Windows Phone đang khát khao chiến thắng và Nokia là công ty duy nhất có thể tập trung trọn vẹn, đáp ứng tham vọng đó cũng như dựa vào đó để tìm cơ hội quay trở lại ngôi vương một thời trong ngành công nghiệp di động của mình.
Microsoft là một gã khổng lồ, với quá nhiều những sản phẩm đa dạng, phong phú và ưu thế nhất định. Điều này khiến Windows Phones dường như trở thành đứa con bị lãng quên so với hàng loạt sản phẩm khác của Microsoft như máy tính bảng Surface, Windows 8, Tiện ích đám mây Skydrive, trang tìm kiếm Bing và Xbox 360.
Microsoft đang nộp đơn lên Ủy ban châu Âu xin phép được mua Nokia (trước đó thì vào tháng 9, thương vụ này đã được cả Microsoft và Nokia thông qua. Tuy nhiên, còn các bên liên quan như chính quyền, đặc biệt là Ủy ban châu Âu vẫn chưa có quyết định cuối cùng). Nếu Ủy ban châu Âu thông qua, mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia sẽ trở thành một phần của gã khổng lồ công nghệ Microsoft, với khoảng 32.000 nhân viên Nokia chuyển sang làm việc cho Microsoft.
Vậy thương vụ Microsoft mua lại Nokia sẽ đem lại cho Microsoft những thuận lợi gì trong cuộc chiến giành thị phần smartphone toàn cầu? Và liệu rằng, thương vụ này có giống với việc Google mua lại Motorola? Hiện tại Nokia là nhà sản xuất điện thoại Windows Phone lớn nhất trong khi HTC và Samsung dường như bỏ cuộc chơi này. Trong quý 3/2013, Windows Phones chiếm 4,1% thị phần smartphone toàn cầu tương ứng với 10,2 triệu máy, trong đó Nokia chiến tới 87%.
Sự tăng trưởng của Windows Phone chậm hơn rất nhiều những gì Microsoft trông đợi. Đã gần 3 năm kể từ lần đầu tiên Microsoft công bố hệ điều hành Windows Phone, gần 2 rưỡi khi Nokia công bố sẽ kết hợp với Microsoft để sản xuất những chiếc Windows Phone mang thương hiệu Nokia và đã 2 năm kể từ khi chiếc Lumia đầu tiên được công bố.
Trong thời gian qua, thị phần điện thoại của Nokia giảm mạnh trên toàn cầu (một phần là do những thiết bị chạy Android) và vị trí của công ty này ngày càng bị đe dọa bởi những hãng sản xuất mới. Trước khi thương vụ giữa Nokia và Microsoft, Nokia chỉ có một con đường duy nhất đó là tiếp tục phát triển những thiết bị chạy Windows Phone hoặc đứng ngoài cuộc chơi.
Theo nhiều chuyên gia, Nokia cần phải xây dựng các công cụ và hỗ trợ các nhà phát triển như Google đã làm với Android, tạo ra những sản phẩm tuyệt vời như Jony Ive đã tạo ra cho Apple. Nokia phải nỗ lực làm những điều này trong khi Microsoft dường như bỏ quên Windows Phone. Còn với người tiêu dùng, Windows Phone chỉ là một hệ điều hành hào nhoáng ở bề ngoài với thiết kế phẳng nhưng bên trong không có gì.
Vậy Nokia làm thế nào để đạt được điều đó? Họ cần cho ra mắt công chúng nhiều thiết bị hơn, ở nhiều phân khúc hơn, cả smartphone lẫn tablet, hỗ trợ các nhà phát triển để họ viết các ứng dụng cho Windows Phone và hơn cả làm Windows Phone trở nên khác biệt với phần còn lại của chiếc bánh trên di động.
Những chiếc Lumia chạy Windows Phone cũng như những chiếc smartphone của HTC và Samsung chạy Android. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ mối quan hệ giữa Nokia và Windows Phone khác với mối quan hệ giữa Samsung hay HTC và Android. Rất nhiều tính năng của Nokia được tích hợp sâu vào trong hệ thống của Windows Phone, trong khi đó những hãng sản xuất khác có rất ít hoặc không có. Những điều đó, thực sự đã làm những chiếc Lumia của Nokia có vị thế hơn rất nhiều so với những chiếc Windows Phone khác, kết hợp với phần cứng cao cấp đã làm xoay chuyển vị trí của Nokia trên thị trường smartphone.
Nokia đã giới thiệu tới các nhà phát triển và người sử dụng bốn nhân tố khác biệt tạo nên những chiếc Lumia:
Phần cứng và phần mềm thiết kế tích hợp: Lumia với hàng loạt thiết bị với đủ kích cỡ, ở mọi phân khúc từ phân khúc giá rẻ như Lumia 520 hay phân khúc cao cấp như 1020 hay phablet mới 1520 với màn hình 6 inch. Những gì Nokia làm với Lumia tương tự những gì Samsung làm với dòng Galaxy của mình.
Bộ công cụ dành cho những nhà phát triển phần mềm: cho phép lập trình viên xây dựng và cập nhật ứng dụng của mình để tương thích với phần cứng
Giải trí: trước khi Google công bố dịch vụ âm nhạc trực tuyến và Apple xuất hiện với iTunes Radio, Nokia đã có dịch vụ âm nhạc riêng của mình cho dòng máy Lumia. Nokia Music cho phép người sử dụng tải và mua nhạc trực tuyến. Đây không phải là 1 dịch vụ của Microsoft mà là một thương hiệu riêng của Nokia.
