CPU và RAM sẽ là những mặt hàng tăng khoảng 3% theo thuế nhập khẩu.

Khoảng 10 ngày trở lại đây, giá RAM trên thế giới đã tăng khoảng 16%. Còn tại VN từ cuối tuần trước, linh kiện này cũng nhích một cách từ từ và hiện ở mức hơn 10% so với trước. Không có doanh nghiệp nào dám nhập số lượng lớn sản phẩm này về vì sợ tình hình đảo chiều.

Ông Hoàng Anh Tuấn, phụ trách kinh doanh Công ty Trần Anh, cho biết chưa có dấu hiệu nào để nhận định giá RAM sẽ tăng ổn định bởi có thể sụt giảm bất cứ lúc nào.

"Nếu ở thời điểm quý IV/2007, nhu cầu thị trường tăng mạnh thì còn dám 'ôm' hàng. Giờ bán chậm thế này, giá tăng lên nhanh mà nhập về thì vô cùng mạo hiểm", một người quản lý doanh nghiệp máy tính trên phố Lê Thanh Nghị bình luận.

Một thanh DDRAM II Kingston 512 MB cách đây một tuần có giá 203.000 đồng và hiện tại là 238.000 đồng. Sản phẩm tương tự như dung lượng 1 GB trong vòng 7 ngày cũng tăng từ 357.000 đồng lên 394.000 đồng.

Bên cạnh đó, các loại chip dòng E của Intel cũng bắt đầu tăng nhẹ 1-2% và có dấu hiệu khan hiếm. Vì thế, trong thời gian tới, loại linh kiện này sẽ còn tiếp tục lên giá. Nguyên nhân của sự biến động này do các bộ vi xử lý dòng Q đã được giảm giá khoảng 10%. Chính sách của nhà sản xuất là khi hạ giá model mới sẽ tăng nhẹ giá các sản phẩm cũ để chúng xích lại gần nhau hơn về mặt bằng giá, giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn, thay đổi hoặc nâng cấp máy tính tốt hơn.

Giá một số loại chip Intel hiện phổ biến như sau:
  • Pentium E2160 (1,8 GHz/1MB/64 bit/Dual Core/bus 800) khoảng 1 triệu đồng.
  • Pentium E2180 (2,0 GHz/1MB/64 bit/Dual Core/bus 800): 1,1 triệu đồng.
  • Core 2 Quad Q6600 (2,4 GHz/8MB/64 bit/bus 1066 MHz): 3,8 triệu đồng.
  • Core 2 Quad Q9300 (2,5 GHz/6MB/64 bit/bus 1333 Hz) xấp xỉ 4,7 triệu đồng.

5 công ty máy tính lớn ở Hà Nội liên minh giảm giá Nhiều loại linh kiện máy tính giảm giá 10-40% Theo các doanh nghiệp máy tính ở Hà Nội, thời gian tới, giá các loại linh kiện sẽ tiếp tục có những biến động. Sẽ có cả mặt hàng tăng và giảm giá, nhưng xu hướng chung là sẽ tăng nhiều hơn. Bởi giá xăng, dầu, sắt, thép... tăng mạnh sẽ tác động đến việc sản xuất các thiết bị máy tính cần đến nguyên vật liệu thô như loa, case... đã tăng giá cao hơn. Tuy nhiên, hầu như chưa doanh nghiệp nào đẩy những mặt hàng này lên theo vì người tiêu dùng đang phải đối mặt với quá nhiều sự "leo thang" về giá.

Trong khi đó, sức tiêu thụ máy tính và các linh kiện giảm hẳn so với mọi năm. Theo chu kỳ hằng năm, tốc độ tiêu thụ sẽ giảm dần bắt đầu từ khoảng giữa tháng 5 đến hết tháng 7. Tuy nhiên, năm 2008 này, ngay khi bắt đầu tháng 3, doanh số bán ra của hầu hết doanh nghiệp đã sụt giảm rất mạnh, có đơn vị bị kéo xuống tới 40%.

Công ty Trần Anh cho biết nếu như năm ngoái mức tăng trưởng của những tháng đầu năm là 40% thì năm nay chỉ bằng một nửa. Giám đốc Công ty Mai Hoàng, ông Đỗ Hoàng Sâm, cũng tiết lộ mức tăng trưởng trong hai quý đầu của đơn vị này xấp xỉ 28%, thấp hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thật khó có thể dự đoán diễn biến tình hình thị trường trong thời gian tới. Tất cả sẽ phụ thuộc vào chính sách cải thiện tình hình lạm phát của nhà nước. Nếu như quý II năm ngoái, mức tăng trưởng chung là 12% thì năm nay áng chừng chỉ khoảng 5%. Tôi cho rằng đó là nhận định khả quan. Chứ nếu giá điện, nước, xăng dầu tăng lên thì con số thực sẽ thấp hơn rất nhiều", ông Tuấn bày tỏ.

Ảnh
Xu hướng mua máy tính nguyên chiếc thay vì lắp ráp từng linh kiện dần phổ biến. Ảnh Hoàng Hà.

  Một trong những điểm đáng lưu ý của thị trường máy tính thời gian qua là sự lên ngôi của máy tính nguyên chiếc, cả thương hiệu Việt và nước ngoài, trên "mặt trận" bán lẻ. Trước đây, dòng sản phẩm này hầu như tiêu thụ chủ yếu theo các dự án. Nhờ việc tích cực thúc đẩy các hoạt động marketing, cắt giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành của nhà sản xuất nên PC nguyên bộ đang lấy lại vị thế của mình. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng có xu hướng không muốn phải chờ đợi và mất thời gian, công sức nhiều vào việc chọn, lắp ráp từng linh kiện. Theo tính toán của các doanh nghiệp, PC nguyên bộ sẽ chiếm khoảng 7-10% thị phần bán lẻ.

Theo Vnexpress 



Bình luận

  • TTCN (0)