khai thác; Công ty IDC cung cấp Việt Nam; Nhà máy M1, nhà máy M3 là các nhà máy sản xuất đại trà các thiết bị của Viettel.
Bên cạnh đó, Viettel cũng đã xây dựng và triển khai các hệ thống dịch vụ hành chính công; hệ thống Thông quan điện tử của Tổng cục Hải quan; hệ thống kê khai thuế điện tử V-Tax; hệ thống chứng thực chữ ký số Viettel–CA.
Ngoài ra, Viettel đã triển khai toàn bộ hệ thống phục vụ cho ngành Giáo dục theo mô hình PPP gồm: Chương trình quản lí nhà trường; sổ liên lạc điện tử cho ngành Giáo dục triển khai thành công cho trên 12.000 trường học, phục vụ cho trên 1 triệu học sinh và đang tiến hành triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel cho biết, bên cạnh việc mở rộng các dịch vụ cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực CNTT, Viettel đang tập trung vào triển khai và nâng cấp chất lượng các dịch vụ bao gồm: Hệ thống đường truyền, các trung tâm dữ liệu, số lượng điểm kết nối, lực lượng nhân viên kĩ thuật và kinh doanh hiện diện khắp trên địa bàn cả nước, hệ thống Call centre hỗ trợ 24/7.
Từ đó, Viettel sẽ coi việc phổ cập hóa dịch vụ nhắm đến khách hàng bình dân là chiến lược phát triển then chốt của mình. Theo đó, chính sách giá và đối tượng khách hàng mà Viettel nhắm đến là các khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Tập trung đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng, sản xuất thiết bị đầu cuối (máy tính, điện thoại) giá rẻ, các dự án CNTT có kết nối trực tuyến và triển khai trên diện rộng…
Không chỉ trở thành tập đoàn cung cấp CNTT-VT lớn nhất Việt Nam mà Viettel sẽ phấn đấu để trở thành top 30 nhà cung cấp VT lớn nhất thế giới; top 10 nhà đầu tư VT toàn cầu vào năm 2015. Theo đó, sẽ đạt thị trường 500 triệu dân vào năm 2015 và thị trường 1 tỉ dân vào năm 2020.
Đồng thời, sẽ trở thành nhà sản xuất thiết bị CNTT-VT hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2015 với doanh thu 1 tỉ USD; làm bùng nổ thị trường CNTT Việt Nam bằng việc bình dân hóa dịch vụ, đưa CNTT-VT vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Theo Chính Phủ
Bình luận