Dù là thương hiệu di động dân dụng hàng đầu, nhưng Samsung lại tỏ ra lúng túng với lĩnh vực bảo mật để tiến sang phân khúc doanh nghiệp, tạo cơ hội cho Blackberry và Nokia vượt lên trong thời gian tới.
Đầu năm 2013, Samsung đã chính thức giới thiệu ứng dụng bảo mật di động Knox nhằm tạo sức hút với các doanh nghiệp đang có nhu cầu trang bị điện thoại cho nhân viên của họ. Thế nhưng, một trong số khách hàng tiềm năng là Bộ Quốc phòng Mỹ lại tỏ ra không hài lòng với “sự chậm trễ và lỗi lập trình” trên Knox.
Theo Wall Street Journal, Samsung đã nhận thức được vấn đề của họ và hứa hẹn sẽ sửa chữa trong thời gian tới. Nguyên nhân sâu xa là do Samsung xuất thân từ công ty điện tử tiêu dùng, nên chỉ chú trọng vào bảo mật di động mà “quên mất” các vấn đề liên quan trong hệ thống máy tính doanh nghiệp.
Bản thân Knox đã làm khá tốt những gì cần trên smartphone, nhưng lại không tương tác tốt với hệ thống máy chủ. Thực tế này sẽ nảy sinh nhiều lỗ hổng có thể bị tin tặc lợi dụng bất cứ lúc nào.
Khó khăn của Samsung lại là tin vui với Blackberry và có thể là cả liên minh Nokia-Microsoft. Hai đối thủ này vốn có nhiều kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp và cả chính phủ các nước.
Cuối tháng 11/2013, Chính phủ Đức đã lựa chọn Blackberry làm phương tiện liên lạc di động cho các thành viên của họ và Thủ tướng Angela Merkel. Bởi các công cụ SecuSuite có khả năng mã hóa 128-bit AES với nhiều ứng dụng thông tin như email, Voice IP, tin nhắn văn bản và lịch làm việc, nhưng không ảnh hưởng đến dữ liệu cá nhân như Facebook và Twitter. Mỗi chiếc Z10 (khoảng 400 USD) kết hợp chip bảo mật như trên có giá tổng cộng khoảng 3400 USD là nguồn lợi nhuận không nhỏ với Blackberry.
Theo Sống Mới
Bình luận