Jawdat Ibrahim, chủ nhà hàng, phàn nàn smartphone đã hủy hoại những bữa tối hiện đại. Ông hi vọng chính sách chiết khấu hào phóng có thể mang lại khoảng thời gian vô tư hơn khi mà mọi người đến nhà hàng để gần gũi, trò chuyện và thưởng thức các món ăn ngon hay vì “chúi đầu” vào web, nhắn tin hay công việc. Ông cảm thấy mất tinh thần khi chứng kiến nhiều nhóm bạn hay cặp vợ chồng, tình nhân đến ăn trong im lặng và “dán mắt” vào màn hình rồi cuối cùng đề nghị nhà hàng hâm nóng lại món ăn.
Tuy nhiên, theo Carleton English của hãng tư vấn tài chính Belus (Mỹ), sử dụng di động trong nhà hàng không phải hoàn toàn xấu. Khách hàng có thể chia sẻ ảnh bữa ăn, đánh giá cho bạn bè còn nhà hàng kết nối với họ. Còn theo khảo sát của Zagat vào năm 2012, phần lớn người tham gia không đồng tình với việc nhắn tin, tweet (đăng tin lên Twitter) và email khi đi ăn nhà hàng nhưng chấp nhận việc chụp ảnh. Khảo sát về xã giao di động của Intel năm 2012 chỉ ra 1 trong 5 người lớn Mỹ chia sẻ trực tuyến khi ăn tối với người khác và hơn 1/3 “teen” làm điều tương tự.
Ibrahim không phải người nhằm vào xu thế này. Các nhà hàng khắp thế giới đã bắt đầu cung cấp chiết khấu – song tỉ lệ thấp hơn Ibrahim – cho thực khách tắt điện thoại. Thậm chí, một số còn cấm hẳn việc dùng điện thoại. Mục đích của điều đó là do họ muốn mọi người hòa mình với nhau thay vì chỉ ngồi đó với chiếc điện thoại trên tay.
Giảm tới một nửa hóa đơn, Ibrahim dường như đã đưa “nghệ thuật chiết khấu” lên nấc thang mới. Ông thừa nhận tài chính bị ảnh hưởng trong ngắn hạn song tin rằng chính sách giúp thu hút nhiều khách hàng mới về lâu dài.
Ban đầu, Ibrahim dự định “tịch thu” điện thoại của khách ngay tại cửa ra vào song không khả thi. Ông muốn mọi người tự nguyện làm điều đó khi đi ăn tại đây. Điện thoại phải được tắt thực sự chứ không phải để ở chế độ yên lặng vì nhắn tin bị cấm tại nhà hàng của Ibrahim.
Theo ICTNews
Bình luận