Dịch thuật game một cách tùy hứng, không đồng nhất khiến cho ngôn ngữ game đang là thứ ngôn ngữ mà người bình thường không đọc được.
Trong thời buổi game online thuần Việt không có đất sống ở Việt Nam, bởi sự bành trướng và lấn át của game ngoại, thì Dịch thuật đang là một trong những vấn đề được ít nhà phát hành để ý tới.
Với tốc độ phát triển chóng mặt của game online (trung bình 1 tháng có tới hành chục game mới xuất hiện) ở đủ mọi thể loại. Từ thời điểm mua về thành công cho tới lúc phát hành chính thức, gần như các nhà phát hành mất rất ít thời gian dành cho vấn đề dịch thuật, nhà phát hành càng nhỏ thì thời gian cũng như chất lượng dịch thuật càng thấp.
Nhầm lẫn khái niệm dịch thuật và chuyển ngữ
Dịch Thuật là phương pháp biến đổi nội dung từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác nhưng vẫn giữ nguyên được ý muốn nói trong văn bản gốc. Điều này đang sai khác hoàn toàn so với việc dịch thuật game ở Việt Nam.
Phần lớn các tựa Game Online được mang về Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, đất nước có 1 bộ phận ngôn ngữ có nhiều điểm chung với chữ Nôm của Việt Nam. Thử để ý vào hầu hết các game đã được Việt Hóa chúng ta có thể thấy vô vàn câu chữ khó hiểu, bởi chúng chỉ mới được chuyển ngữ từ mẫu tự Trung Hoa sang thành mẫu tự tiếng Việt, kiểu chuyển ngữ này biến tiếng Trung thành từ Hán - Việt là một loại từ được dùng khá phổ biến trong tiếng Việt nhưng không phải hoàn toàn và khó cắt nghĩa.
Kiểu chuyển ngữ để game thủ đọc lên thành tiếng được chứ không thể hiểu được cái hàm ý của từ ngữ trong game, khiến cho thói quen đọc nội dung của Game thủ ngày càng thui chột và biến mất trong các game Online mà đặc biệt là các Webgame "ngắn hạn" xuất hiện ồ ạt thời gian trước.
Hệ lụy đến từ việc không coi trọng dịch thuật
Ngôn ngữ là thứ để con người giao tiếp với con người ở bất cứ đâu, ngay cả trong game online, vốn là nơi mà tính cộng đồng được đề cao và dễ dàng phát triển. Việc không đề cao coi trọng khâu dịch thuật trong game đang tạo ra một khoảng cách tương đối lớn giữa cộng đồng game Việt so với cộng đồng game các nước khác.
Vì game thủ là đối tượng có độ tuổi khá trẻ, là đối tượng rất dễ tiêm nhiễm những vấn đề bên ngoài mà không có sự sàng lọc. Hậu quả của việc để cho ngôn ngữ game phát triển kiểu "mạnh ai nấy làm" khiến cho những đối tượng này không tìm ra được một bến đỗ về ngôn ngữ, dẫn tới vấn đề lệch lạc về lời ăn tiếng nói. Một trong những điểm khiến cho game thủ mang tiếng xấu trong mắt xã hội.
Theo ICTNews
Bình luận