Năm 2013, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam được dự đoán có khả năng tăng trưởng 30-40% so với năm trước. Xu hướng được đề cao trong thời điểm này là các sản phẩm phần mềm có tính ứng dụng và tích hợp các dịch vụ trên cùng một sản phẩm.

Cuộc thi Nhân tài đất Việt năm nay có sự tham gia của khá nhiều các sản phẩm phần mềm chất lượng cao như TeraBook, sách dạy học cho trẻ em thông qua các trò chơi trên thiết bị di động; Hoá đơn điện tử; Quản trị mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ trong một phần mềm tích hợp…

Các sản phẩm phần mềm được đánh giá cao trong năm nay đều đáp ứng tiêu chí: khả năng ứng dụng rộng trong đời sống và tích hợp các dịch vụ trên cùng một sản phẩm. Ví dụ, với việc quản lí hoạt động doanh nghiệp, nếu như trước đây, quản lí dựa trên các phần mềm riêng lẻ như kế toán, bán hàng, nhân sự… thì nay, Amis.vn đã tích hợp trên một phần mềm duy nhất. Cước phí tương đương như dùng điện thoại hàng tháng.

Bà Đinh Thị Thúy, Phó TGĐ Công ty cổ phần Misa cho biết: “Công nghệ điện toán đám mây hiện đang được ứng dụng nhiều ở Việt Nam. Đây là xu hướng công nghệ giúp việc tích hợp công nghệ và liên thông giữa các phần riêng biệt với nhau được hiệu quả nhất”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cũng đánh giá, tích hợp các dịch vụ trên cùng một sản phẩm phần mềm đang là xu thế tất yếu hiện nay. Tiện ích lớn nhất mà nó đem lại cho người sử dụng chính là tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và hiệu quả công việc.

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), tại thời điểm này, ngành phần mềm Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ đứng vị trí thứ 2 tại thị trường Nhật Bản, đứng trong top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới. Việc cập nhật kịp thời những xu thế mới cho thấy nhiều nỗ lực để các doanh nghiệp Việt Nam bước ra khỏi ngưỡng gia công, bước vào làm dịch vụ và thực hiện giấc mơ phần mềm “Made in Vietnam”.

Theo VTV




Bình luận

  • TTCN (0)