Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng C50 nhận định nguy cơ tấn công mạng cục bộ cũng như chiến tranh mạng đang hiện hữu trên toàn thế giới, ngay cả với Việt Nam.
Gia tăng tấn công mạng vào Việt Nam
Theo số liệu từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận được 1428 trường hợp mã độc tấn công, cao hơn nhiều so với năm 2013. Hiện có khoảng 500.000 - 1.000.000 máy tính của nước ta đang nằm trong các mạng máy tính ma quốc tế.
Những mạng máy tính này không chỉ là công cụ để tin tặc phát tán thư rác (ước tính hơn 3,33 tỉ tin nhắn rác/ngày) mà đây còn là "bàn đạp" để tấn công vào các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của quốc gia.
Trong thời gian gần đây, VNCERT liên tục phát hiện ra tình trạng nhiều mạng máy tính ma quốc tế có sự xuất hiện của các máy tính, địa chỉ IP tại Việt Nam.
Chẳng hạn mạng lưới Zeus Botnet có 14.075 địa chỉ IP thuộc không gian mạng Việt Nam; các mạng lưới khác như Sality, Downadup, Trafficconverter cũng có tới 113.273 địa chỉ IP tại Việt Nam…
Không chỉ nhắm tới Việt Nam với mục đích phá hoại các hệ thống công nghệ thông tin, những thông tin quan trọng của cơ quan, tổ chức cũng là mục tiêu của mạng máy tính ma.
Những mạng máy tính này thường phát tán các phần mềm gián điệp hết sức tinh vi và phức tạp, cũng như có khả năng tránh bị phát hiện trong hệ thống, chính bởi vậy hiểm họa từ các mạng máy tính ma hiện đang được xếp vào mức cực kì nguy hiểm.
Phía BKAV cũng cho biết, tính đến tháng 10/2013 đã có 2405 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị hacker xâm nhập.
Ước tính mỗi năm, người dùng máy tính ở Việt Nam đã thiệt hại gần 8000 tỉ đồng vì virus máy tính. Không dừng lại ở đó, các hình thức tinh vi khác như đánh cắp tiền của người dùng qua dịch vụ Internet Banking cũng đã xuất hiện, cảnh báo nghiêm trọng về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chỉ số về an toàn thông tin ở Việt Nam còn khá yếu, chỉ là 37,5%, thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc 62%.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải các cuộc tấn công mạng chỉ có 0,8% trong số đó yêu cầu sự trợ giúp từ các đơn vị có khả năng. Điều này khiến cho việc ứng phó với sự cố an ninh mạng bị chậm trễ, khó khắc phục.
Nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu
Trước hiện trạng trên, ông Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) nhận định nguy cơ tấn công mạng cục bộ cũng như chiến tranh mạng hiện nay là hiện hữu trên toàn thế giới, ngay cả với Việt Nam.
Những cuộc chiến tranh mạng thường được ưu tiên phát động bởi chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và khó bị phát hiện, ông Hòa cho biết.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cung cấp thêm thông tin, các cuộc chiến tranh mạng không không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh, quân sự mà còn hướng tới hạ tầng thông tin quốc gia, hệ thống giao thông, điện, nước ...
Ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Học viện Kĩ thuật Mật mã cho biết, không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ của những cuộc chiến trên không gian mạng.
Đồng thời ông cho rằng, cần phải xây dựng khả năng tác chiến trên không gian mạng ngay từ bây giờ nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó với hình thức chiến tranh này.
Để xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc trong không gian mạng cần đảm bảo nhiều yếu tố, ông Sơn lí giải.
Có thể kể đến như: Hành lang pháp lí, tổ chức chuyên trách bảo mật, nhận thức về an ninh mạng từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cũng như đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin ...
Ngoài ra, để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách ở quy mô quốc gia, ông Sơn đưa ra giải pháp.
Chức năng và nhiệm vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin của những cơ quan như Bộ TT&TT, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ cần được thể chế hóa bên cạnh đó là các tổ chức xã hội như Hiệp hội An toàn thông tin.
Về phía cơ quan chuyên trách là Bộ TT&TT cũng đã có những động thái rõ ràng trước nguy cơ an ninh mạng tại Việt Nam. Hiện Dự thảo Luật An toàn thông tin đang được Bộ TT&TT xây dựng và xin ý kiến đóng góp để có một bộ Luật mang tính khả thi cao.
Đồng thời, bắt đầu từ đầu năm 2014, Cục An toàn thông tin, đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin sẽ đi vào hoạt động. Từ đó sẽ có sự thống nhất về các bộ phận chuyên trách an toàn thông tin từ trung ương đến địa phương.
Theo VTC News
Bình luận