Bản đồ (Nokia Here): Mọi người đều coi Google map là phần mềm bản đồ tốt nhất trên smartphone và tablet. Ứng dụng của này của Nokia không phải là làm cho có, với đội ngũ nhân sự lên đến 6000 người, cung cấp cho các nhà phát triển khả năng tích hợp Nokia Here vào trong ứng dụng của họ, Nokia Here không chỉ có tham vọng đánh bại Google trên Windows Phone mà còn cả trên iOS và Android. Trong tương lai, Nokia và Microsoft sẽ đi đến một thỏa thuận cho việc tích hợp sẵn Here vào trong mọi thiết bị chạy Windows Phone bán ra trên thị trường.
Thật khó để đặt ba hệ điều hành di động lên để so sánh với nhau, để nói rằng Windows Phone tốt hơn hay tệ hơn iOS và Android. Sự so sánh này mang đầy cảm tính của từng người, ví dụ như 1 số người có thể thích các widget của Androids, trong khi những người khác không quan tâm hoặc không thích nó. Điều cần quan tâm ở đây, đó là những tính năng hoạt động như những gì người dùng cần, thích hay không thích là cảm nhận chủ quan và mang tính cá nhân.
Với Nokia lúc này, hãng cần phát triển và xây dựng nền tảng Windows Phone hấp dẫn với những nhà phát triển và thân thiện với người sử dụng. Câu hỏi muôn thuở đó là: Làm thế nào để Nokia cũng như Windows Phone gia tăng thị phần? Các nhà phát triển không hứng thú với một nền tảng có quá ít người sử dụng và đem lại cho họ quá ít lợi nhuận. Nếu bạn là Nokia hay Microsoft, bạn sẽ giải quyết câu hỏi này như thế nào?
Trong quá khứ thì Microsoft đã tìm mọi cách để khuyến khích các nhà phát triển xây dựng những phần mềm, ứng dụng cho Windows: Hãng đã cung cấp miễn phí công cụ hoặc đôi khi trả tiền để những nhà phát triển mang ứng dụng của mình lên Windows (Windows 8.1, Windows 8.1 RT,… Với Nokia, chỉ cần họ tập trung tất cả nguồn lực của mình vào để phát triển một hệ sinh thái đủ mạnh cho Windows Phone.
Và Nokia cũng đang học tập Microsoft để làm phong phú thêm hệ sinh thái Windows Phone: Cung cấp bộ công cụ phát triển ứng dụng cho các lập trình viên. Hãng cũng tận dụng ưu thế sẵn có của một kẻ từng thống lĩnh thị trường điện thoại di động hay DVLUP (là 1 sân chơi do Nokia thiết kế và thành lập dành cho các bạn lập trình viên cá nhân, nhóm hoặc công ty đang phát triển ứng dụng, game trên nền tảng Windows Phone cùng tham gia).
Tại đây, các lập trình viên sẽ cùng tham gia vào các thách thức (Challenge) hay còn gọi là các nhiệm vụ do Nokia đặt ra. Mỗi khi các bạn hoàn thành xong và đúng yêu cầu của các thách thức, các bạn sẽ được cộng điểm kinh nghiệm vào tài khoản của các bạn. Với tổng số điểm kinh nghiệm mà các lập trình viên đang có, các bạn có thể đổi thành những phần quà bằng hiện vật có giá trị từ Nokia. Ngoài ra, trong quá trình tham gia thách thức, các bạn còn có cơ hội nhận được những huy hiệu nhằm giúp tăng giá trị uy tín, và khẳng định tài năng trong việc phát triển ứng dụng Windows Phone của các bạn).
Vào thời điểm hiện tại, Windows Phone Marketplace có tới 175.000 ứng dụng, Nokia đã bắt đầu giải quyết được vấn đề lớn nhất của họ. Một số nhà phát triển có tên tuổi đã thực sự quan tâm đến nền tảng Windows Phone và phát triển ứng dụng “chính chủ” trên hệ sinh thái này như Instagram và Vine. Instagram sẽ có ứng dụng “chính chủ” sớm trên Windows Phone, đây là 1 chiến thắng lớn của Nokia, cũng như mang một thông điệp ngầm đến Microsoft “Chúng tôi đã đủ tầm quan trọng để những tên tuổi lớn chú ý đến, vậy còn anh thì sao?”
Quý 3 vừa qua, là một điểm sáng của các thiết bị Nokia chạy Windows Phone, ở thị trường Châu Âu, Lumia là thiết bị mà người tiêu dùng có xu hướng chọn mua. Tuy nhiên, tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số lại khá ảm đạm (chỉ với 1,4 triệu thiết bị được bán ra), Nokia và Microsoft cần nhiều nỗ lực hơn để nắm bắt tâm lý, xu hướng tiêu dùng của khách hàng tại thị trường này.
Để Windows Phone hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng như một thiết bị di động họ cần là cả một cuộc chiến dai dẳng. Microsoft có thể cung cấp những gì Nokia cần, nhưng điều sẽ đem đến thành công của Nokia sẽ là việc người tiêu dùng có bỏ tiền mua một thiết bị Lumia hay không cũng như các nhà phát triển quan tâm đến nền tảng này như thế nào, đó là 1 chặng đường dài để Nokia lấy lại ngôi vương của mình.
Theo Tri Thức
Bình luận