Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, chưa đầy một tháng nữa, các DN cung cấp dịch vụ điện thoại di động sẽ chính thức so tài, thi tuyển để "đoạt" giấy phép 3G - chìa khoá thành công để phát triển mạng lưới, tối ưu hóa hạ tầng.
- Xin ông cho biết quy trình thi tuyển để được cấp phép Mạng di động 3G sẽ diễn ra như thế nào?
- Ông Phạm Hồng Hải: Quá trình thi tuyển trải qua 2 giai đoạn. Thứ nhất là sơ tuyển nghĩa là chỉ chấm điểm liệt, DN nào có điểm liệt ngay từ vòng này sẽ bị loại luôn. Ví dụ, chúng ta có một số tiêu chí liệt như; thời gian để bắt đầu cung cấp dịch vụ là dưới 2 năm, nếu DN nào nói 3 năm thì loại luôn khỏi cuộc chơi, không chấm tiếp các tiêu chí khác nữa.
Về cơ bản, không có DN bị loại ở vòng sơ tuyển vì điều này Bộ TT-TT đã công bố trước, trừ khi DN nào không muốn thi và tự loại mình ra khỏi cuộc thi. Tại sao phải qua vòng này, bởi lẽ, khi DN đã đáp ứng những yêu cầu này thì về cơ bản cấp cho ai cũng được, vấn đề chỉ là cấp cho ai tốt nhất mà thôi.
- Hiện tại, quá trình thi tuyển đã được Bộ công bố với các DN chưa, thưa ông?
- Bộ TT-TT vừa lấy tham vấn của các DN trong nước về nội dung thi tuyển 3G này. Mục tiêu của báo cáo tham vấn là thống nhất các khái niệm, tiêu chí về cách tính, ví dụ cách tính % vùng phủ sóng chẳng hạn - hoặc phủ sóng 20% (hay 10% hay 30%) dân số mới được triển khai cung cấp dịch vụ.
Thời gian triển khai và vùng phủ sóng có tính điểm trong đề bài thi tuyển. Tiêu chí sử dụng lại bao nhiêu % hạ tầng mạng hiện có... Nếu chưa phủ sóng 3G đạt 20% dân số thì chưa được bắt đầu cung cấp dịch vụ. Ví dụ DN có 20% thì được 0 điểm, nhưng phủ được 30% dân số thì được 5 điểm chẳng hạn. Hoặc nếu cung cấp dịch vụ sớm hơn 1 tháng thì được 5 điểm..
Qua tham vấn, Bộ sẽ cho điểm DN nào có thể cung cấp những dịch vụ cơ bản sớm hơn nhiều điểm hơn. Nhưng chắc chắn là khi được cấp phép, DN sẽ cung cấp nhiều dịch vụ mới để cạnh tranh. Từ các tiêu chí này, chúng ta sẽ quy ra điểm để chấm điểm cho DN.
- Hội đồng chấm điểm sẽ dựa vào căn cứ gì?
- Có khoảng 30 câu hỏi, chắc chắn Bộ TT-TT sẽ công bố khung điểm trước để DN điều chỉnh và chú trọng tiêu chí gì trong đề án. Ví dụ phương án sử dụng chung cơ sở hạ tầng sẽ được khoảng 10% số điểm, đặt cọc cao được 20% số điểm, phương án kinh doanh tốt, nhanh sẽ được khoảng 20% số điểm.
Hội đồng sẽ ban hành công thức chấm điểm. Chúng ta tổ chức thi tuyển theo hình thức DN nào có đề án tốt nhất thì cấp. Hội đồng chấm điểm do Bộ chấm để kiểm ta lại xem DN tự chấm điểm có đúng không.
- Một số mạng di động cho rằng, việc tiếp tục sử dụng hạ tầng 2G để phát triển 3G sẽ có ưu thế riêng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- DN có sẵn hạ tầng 2G có lợi thế trong việc đi lên 3G vì sử dụng lại được một phần hạ tầng sẵn có như nhà trạm, hạ tầng truyền dẫn, tức là sử dụng lại được khoảng 20-30% hạ tầng cũ. Trong khi đó, rõ ràng, các DN mới nếu xây dựng mới mất nhiều thời gian hơn, nhiều tiền hơn.
- Ông đánh giá thế nào về tương lai của các mạng di động 3G khi được cấp phép?
- Khó nói trước hiệu quả của 3G. Trước đây, người ta kỳ vọng nhiều vào 3G nhưng hiện nay, công nghệ này chủ yếu được trông chờ vào tốc độ Internet nhanh hơn, dung lượng cao hơn. Việc cấp phép này là cấp phép trên lời hứa, là cấp phép trên cơ sở chấp nhận nhìn về tương lai là sẽ có một chương trình như thế, nên không tránh khỏi tình trạng DN hứa hẹn "rất hay"...
- Vậy Bộ sẽ có cơ chế nào để giám sát việc các DN trúng tuyển thực hiện lời hứa của mình?
- Chúng tôi có cơ chế giám sát bằng cách yêu cầu DN nộp tiền đặt cọc trước khi nhận giấy phép. Tiền đặt cọc là khoảng 10% tổng giá trị đầu tư trong 5 năm. Ví dụ, DN có phương án đầu tư trong 5 năm là 500 triệu USD chẳng hạn, ít nhất phải nộp vào tài khoản của Bộ 50 triệu USD trước khi nhận giấy phép.
Nếu DN không thực hiện đúng những lời hứa - cam kết khi được cấp phép, DN sẽ bị phạt số tiền này. Bộ sẽ nộp khoản tiền đặt cọc này cho nhà nước. Khi thảo luận có DN đề nghị là đặt cọc 50%, có DN không muốn. Việc này cũng thể hiện năng lực của DN và cũng hạn chế tình trạng DN hứa “bừa”.
- Khi nào DN sẽ chính thức "so tài" để được cấp phép 3G, thưa ông?
- Dự kiến cuối tháng 5, Bộ TT-TT sẽ phát thư mời thi tuyển, doanh nghiệp có 2 tháng chuẩn bị hồ sơ, Bộ có 1 tháng để chấm điểm. Chậm nhất, tháng 8/2008, sẽ có danh sách các mạng di động được cấp phép 3G.
- Tiếp sau giấy phép 3G, các mạng di động sẽ cần có giấy phép công nghệ gì nữa?
- Khi được cấp phép 3G, các DN sẽ triển khai 3,5G là HSPA đồng thời. Sau này, nếu có tiêu chuẩn 4G lại thi tuyển. Sẽ có những giấy phép con về tần số như GPS (tần số vệ tinh) còn nếu những dịch vụ nằm trong tần số GSM thì không phải cấp nữa.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamnet
Bình luận